Núi tiền bản quyền truyền hình giúp "nhân bản" Leicester
1. Khi HLV Luis Enrique nói rằng ông không thể tưởng tượng việc La Liga sẽ có “một Leicester” vươn lên lật đổ sự thống trị của Barca, Real hay Atletico Madrid, thì sự thật hình mẫu nguyên bản - Leicester City đang cho thấy sự ổn định, bền bỉ, khát khao chiến thắng cùng sức mạnh tuyệt vời có thể giúp họ viết nên câu chuyện cổ tích trong kỷ nguyên Premier League. “Bầy cáo” - biệt danh của Leicester - có thể xem như biểu tượng cho sự thay đổi đang và sẽ diễn ra ở cuộc đua khốc liệt tới ngai vàng giải Ngoại hạng mà nó xuất phát từ yếu tố tiền bạc.
Chưa ai quên 13 năm trước Leicester còn suýt phá sản và đối mặt với tương lai u tối. Mới chỉ cách đây 6 năm Leicester vẫn lang thang ở League One (giải hạng Ba nước Anh) và mùa trước mọi thống kê đều chỉ ra rằng đội bóng này phải xuống hạng. Nhưng họ đã chiến đấu không ngừng nghỉ để giành giật sự sống tại Premier League và giờ hướng đến... chức vô địch.
Không thể phủ nhận sự xuất hiện của Tập đoàn King Power Group’s và tỷ phú người Thái Vichai Srivaddhanaprabha đã giúp Leicester bước qua giai đoạn tăm tối 2010-2012. Nhưng cũng chẳng phải tiền được rót tràn trề vào đội bóng. Bước ngoặt với Leicester đến khi họ giành quyền lên chơi ở Premier League mùa trước. Vị trí thứ 14 chung cuộc giúp Leicester được BTC phân chia 71,6 triệu doanh thu từ các nguồn: tiền bản quyền truyền hình (BQTH) cả trong lẫn ngoài nước, phí trận đấu được phát sóng trực tiếp và lợi nhuận thương mại.
Đó chính là cơ sở giúp Leicester tái đầu tư nâng cấp đội hình và đặc biệt mời được một HLV tên tuổi như Claudio Ranieri, người đang góp công lớn nhào nặn nên một tập thể tuyệt vời sắp ghi danh vào lịch sử giải Ngoại hạng. Nếu vô địch mùa này, dự báo Leicester có thể nhận tới 90,9 triệu bảng từ BTC.
Con số trên có thể vẫn không bằng khoản chia cho Arsenal (khoảng 98,1 triệu bảng), Man City (94,3), Man Utd (95,8), Liverpool (89,9) hay nhà vô địch hết thời Chelsea (85,8) - và cũng là mức thấp nhất so với đội giành Cúp mùa trước (Chelsea 98,9 triệu bảng) hay nhà vô địch mùa 2013/14 (Man City 96,5 triệu bảng) tính trong giá trị gói BQTH 3 mùa hiện tại (2013-2016).
Tuy nhiên, đó vẫn là khoản kếch xù. Còn nếu nhìn về doanh thu lớn hơn nhiều khi gói BQTH Premier League trong 3 mùa kế tiếp chạm ngưỡng kỷ lục 8,5 tỷ bảng, tất cả sẽ giúp Leicester tiếp tục đầu tư đội hình có chiều sâu, chất lượng hơn để cạnh tranh. Và quan trọng là nhiều đội sẽ nhìn vào Leicester như là động lực, tấm gương để phấn đấu vươn lên.
2. Một điều dễ nhận thấy ở các giải hàng đầu châu Âu khác như Serie A, La Liga hay Bundesliga đó là miếng bánh BQTH to nhất thường được xắt riêng cho các ông lớn như Juve, Milan, Barca, Real hay Bayern. Điều đó có nghĩa phần chia cho các CLB nhỏ và vừa rất hạn hẹp. Thiếu sức bật tài chính, thật khó đòi hỏi tìm ra “một Leicester” ở những giải kể trên.
Nhưng sự bất công ấy không xảy ra ở Premier League. Giải VĐQG khắc nghiệt nhất hành tinh dù vẫn hứng chịu sự chỉ trích vì không có kỳ nghỉ Đông hay đang bị thương mại hóa... thì sự thật ở đó các CLB được hưởng sự công bằng từ nguồn thu chính là tiền BQTH. Với nguồn tiền BQTH bán ở thị trường Anh, 50% được chia đều cho 20 CLB, 25% chia thưởng từ cao xuống thấp dựa trên thứ tự mỗi đội trên BXH và 25% còn lại chia theo số trận CLB được phát sóng trực tiếp, với giá trung bình 877.500 bảng/trận và mỗi đội tối thiểu nhận được khoản tiền tương ứng với 10 trận lên sóng (8,77 triệu bảng).
Với nguồn thu gói BQTH bán ở thị trường nước ngoài và doanh thu thương mại, tất cả được chia đều, không có sự phân biệt. Như thế, có thể hiểu vì sao mùa trước Chelsea vô địch nhận xấp xỉ 99 triệu bảng từ BTC thì đội xếp bét bảng QPR cũng được chia 64,88 triệu bảng. Vậy mùa tới khi gói BQTH 3 năm đạt giá xấp xỉ 8,5 tỷ bảng, tức tăng gần 70% so với gói hiện tại, mọi chuyện sẽ ra sao?
Những thống kê sơ bộ chỉ ra rằng đội vô địch Premier League mùa sau có thể kiếm được 150 triệu bảng, tức gấp rưỡi hiện tại, còn đội bét bảng cũng có thể bỏ túi tới 97 triệu bảng, tức chẳng kém nhà vô địch mùa trước là bao. Như thế, không chỉ các đại gia vốn có nhiều cơ hội đăng quang mà những đội bóng vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi rất lớn. Nhìn thấy cả núi tiền trước mắt, những CLB tầm trung hay tí hon sẽ không tiếc tiền đầu tư lực lượng, đưa về những cầu thủ chất lượng nhất cũng như những HLV giàu kinh nghiệm, tài năng.
Khi đó, sự cạnh tranh ở giải đấu rất quyết liệt, hấp dẫn và những Leicester hay West Ham đang khuấy đảo Premier League mùa này cũng không còn là trường hợp hiếm. CĐV sẽ được thấy nhiều hơn nữa “những phiên bản Leicester” không hẳn thành công nhờ may mắn mua được những ngôi sao với giá hời như Jamie Vardy, Riyad Mahrez, N’Golo Kante, mà nền tảng tài chính vững chắc sẽ giúp họ mạnh dạn đầu tư những bản hợp đồng đắt xắt ra miếng.
Khi ấy, Premier League sẽ là sân chơi tuyệt vời mà nhìn vào đó người ta sẽ tự hỏi liệu có cần phải mong ngóng sự ra đời của Super League ở châu Âu.