Premier League: Áo tập cũng giật ra tiền
Không chỉ có “mỏ vàng” bản quyền truyền hình hay các nhà tài trợ chính, nhiều CLB ở Premier League còn kiếm bộn từ việc kinh doanh trên trang phục tập luyện.
Premier League đang chuẩn bị cho làn sóng khai thác thương mại mới trong 12 tháng tới, đó là việc tận thu lợi nhuận từ chính trang phục tập luyện của các CLB. Những chiếc áo tập đẫm mồ hôi tưởng như chẳng được mấy ai quan tâm, vì những đội bóng chưa bao giờ bán áo tập và các buổi tập thường diễn ra trong sân kín, không có khán giả hay được truyền hình nên rất khó tiếp thị thì nay trở thành sản phẩm hái ra tiền.
Thật vậy! Liverpool và Chelsea chính là những cái tên mới nhất theo chân Man Utd vào trong danh sách những đội bóng có được nguồn tài trợ đáng kể từ quảng cáo trên những chiếc áo tập.
Cả ba câu lạc bộ đều chưng diện với các đối tác thứ cấp trên trang phục khởi động trước trận giao hữu với Wigan và Rapid Vienna cuối tuần qua. Tương tự, ba HLV Juergen Klopp, Antonio Conte và Jose Mourinho cũng có tên nhà tài trợ được in lên áo khoác thể thao của mình.
Chelsea đã ký hợp đồng 3 năm với hãng nước uống tăng lực Carabao trị giá 30 triệu bảng, bắt đầu từ mùa Hè này. Thương hiệu nói trên qua đó xuất hiện trên quần áo tập luyện của đội bóng thành London. Có lẽ, chẳng sớm thì muộn cái tên Carabao sẽ được nhắc tới bên cạnh những ông lớn giải khát như Red Bulls, Coca Cola hay Pepsi...
Trong khi đó, Liverpool cũng công bố thỏa thuận của mình với hãng cá cược BetVictor hồi đầu tháng sau khi hãng hàng không Garuda Indonesia trước đó đã nắm “bản quyền” kể từ năm 2014.
Man Utd tiếp tục hợp tác với Aon khi các điều khoản mới được bổ sung cho bản hợp đồng vào tháng 4/2013. Thỏa thuận này bao gồm cả việc kết hợp các quyền đặt tên sân tập của Aon tại Carrington và trang phục tập luyện. Mourinho khi tiến hành cuộc họp báo đầu tiên tại đây cũng mặc áo sơ mi màu đen mới có biểu tượng của nhà tài trợ phụ.
Ngay cả Barcelona, đội mà trước đây đây vẫn còn "chảnh" khi chọn nhà tài trợ áo đấu chính thức chứ đừng nói đến áo tập thì cũng đã ký thỏa thuận với hãng casino trực tuyến Botemania vốn mang cho họ 59 triệu bảng qua 4 mùa giải.
Xét về khai thác thương mại, Man Utd được coi là đội bóng Anh mở đầu cho xu hướng hợp tác với các nhà tài trợ cho trang phục tập luyện. Vào tháng 8/2011, họ ký hợp đồng 4 năm trị giá 40 triệu bảng với DHL - công ty cung cấp vận chuyển bưu kiện quốc tế.
Hợp đồng với DHL kéo dài hơn 1 năm trước khi CLB mua lại vào tháng 10/2012, mặc dù họ vẫn là đối tác hậu cần chính thức của Man Utd. Hợp đồng tài trợ trang phục tập luyện sau đó đã được bán cho Aon vào tháng 4/2013 với thỏa thuận trị giá 180 triệu bảng trong 8 năm, cũng bao gồm việc mua quyền đặt tên cho Trung tâm Đào tạo Trafford.
Câu hỏi đặt ra là những giao dịch trên trang phục tập luyện này liệu thực sự có lợi cho các nhà tài trợ tiềm năng? Chắc chắn trong trường hợp của Aon, công ty đang phải trả gần 1 triệu bảng/năm, khả năng này là rất lớn. Nhờ số lượng các ngôi sao Man Utd có số hình ảnh xuất hiện với tần suất lớn tại Trung tâm đào tạo phức hợp của CLB, đi vào các khách sạn, khi tiến hành tập luyện, khởi động và đến sân vận động, mà ước đoán Aon đạt được khoảng 60-70% sự hiển thị nhưng thấp hơn giá trị hợp đồng.
Trong kỳ tập huấn trước mùa giải, các nhà tài trợ càng có dịp phát huy tối đa khả năng quảng bá tên tuổi của mình khi CLB tiến hành các chuyến du đấu nước ngoài. Hình ảnh các cầu thủ với trang phục tập luyện có tên nhà tài trợ sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ tới đông đảo người hâm mộ.
Với “miếng bánh” béo bở ấy, các chuyên gia dự đoán, trong ngắn hạn, Top 10 CLB Premier League có thể tìm kiếm tài trợ trang phục tập luyện trong vài năm tới sẽ gồm có Man City, Arsenal và Tottenham. Tất cả cho thấy rằng, các CLB Anh luôn cố gắng để trở nên sáng tạo hơn từ góc độ doanh thu, bằng cách này hay cách khác.