Nhà báo Trương Anh Ngọc: Eder, đứa con của vận hạn
Thay “màu” giấc mơ
Đối với Martins Eder Citadins, khoác áo Brazil là một ước mơ lớn lao. “Tôi luôn nghĩ rằng, mơ ước là một quyền cơ bản của con người”, anh có lần nói trên tạp chí bóng đá Calcio 2000, “Tôi cũng mơ, mơ rất nhiều. Cha tôi đặt tên cho tôi theo tên của Eder, tiền đạo nổi tiếng của đội tuyển Brazil ở Espana 1982. Ông muốn một ngày nào đó tôi cũng sẽ trở thành một tuyển thủ quốc gia, một cầu thủ thành công và được ông yêu mến như Eder. Nhưng điều đó đã không xảy ra”.
Trong một đất nước mà hàng triệu đứa trẻ đá bóng cùng có một ước mơ như thế, một lứa xuất sắc lắm cũng chỉ có vài đứa sau này lớn lên trở thành một “ai đó” trong màu áo của đội bóng vàng-xanh. Eder không nằm trong số ấy, không chỉ đơn giản bởi vì Brazil đã sản sinh ra quá nhiều chân sút xuất sắc, khiến người ta tin rằng, những cầu thủ như anh vô số và đều đang đá trên các sân cỏ châu Âu, mà còn vì một lí do nữa: anh sang Italia quá sớm, khi mới 19 tuổi, chưa được ai biết đến.
Khi những giấc mơ Brazil của một Eder-trung-bình không còn nữa, anh nhập tịch Italia vào năm 2010 và sự bùng nổ của anh trong màu áo Sampdoria những mùa bóng sau đó chỉ để tạo ra một sự an ủi nào đó, rằng ít ra, cậu bé Eder ngày nào được bố đưa đến xem bóng đá tại những sân bóng gồ ghề và cũ kĩ ở bang Santa Catarina nghèo khó của Brazil cũng có thể khiến cho gia đình anh cảm thấy tự hào.
“Tôi đã chứng minh cho gia đình thấy, một cầu thủ Brazil có thể chơi hay và ghi bàn như thế nào”, anh nói trên Calcio 2000. “Nhưng tôi không thể tin được vào tai mình rằng, một ngày nào đó, tôi sẽ khoác lên mình chiếc áo Thiên thanh”.
Từ vàng-xanh đến Thiên thanh, ở tuổi 28, cái tuổi mà người ta không muốn để lỡ những chuyến tàu của đời mình nữa, khi nó chỉ đến có một lần, là một chặng đường dài của những giấc mơ, nỗi buồn xa gia đình và xứ sở và một niềm vui tràn ngập khi một ngày tháng 9, anh nhận được cú điện thoại của Conte. “Dunga (HLV của đội tuyển Brazil) nói rằng, tôi có tên trong danh sách theo dõi của ông ấy và tôi cần phải chờ đợi”, anh nói. “Nhưng tôi không muốn chờ đợi. Tôi đã chọn Italia”. Một quyết định hoàn toàn đúng đắn, giống như một canh bạc chiến thắng mà nhiều “oriundi” (cầu thủ Nam Mỹ nhập tịch) như anh đã từng tận dụng để đi vào lịch sử đội tuyển Italia.
“Vai chính” ngoài kịch bản
Bởi người đang chơi tuyệt vời ở Sampdoria ấy mùa này chưa bao giờ có phong độ tốt đến thế, với 9 bàn thắng sau 12 trận đầu mùa, đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới. Anh đã khoác áo Thiên thanh trong 6 trận đấu, ghi 2 bàn, và đều là những bàn cực quan trọng (bàn gỡ 2-2 cứu Italia khỏi thất bại trên sân Bulgaria hồi tháng 3/2015 và bàn quyết định thắng lợi của Italia trên sân Azerbaijan vào tháng 10), giúp Italia chính thức có vé đến EURO 2016.
Sau bàn thắng vào lưới Bulgaria, anh đã lao ra ôm Conte, như một lời cảm ơn vào sự tin tưởng mà vị HLV trưởng ĐTQG đã dành cho anh. Là một dạng tiền đạo có thể chơi tốt ở cả sơ đồ 4-3-3 lẫn 4-4-2 và chớp thời cơ tốt như Schillaci hồi Italia 1990, Eder không thể mong đợi một khoảng thời gian nào tốt hơn lúc này để kiếm một suất đá chính ở EURO 2016. Trong nửa thế kỉ qua, những “oriundi” tiền đạo trước anh trong lịch sử đều không thành công, dù có tên tuổi, và đấy là một điều cảnh báo. Từ Altafini, Angelillo, Sivori cho đến Amauri đều không để lại tiếng vang.
Cơ hội “vàng mười”
Italia là một sự lựa chọn chính xác, ít nhất là cho đến bây giờ. Nhưng với phong độ hiện tại của mình, canh bạc cho EURO 2016 với Eder là có cơ sở. Trên thực tế, sự lựa chọn ấy đến một cách hoàn tự nhiên, từ trái tim, như một lời cám ơn đến quê hương thứ 2 của anh và cũng là quê của cụ nội anh. Ông Battista Righetto là một người Italia gốc Treviso, miền Bắc Italia, và ông đã di cư sang Brazil từ cuối thế kỉ 19.
Chọn Italia chính là một cách để trở về nhà, nơi Eder đã sống và thi đấu trong suốt 10 năm qua, kể từ khi rời đội Cruciuma ở Brazil để tới Empoli, từ đó bắt đầu một hành trình dài từ vô danh cho đến được ghi nhận vào thời điểm hiện tại. Một lựa chọn chính xác, ít ra là về tính thời điểm, bởi lâu lắm rồi, Italia mới rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân sự lớn như thế trên hàng công, buộc Conte phải gọi đội tuyển tất cả những tiền đạo nào có thể chơi được.
Đấy là lí do tại sao kể ngày ra mắt trong màu áo Thiên thanh và ngay lập tức ghi bàn (trận gặp Bulgaria), Eder không rời khỏi đội tuyển nữa. Đá bên anh là Pelle, không phải là một tiền đạo đẳng cấp được ưa thích ở Italia, mà đang chơi cho đội trung bình Southampton ở bên Anh. Những người còn lại, hoặc chưa thuyết phục (Gilardino, Destro), đang lấy lại phong độ (Giuseppe Rossi), đang chấn thương (Balotelli), hoặc bị các CLB chủ quản gây khó dễ cho việc khoác áo Thiên thanh (Insigne), hoặc có nguy cơ không được cọ xát nhiều trong thời gian tới (Giovinco, giải MLS của Mỹ sẽ nghỉ đá từ tháng 1 đến tháng 3/2016).
Đang có lợi thế, nhưng Eder hiểu rằng, con đường vẫn còn dài và anh không thể đánh mất cơ hội này, khi vẫn còn đó tấm gương Amauri, “orriundi” gần nhất trong màu áo Thiên thanh-rất hứa hẹn lúc đầu, nhưng sau đó gây thất vọng và biến mất nhanh như đã xuất hiện. Hai trận giao hữu với Bỉ và Romania là những cơ hội mà Eder không thể bỏ lỡ. Một suất dự EURO cho một cầu thủ gốc Brazil, điều chưa từng xảy ra trước kia với đội tuyển Italia, tại sao không?
Nhưng không chỉ Eder, mà cả Okaka...
Từng là một trong những nhân tài đáng chú ý của Italia từ khi chưa tròn tuổi 20 (Okaka ra mắt trận đầu ở Serie A trong màu áo Roma từ khi mới 16 tuổi và 125 ngày), nhưng những chấn thương, những giai đoạn xuống phong độ và trở lại gây thất vọng tràn trề cùng một loạt những cú chuyển nhượng theo dạng cho mượn (tới Brescia, Fulham, Bari, rồi Parma) đã khiến Stefano Okaka biến mất trên bản đồ bóng đá Italia.
Chàng trai trẻ sinh ra ở miền Trung Italia 26 năm trước này là con của những người nhập cư gốc Nigeria. Nhưng dù có chung màu da với Balotelli, Okaka không giống chân sút của Milan. Anh nổi từ khi còn chơi cho đội thiếu niên của Roma, sau đó chìm xuống và không bao giờ đạt đến mức độ mà người ta kì vọng nữa. Anh không bùng nổ và cũng không có cá tính điên rồ như Balotelli. Nhưng Okaka lại có được điều mà Balotelli, đang bị thương, không có bây giờ: một suất đá chính trong đội tuyển Thiên thanh, một cơ hội để tự khẳng định mình và đến EURO 2016.
Cơ hội ấy thực ra Okaka đã nắm lấy từ mùa bóng trước, trong màu áo Sampdoria, với 7 bàn thắng sau 45 trận, đồng thời có những đóng góp rất lớn cho thành công của đội bóng này bằng những pha kiến tạo, dù quan hệ của anh với HLV lúc đó là Mihajlovic rất tệ. Chuyển sang chơi cho Anderlecht (Bỉ), sau 4 trận đầu ngồi dự bị, Okaka đã ra sân 9 trong 10 trận sau đó, ghi 7 bàn thắng. Trong hoàn cảnh Italia khủng hoảng ở hàng công, Conte đã triệu tập anh vào đội tuyển, và trong trận đầu ra mắt Thiên thanh hồi tháng 10 vừa qua, Okaka đã ghi một bàn vào lưới Albania. Ghi bàn trận ra mắt cũng là điều mà Eder đã làm. Eder cũng như Okaka đều không muốn bỏ lỡ những cơ hội mà Chúa đã ban tặng.
Bây giờ, Okaka đang sung sức và hạnh phúc. Anh muốn đi tiếp con đường mà Conte đã trải ra trước mắt anh. Bằng phong độ tốt, những bàn thắng và khao khát thể hiện mình, cho một Italia lạ lùng chưa từng có trên hàng công, một hàng công toàn “ngoại quốc”, kể từ những năm 1960, khi các cầu thủ tiền đạo của Italia cùng lúc xuất hiện Sivori, Angelillo và Altafini. Ngoại quốc theo kiểu Eder nhập tịch (từ Brazil), Okaka gốc Nigeria, còn Pelle là người Italia, nhưng bị coi như thế vì đang chơi ở nước ngoài.
Điều duy nhất Okaka không thích lúc này là bị so sánh với Balotelli, một người Italia gốc Ghana. “Tôi không phải Balotelli. Anh ta mới có tên Balotelli. Tôi là Okaka. Tôi không muốn ai đó so sánh tôi với cậu ta”, có lần anh nói. Phải, Okaka, đừng tự làm hỏng mình và đi theo vết xe đổ như Balotelli...