Chủ tịch CLB Azul Claro, Hiroyoshi Yamamoto: “Phải đào tạo bóng đá học đường từ năm 6-8 tuổi”
– Thể thao 24h: CLB của ông nhận được sự hỗ trợ thế nào từ LĐBĐ Nhật Bản và tỉnh Shizuoka, nơi đội bóng đặt trụ sở?
Ông Hiroyoshi Yamamoto: Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, vì đó không phải là nhiệm vụ của họ. Chúng tôi chỉ hợp tác, nhận sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Shizuoka. Ví dụ, lứa U.13 của Azul Claro nhận được sự hỗ trợ của 80 công ty, xí nghiệp còn lứa U.15 thì chúng tôi có được sự chung tay góp sức của 130 công ty, xí nghiệp.
– Mối liên hệ giữa đào tạo học vấn và bóng đá ở Azul Claro về vấn đề thời lượng là như thế nào? Ví dụ cầu thủ 6 tuổi thì 1 tuần học mấy buổi bóng đá?
Các em 6 – 10 tuổi thì thường mỗi tuần tập 2 buổi vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Khi lên đến lứa 12 – 13 tuổi thì con số này tăng lên 3. Nhưng dù ở lứa tuổi nào thì các cầu thủ nhí cũng được thường xuyên thi đấu cọ xát.
– Ông có thể kể ra một điểm đặc biệt trong mô hình đào tạo cầu thủ của Azul Claro? Liệu mô hình này có được chuyển giao cho Việt Nam?
Năm 2002 trở về trước, Azul Claro chỉ đào tạo các cầu thủ từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, sau thời điểm 2002, chúng tôi bắt đầu đào tạo thêm các tuyến 6, 8, 10 tuổi. Mô hình hệ thống đào tạo của Azul Claro đã được chúng tôi đưa về Yamaha Việt Nam. Khâu đào tạo này hoàn toàn giống nhau. Và khái niệm bóng đá học đường chỉ áp dụng cho các cầu thủ dưới 16 tuổi. Từ tuổi 16 trở lên, họ được xác định là cầu thủ chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp.
Tôi quan sát và thấy rằng Việt Nam chưa chú trọng đến bóng đá học đường cho các cầu thủ 6 -8 tuổi trong khi đây là cột mốc rất quan trọng. Nếu cải thiện được điều này và chú trọng đến số lượng cũng như chất lượng HLV chuyên đào tạo bóng đá học đường thì Việt Nam cũng sẽ có nhiều nhân tài bóng đá.
– Xin ông nói rõ hơn về cái gọi là “số lượng và chất lượng HLV”. Và theo ông, Việt Nam phải mất bao nhiêu năm mới bắt kịp bóng đá học đường hiện giờ?
Tôi thấy ở Việt Nam lứa tuổi 6-10 tuổi thì các giáo viên thể chất – vốn không được học chuyên sâu về bóng đá – lại làm công tác hướng dẫn các em nhỏ đá bóng. Trong khi đó, công việc đó đáng nhẽ phải được thực hiện bởi các HLV chuyên về bóng đá. Trong việc phát triển bóng đá học đường thì quan trọng bậc nhất chính là những người làm công tác huấn luyện. Nếu có phương pháp đào tạo chuẩn, có các HLV bóng đá học đường giỏi thì chắc chắn sẽ sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi. Còn bao nhiêu năm nữa bóng đá học đường Việt Nam tương đương Nhật Bản thì tôi không biết vì nó phụ thuộc vào cách làm của các bạn.
– Xin cám ơn ông!
LIÊN NHI (thực hiện)