Chuyện về bệnh thành tích ở bóng đá phủi
Bóng đá phủi vài năm qua gây sốt đối với NHM bởi vẻ đẹp trong trẻo của nó. Tuy nhiên, ở một số sân chơi phong trào, bệnh thành tích vẫn xuất hiện.
Ngày càng có nhiều khán giả thích đi xem bóng đá phủi. Sân chơi này cũng thu hút nhiều cầu thủ nghiệp dư tham dự, thậm chí cả ngôi sao V.League như Thành Lương, Văn Quyết, Hoàng Thịnh, cựu sao như Quốc Vượng, Văn Quyến...
NHM bóng đá, đặc biệt ở Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An đều thừa nhận họ ngày càng thích xem phủi hơn trước kia bởi sân chơi phong trào ngày nay đã văn minh hơn rất nhiều. Các đội thi đấu nhiệt huyết, cống hiến, không có mua bán độ, tiêu cực và ít bạo lực hơn. Tuy nhiên, bóng đá phủi vẫn còn đó một căn bệnh chưa thể chữa khỏi đó là bệnh thành tích.
Những tưởng chỉ bóng đá chuyên nghiệp mới có bệnh thành tích, thì ở nhiều sân chơi phủi từ xưa đến nay, căn bệnh này vẫn thường xuyên xuất hiện.
NHM đến xem giải Kết nối Doanh nghiệp 2016 mới đây đều rất thích thú vì chất lượng các trận đấu cao, thậm chí có hàng tá hảo thủ, sao số trong giới phủi thi đấu. Các trận đấu từ vòng bảng đến chung kết, lượng khán giả đều rất đông, không kém gì các giải đấu phủi danh giá như HPL, Ngọc Bảo...
Tuy nhiên, giải đấu cũng khiến nhiều người thắc mắc, phàn nàn bởi có quá nhiều phủi thủ thi đấu. Kết nối doanh nghiệp - từ cái tên của giải đấu đã nói lên rằng đây là sân chơi dành cho các đội bóng doanh nghiệp, với cầu thủ là "hàng công ty chính hiệu". Ngay từ những thông tin ban đầu của giải đấu, BTC cũng truyền đi thông điệp sân chơi này là dành riêng cho các đội bóng là doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tham dự.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách thi đấu của các đội bóng đăng ký, không khó nhận ra nhiều cầu thủ không phải là người công ty. Chẳng hạn như đội HBG, bê nguyên tổ Thành Đồng về đá. Ai cũng biết những Thắng "Xavi", Giang "say", Cường "kem"... không người nào là đang làm việc tại HBG.
HD Bank Hoàn Kiếm cũng sử dụng nhiều phủi thủ không phải là nhân viên như Đạo "Từ Sơn", Mạnh "nát", Hùng "sư phạm". Những cầu thủ này đều đang làm tại công ty Dầu khí PSA, không hề có liên hệ gì với ngành ngân hàng.
Hay như đội bóng công ty Ánh sáng Việt, bê nguyên tổ MV Corp về đá, ai nhìn cũng biết ngay là "gọi phủi". Rõ ràng, khi nhìn vào đội hình ra sân của những đội bóng này, nếu ai không biết tên giải đấu, sẽ ngỡ đây là một Ngoại hạng phủi phiên bản khác.
Giải bóng đá Khối Văn phòng - Xây dựng 2015 cũng là một ví dụ điển hình về việc các đội bóng doanh nghiệp gọi phủi vào đá. Đội Xí nghiệp Cần cẩu số 6 giành chức vô địch nhưng khiến nhiều đội không phục khi bê nguyên tổ Trà Dilmah vào đá với dàn hảo thủ Linh "Becks", Khánh "chóe", Trung "ốc", Thi "mốc"...Họ dễ dàng nghiền nát những đội đậm chất văn phòng khác, ngây thơ dự giải với những trận thắng cách biệt 5-6 bàn như đi dạo ở vòng bảng.
Còn rất nhiều giải đấu khác, tiếng là sân chơi dành cho các doanh nghiệp nhưng vẫn là nơi dân phủi phô diễn sức mạnh. Các đội bóng giành được Cúp vàng thì hả hê nhưng những nhân viên trong nội bộ ấm ức vì không được thi đấu, ngồi dự bị cả giải hoặc thậm chí bị gạt khỏi danh sách để nhường chỗ cho phủi.
Một điểm sáng trong các giải văn phòng, doanh nghiệp là Cúp Long Viên 2016. Đây là giải đấu mà các đội bóng không được sử dụng phủi cứng từng dự các giải phủi mạnh như Ngoại hạng phủi, Hạng Nhất phủi, VCK Forumbongda, Ngọc Bảo... Các cầu thủ chuyên nghiệp giải nghệ cũng phải có ít nhất 5 năm treo giày mới được đăng kí thi đấu. Giải đấu đã khép lại trong sự hài lòng của tất cả các đội tham dự bởi BTC làm chặt chẽ đúng tiêu chí nói không với phủi.
Thiết nghĩ, để cho dân phong trào ở phân khúc cổ cồn trắng có nhiều sân chơi hơn, các ông bầu của những đội bóng doanh nghiệp cần tránh xa bệnh thành tích.