Những điều chưa biết về trọng tài sân phủi
Để điều hành tốt một trận đấu phủi, các trọng tài cần rất nhiều thứ từ việc am hiểu luật, thể lực tốt, phản xạ nhanh, sự bình tĩnh..
Chuyên môn, thể lực và hơn thế...
Dân phủi cứng là những người chơi bóng lâu năm, am hiểu luật, cực tinh quái và tính cách ngang tàng. Một trọng tài còn trẻ, mặt có vẻ non hoặc tỏ ra chần chừ khi quyết định thổi còi tình huống nào đó, có thể bị dân phủi bắt nạt.
Để thổi còi trong những trận đấu tính chất văn phòng, giữa các đội bóng ít dân phủi, trọng tài không cần phải là một người quá am hiểu chuyên môn, giàu kinh nghiệm và bản lĩnh. Tuy nhiên, để điều hành được những trận đấu có chất lượng chuyên môn cao, tính chất căng thẳng, nhiều phủi cứng thi đấu như HPL, Hạng Nhất phủi, Ngọc Bảo Open, VCK Forumbongda... thì trọng tài phải trang bị rất nhiều thứ.
Đầu tiên, một trọng tài phải có chuyên môn tốt, hiểu rõ và thuộc luật bóng đá ở các loại sân mà họ tham gia công tác. Đối với khái niệm sân phủi hiện nay, đa số các trọng tài phải am hiểu luật thi đấu sân 7. Trọng tài Minh Tiến thuộc Ban trọng tài Hà Nội chia sẻ: “Đôi khi một trọng tài cắt còi chuẩn xác ở một tình huống nhưng gặp phủi cứng hỏi vặn lại rằng anh ta phạm lỗi gì mà không trả lời được là cũng rất dở”.
Thể lực tưởng chừng là yếu tố được xem nhẹ với các trọng tài phủi nhưng sự thật ngược lại. Các trọng tài thuộc ban trọng tài Hà Nội thường xuyên phải thực hiện các giáo án khắc nghiệt hàng tuần để đủ sức cầm còi ở các giải chuyên nghiệp lẫn giải phong trào.
Một trong những bài tập kinh điển mà các trọng tài thuộc Ban trọng tài Hà Nội vẫn phải nuốt trọn mỗi tuần là chạy với tốc độ tối đa ở cự ly 100m x 30 lần trong một buổi chiều. Một bài tập khác cũng khắc nghiệt không kém là chạy 5000m trên sân Hàng Đẫy hoặc sân Mỹ Đình. Đều đặn hàng tuần, các trọng tài này có 2 buổi tập thể lực "hạng nặng".
BLV phủi Hải “bạc” chia sẻ: “Nhiều khi tôi vẫn bắt gặp các trọng tài vừa điều hành trận đấu ở Ngoại hạng phủi xong, lập tức ra một góc khuất ở sân Bộ Công An để tập thêm thể lực dưới cái nắng gay gắt. Phải công nhận là họ rất khỏe và nghiêm túc tập luyện”.
Hầu hết các trọng tài đang điều hành những giải phủi danh tiếng ở Hà Nội đều thuộc Ban trọng tài Hà Nội. Họ đều là những người đã tốt nghiệp những khóa huấn luyện từ sơ cấp, trung cấp đến nâng cao do Ban trọng tài Quốc gia hoặc FIFA tổ chức. Đa số các trọng tài này đều đang cầm còi ở V.League như Tuấn “Thanh Trì”, Sơn Trà, Kiên B, Hà “con”, Đức “Nakata”… Điều này cho thấy, trình độ của các trọng tài điều hành ở các giải phủi danh tiếng hiện tại là “miễn chê”.
Trọng tài có chuyên môn tốt, đều từng trải qua những bài tập lặp đi lặp lại nhiều lần đến nhàm chán nhưng là yêu cầu bắt buộc như việc đứng cả giờ đồng hồ chỉ tập rút thẻ, giơ lên đúng kiểu. Khi ra sân phủi, họ cũng phải nhanh chóng thích ứng với các điều kiện đặc thù của sân chơi này. Trước mỗi trận đấu, họ phải chuẩn bị trang phục thật nghiêm chỉnh, từ quần áo đến đôi tất tránh bị cầu thủ “bắt lỗi”. Trang phục gọn gàng, tác phong chuyên nghiệp cũng khiến một trọng tài có uy hơn trong mắt dân phủi. Một mẹo nhỏ với các trọng tài phủi mà không phải ai cũng biết là họ thường mặc quần có túi sâu, rộng khi đựng thẻ để dễ dàng rút thẻ khi cần.
Trước mỗi trận đấu, trọng tài phải kiểm tra kĩ xem lưới có đủ căng, có bị thủng không để tránh gặp “bàn thắng ma”, xem trên sân có vật lạ, mảnh thủy tinh gây nguy hiểm cho cầu thủ hay không. Ngoài ra, trọng tài phải kiểm tra lại các vạch kẻ đường biên, vòng cấm và yêu cầu BTC sửa lại nếu chưa chuẩn.
Những khó khăn phải đối mặt
Rất khó để đưa ra những hình phạt đối với dân phủi và đa số những hình phạt cũng chưa đủ sức nặng để răn đe. Mặt khác, dân đi đá phủi đa số đề có nghề và chơi bóng chỉ để thỏa đam mê. Khác với dân phủi, dân chuyên nghiệp ý thức tốt hơn việc hành xử trên sân, tránh ảnh hưởng đến sự nghiệp thi đấu. Còn ở sân phủi, chuyện cầu thủ chửi trọng tài, đe dọa, thậm chí đánh trọng tài xảy ra khá thường xuyên. Không chỉ gặp nguy hiểm từ chính các cầu thủ, trọng tài phủi còn gặp những mối nguy từ các CĐV quá khích luôn đứng sát đường biên.
Trọng tài Hoàng “đen” sau khi thổi còi mãn cuộc trận chung kết giải Ngọc Bảo Open 2015 từng bị một nhóm CĐV quá khích của FC Thành Đồng xông vào hành hung. Phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, BTC và lãnh đạo đội bóng có CĐV quá khích mới thu xếp giúp trọng tài Hoàng ra về an toàn.
Cuối trận đấu giữa Hải Anh và Q9 tại vòng 11 HPL-S2, trọng tài chính cũng bị một CĐV quá khích của Hải Anh xông vào giữa sân đuổi đánh. Đó là những nguy hiểm thường trực đối với trọng tài trên sân phủi. Như nhiều trọng tài vẫn nói vui rằng: “Điều kiện quan trọng nhất để trọng tài đi bắt phủi là phải chạy thật nhanh khi cần để thoát thân”.
Có một sự thật là trọng tài trên sân chuyên được bảo vệ tốt hơn trọng tài trên sân phủi. Xử lý một tình huống tranh cãi trên sân phủi hay đối mặt trước sự phản ứng tiêu cực từ cầu thủ, các trọng tài cần phải có “cái đầu lạnh” và khéo léo trong cách giải thích, ứng xử.
Giá thuê trọng tài
Giá thuê một trọng tài cầm còi một trận đấu trên sân phủi hiện tại dao động ở các mức 150.000 đồng, 200.000 đồng, 250.000 đồng, 300.000 đồng/trận, tùy vào chất lượng trọng tài, tính chất quan trọng của trận đấu. Ở giải Lão tướng Thủ đô hay Ngoại hạng phủi, Hạng Nhất phủi, giá mà BTC thuê một trọng tài là 300.000 đồng/trận.