Thành Milano tìm kiếm sự hồi sinh từ người Trung Quốc
Sau khi Suning Commerce Group mua 70% quyền sở hữu Inter Milan, đến lượt AC Milan sắp rơi vào tay người Trung Quốc ngay tuần sau.
AC Milan được đầu tư lớn?
Thương vụ này vừa được cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi – chủ tịch danh dự của AC Milan xác nhận, sau khi chủ sân San Siro công bố lỗ 93,5 triệu euro hồi năm trước.
Tuy nhiên, Silvio Berlusconi sớm trấn an người hâm mộ AC Milan rằng ông chỉ chấp nhận bán 80% cổ phần của đội bóng này do “nhận được đảm bảo từ những người mua về việc đầu tư mạnh mẽ để CLB tìm lại thời hoàng kim”.
Silvio Berlusconi còn tâm sự: “Tôi chấp nhận mọi đề nghị dành cho mình, thậm chí không tính toán tới giá trị xây dựng thương hiệu. Thế nhưng, tôi buộc các ông chủ mới – hiện là một nhóm các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc với vài công ty quốc doanh trong số đó phải bỏ ra ít nhất 400 triệu euro cho đội bóng trong 2 năm tới”.
Chi tiết của vụ giao dịch này vẫn chưa được tiết lộ rõ ràng, nhưng nguồn tin nội bộ cho biết AC Milan sẽ lên sàn chứng khoáng tại Trung Quốc.
Nước chảy chỗ trũng
Vậy là giới nhà giàu Trung Quốc đang tiếp tục thâu tóm các CLB nổi tiếng thế giới. Trước đó vào tháng 05/2016, Aston Villa vừa rơi vào tay Recon Group của Tony Jiantong Xia.
Hồi tháng trước, Suning Holdings Group vừa đạt được số cổ phần quá bán để có tiếng nói quyết định tại Inter Milan.
Ngược dòng lại tháng 12/2015, liên minh China Media Capital và CITIC Capital đầu tư vào City Football Group để dẫn tới vụ mua 13% cổ phần của Man City.
Nhưng theo đánh giá của truyền thông quốc tế, ảnh hưởng lớn nhất mà các tập đoàn Trung Quốc đang tạo ra vẫn là các vụ đầu tư vào Serie A, thế lực lớn của bóng đá châu Âu hiện suy thoái nghiêm trọng do thiếu tiền.
Bằng chứng là hàng tuần, San Siro – sân nhà chung của AC Milan và Inter Milan – hầu như không lấp được phân nửa trong 80.000 ghế.
Hậu quả là ở mùa 2014/15, AC Milan chỉ thu được 22 triệu euro tiền bán vé, chưa bằng cả Everton chỉ ở mức trung bình tại Premier League, và bằng một nửa so với các đội mạnh tại Anh, Đức, Tây Ban Nha.
Serie A đang “khát” tiền
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến các CLB Italia không bán được nhiều vé được chỉ ra ở hiện trạng cũ kỹ của các sân đấu, vốn được xây dựng gần nhất phải tính từ VCK World Cup 1990.
Bên cạnh đó, các CLB Italia cũng khó kiếm được tiền từ Champions League, nơi chỉ có Juventus đủ sức tiến xa.
Nguồn thu chủ yếu của các CLB Italia phụ thuộc vào bản quyền truyền hình, với bản hợp đồng mới vẫn chỉ cho Serie A kiếm được chưa tới 1,3 tỷ euro/năm.
Ngay đến Juventus, CLB giàu nhất Serie A (theo tính toán của Deloitte), dù có nguồn thu từ Champions League nhưng tiền bản quyền truyền hình vẫn chiếm tới 61% doanh thu.
Doanh thu bị bó hẹp, trong khi quỹ lương lại lớn. Theo thống kê, quỹ lương của các CLB tại Serie A hiện chiếm tới 72% ngân sách, tỷ lệ cao nhất châu Âu và khiến các CLB thua lỗ tới 133 triệu euro trong thập niên trở lại đây.
Trong bối cảnh như vậy, sự xuất hiện của các nhà đầu tư Trung Quốc đang được xem như “cứu tinh” cho bóng đá Italia. Sự thật đúng như vậy?
Bài học từ Pavia
Đối với CĐV Pavia, câu trả lời chắc chắn là “không”. Vì nếu không kịp tìm được nhà đầu tư mới, CLB của họ đã gia nhập danh sách các đội bị gạt khỏi Lega Pro do khó khăn tài chính sau khi các nhà đầu tư Trung Quốc bất ngờ tháo chạy.
Câu chuyện này bắt đầu từ cuối mùa 2013/14, khi Pavia may mắn tránh rớt hạng nhờ cải tổ cấu trúc, và CLB bị ông chủ Pierlorenzo Zanchi bán cho Pingy Shanghai Investment của Xiadong Zhu.
Nhưng sau khi lỡ mất cơ hội lên Serie B ở mùa 2014/15, Pavia vẫn thi đấu ngoan cường ở mùa 2015/16 với những lời hứa hẹn đầu tư mạnh của người Trung Quốc.
Đến lúc khép lại mùa bóng chỉ với vị trí ở giữa BXH, Pavia phải đối mặt với sự thật phũ phàng: Pingy Shanghai Investment mất tăm đúng vào thời điểm Cristiano Ronaldo cùng đồng đội đang trên đường chinh phục VCK EURO 2016, khiến CLB không xoay nổi tiền đóng lệ phí dự giải.
Không chỉ vậy, Lega Pro còn phát hiện ra nhiều vi phạm trong các hồ sơ của Pavia.
Cơ hội nhưng đừng mê muội
Tất nhiên là ngay bây giờ, người Milan sẽ không quan tâm tới chuyện của người Pavia, đặc biệt khi đẳng cấp của 2 đội bóng thành Milano ở một tầm cao hơn nhiều đồng hương nhỏ bé này.
Tuy nhiên, bất kỳ cảnh cáo nào cũng không thể xem thường, nhất là khi thuyền to thì sóng lớn: AC Milan/Inter Milan cần nhà đầu tư Trung Quốc không phải để đá đẹp hoặc trụ lại Serie A, mà phải tìm lại thời vàng son.
Thế nhưng, nói luôn dễ hơn làm, nhất là khi thực lực của hai đội, đặc biệt AC Milan hiện không dễ tranh suất dự Champions League. Muốn đạt được mục tiêu ấy, họ cần cải tổ lực lượng mạnh mẽ.
Nhưng một khi ngay cả Inter Milan mới chỉ chiêu mộ được Éver Banega và Caner Erkin dưới dạng chuyển nhượng tự do cùng Cristian Ansaldi, Dodô, Marcelo Brozović và Gianluca Caprari với giá rẻ mạt, người Italia xem ra cần nhận thấy muốn đổi đời bằng đồng Nhân dân tệ cũng chẳng dễ dàng.