Bóng đá châu Phi: Long đong phận gái

thứ tư 24-6-2015 21:44:50 +07:00 0 bình luận
Câu chuyện của Latifah, hay Ghana không phải là cá biệt. Nó là câu chuyện chung của bóng đá nữ ở lục địa đen: vượt qua rào cản văn hóa, gia đình để được thỏa đam mê chơi bóng, để rồi phải đối mặt với tương lai bất định…

Quyết định đầu đời

Năm năm trước, cô bé người Ghana Latifah Suleimana gạt nước mắt rời gia đình. Ở tuổi 13, với Latifah đấy là quyết định lớn nhất cuộc đời. Cô bé rời gia đình để đi theo tiếng gọi của niềm đam mê dành cho quả bóng tròn.


Latifah bỏ nhà để theo đuổi đam mê.

Câu chuyện bắt đầu từ khi Latifah chơi cho đội bóng của trường, quá ấn tượng với khả năng chơi bóng của cô bé, HLV bóng đá nữ của tỉnh Tamale (nằm ở phía Bắc Ghana) đã quyết định chọn cô bé vào đội tuyển. Mặc dù HLV chính là người họ hàng bên ngoại, nhưng việc Latifah theo nghiệp đá bóng lập tức sự phản đối dữ dội của gia đình, nhất là cha cô bé. Thậm chí ông còn xúc phạm người bà con của mình bằng những từ ngữ hết sức nặng nề. May mắn cho Latifah khi cô bé còn được quyền lựa chọn – gia đình hay bóng đá. Cô chọn bóng đá, bất chấp sự ghẻ lạnh của gia đình và phải rời nhà, đến sống nhờ ở nhà HLV để tiếp tục tập luyện.

Kỳ thị nhấn chìm mơ ước

Ghana vốn là một trong những quốc gia châu Phi đi đầu trong phong trào bóng đá nữ. Ngay từ khi bóng đá nữ chính thức được phục hưng, cụ thể là năm 1991, khi World Cup nữ lần đầu tiên được tổ chức, họ đã 3 lần lọt vào tận VCK. Trong 15 năm liên tiếp, tính từ 1991 đến 2006, Ghana liên tục đứng trong tốp đầu của bóng đá nữ châu Phi. Họ 3 lần giành ngôi vị á quân, 2 lần đứng thứ 3 trong số 7 lần giải vô địch bóng đá nữ châu Phi được tổ chức.

Nhưng với sự kỳ thị về mặt văn hóa và tín ngưỡng, Ghana dần tụt khỏi bản đồ bóng đá ở lục địa đen. Mười năm trở lại đây, họ chưa bao giờ vượt qua nổi vòng bảng ở giải vô địch châu Phi. Sau lần cuối cùng dự VCK bóng đá nữ thế giới tại Trung Quốc năm 2007, Ghana chưa bao giờ có cơ hội trở lại.


Vinh quang với bóng đá nữ Ghana giờ đã là quá khứ.

Cũng như bố của Latifah, phần đông những người theo đạo Hồi ở Ghana coi bóng đá là sự xúc phạm với tôn giáo của mình. Với ông, luật đạo Hồi không cho phép phụ nữ chơi bóng đá.

Trong một cuộc khảo sát của những nhà nghiên cứu quốc tế về quan niệm của người dân Ghana về bóng đá nữ, hầu như tất cả câu trả lời đều nói rằng việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động mạnh như thể thao sẽ trực tiếp phô bày cơ thể của mình trước đám đông, và đấy là điều không thể chấp nhận được trong cộng đồng những người theo đạo Hồi.

Bên cạnh đấy, quan niệm những phụ nữ chơi thể thao sẽ đánh mất đi nữ tính, cũng như cách hành xử khiêm nhường trong cuộc sống cũng khiến phụ nữ bị gắn liền với việc chăm sóc con cái và lo công việc gia đình. HLV Sumani Barisudeen của Latifah cho biết: “Rất nhiều cha mẹ không cho con gái mình chơi bóng đá. Theo họ, những cô bé chơi bóng sẽ sinh ra lười nhác và người Hồi giáo không bao giờ chấp nhận chuyện đó.”

Lối ra nào cho em?

Năm năm sau ngày rời khỏi nhà để theo đuổi đam mê, Latifah hiện đang chơi bóng cho Goldfield Ladies, CLB được thành lập cách đây đã 10 năm để đáp ứng nguyện vọng (vô cùng chính đáng) được đá bóng của những cô bé như Latifah.


Latifah và đồng đội trong CLB Goldfield Ladies.

Hai cô bé trong đội bóng của HLV Barisudeen ngày nào đã được gọi lên tập trung đội tuyển U17 Ghana. Tuy không được lọt vào danh sách tuyển chọn cuối cùng, nhưng HLV Barisudeen vẫn rất tự hào về các học trò của mình, và hi vọng đây sẽ là động lực cho các học trò nhí, cũng như của bản thân ông có thêm niềm tin để theo đuổi niềm đam mê của mình.

Tuy vậy, cái giá của những cô bé như Latifah phải trả không hề dễ dàng. Rời bỏ gia đình, Latifah còn phải bỏ lỡ sự nghiệp học hành, bởi dù được CLB tài trợ, nhưng cô bé vẫn không đủ kinh phí để theo học cấp 3.

“Không điều gì có thể so sánh được với cảm giác hạnh phúc khi em được chơi bóng trên sân cùng đồng đội. Tất cả đều mơ về tương lai, ngày được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tất cả bọn em đều đấu tranh để được vào đội tuyển quốc gia, bởi chỉ có như thế, thì mới mong về một cuộc sống tốt hơn”, Latifah tâm sự từ đáy lòng.


Những cô gái này đang cố gắng từng ngày để thay đổi tương lai của mình.

Câu chuyện của Latifah, của bóng đá nữ Ghana cũng là câu chuyện chung của bóng đá châu Phi, nơi giấc mơ được theo đuổi niềm đam mê trên sân bóng vẫn xa vời, bởi những hủ tục, sự kỳ thị đến từ chính những người thân. Giấc mơ bóng đá của Latifah vẫn mịt mờ, vô định như tương lai của chính cô bé 18 tuổi với gia tài duy nhất là tình yêu bóng đá bỏng cháy trong tim.

HOA VINH

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội