Đá phạt đền kiểu Panenka: Khó thế bảo sao... Công Phượng đá hỏng!
Một quả penalty kiểu panenka kinh điển cần hội tụ tất cả những tinh túy của bóng đá trong một khoảnh khắc. Đó là nghệ thuật, bản lĩnh, kỹ thuật và tính lịch sử.
Alexis Sanchez là ngôi sao mới nhất tái hiện một quả panenka hiếm có như thế. Cú sục bóng nhẹ nhàng từ khoảng cách 11 mét của anh giúp Arsenal ấn định chiến thắng trước Burnley ở phút 97.
Panenka là gì? Đó là đá phạt đền theo cách khó nhất nhưng phải chấp nhận rủi ro thất bại cao nhất. Tuy nhiên nếu thành công, nó mang đến cho cầu thủ lẫn CĐV cảm xúc mãnh liệt khó tả.
Sau đây là quy trình đá panenka thông thường:
1. Đặt bóng và xác định tư tưởng
2. Liếc mắt quan sát thủ môn
3. Chạy đến trái bóng nhanh như thể sẽ sút rất mạnh
4. Khi thủ môn đổ người, sục bóng rơi vào chính diện khung thành, đúng vào chỗ mà thủ môn đứng trước đó.
Quả đá panenka của Sanchez ở phút 97 giúp Arsenal ấn định chiến thắng 2-1
Đó là các bước thực hiện panenka. Nhìn qua trông rất đơn giản và chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi, tuy nhiên nó lại cực kỳ phức tạp nếu đi vào tiểu tiết, đòi hỏi người thực hiện phải có cái đầu lạnh lùng, bản lĩnh cũng như kỹ thuật điêu luyện.
Những quả đá phạt đền luôn là màn đấu trí cân não mà người sút bóng ức chế hơn thủ môn rất nhiều. Nếu thực hiện đá panenka, sức ép càng khủng khiếp bởi nếu thất bại bạn sẽ trở thành trò cười cho tất cả.
Frank Lampard - tiền vệ nổi tiếng lạnh lùng - từng nói anh luôn “đấu mắt” với đối thủ trước khi đá penalty. Ngược lại, Alessandro Del Piero chỉ nhìn chằm chằm vào trái bóng vì sợ bị bắt bài nếu nhìn thủ môn.
Dù thế nào việc bắt “vía” đối phương là cực kỳ cần thiết. Đã có nhiều quả phạt đền mà chỉ nhìn cách cầu thủ lóng ngóng chạy đà hay cặm cụi cúi gằm mặt đặt bóng, người hâm mộ đã biết chúng không thể thành công. Ở bán kết World Cup 2016 giữa Ý và Đức, pha lấy đà nực cười của Simone Zaza là ví dụ tiêu biểu.
Đó là lý do những chuyên gia đá panenka đều phải có cái đầu cực kỳ lạnh lùng cùng bản lĩnh cao cường và thường có kỹ năng siêu việt. Chưa có "thần kinh thép" và cách lấy đà lộ, dễ hiểu Công Phượng phải muối mặt khi định thực hiện cú sục bóng đánh lừa thủ môn U21 Yokohama.
Andrea Pirlo là chuyên gia đá phạt đền (cả đá phạt hàng rào) có phong cách cực "chất". Anh biến Joe Hart thành gã hề ở trận tứ kết EURO 2012 giữa ĐT Anh và Ý.
Đó là quyết định dũng cảm bởi lúc ấy đoàn quân Thiên thanh đang bị dẫn 2-1 trong loạt đá luân lưu. Nhưng khoảnh khắc đầy nghệ thuật và tràn đầy ngẫu hứng của người "nghệ sĩ" khiến "Tam sư" chột dạ và đá hỏng liên tiếp 2 quả pen.
Video Ramos và Pirlo đá panenka
Sergio Ramos không có kỹ thuật như Pirlo nhưng lại là cầu thủ đầy mưu mẹo. Hậu vệ Tây Ban Nha có vài lần đá panenka thành công nhờ những pha chạy đà đầy tốc độ khiến thủ môn tưởng anh sẽ sút mạnh. Có lẽ thủ môn cũng nghĩ Ramos chỉ là hậu vệ nên sẽ không thực hiện những cú sút tinh tế như vậy.
Tuy nhiên, đó đều chưa phải là những bàn panenka kinh điển bởi thiếu yếu tố mang tính chất lịch sử. Pha đá phạt đền của Zinedine Zidane vào lưới đội tuyển Ý năm 2006 là một quả panenka như thế.
Nó diễn ra trong một trận chung kết World Cup và Zidane phải đối mặt với thủ môn xuất sắc nhất thế giới: Gianluigi Buffon. Càng hoàn hảo hơn khi bóng khẽ chạm xà ngang, rơi qua vạch vôi rồi nảy ra ngoài. Nhiều CĐV nghẹt thở cho đến khi trọng tài công nhận bàn thắng.
Tại World Cup 2010, Sebastian Abreu rơi vào tình thế "sống còn" khi anh là người cuối cùng thực hiện loạt sút luân lưu. Pha sục bóng tinh tế sau đó giúp Uruguay vượt qua Ghana để tiến vào bán kết. Nếu không thành Abreu chắc chắn thành tội đồ của đất nước vì dám "diễn" ở thời điểm quyết định của trận đấu.
Video 2 quả phạt đền thể hiện thần kinh thép của Zidane và Abreu