Indian Super League (Kỳ cuối): Cần lắm quý bà dám mơ
Cổ tích từ ước mơ phụ nữ
ISL đang nổi, không đơn giản chỉ là hiện tượng của bóng đá Ấn Độ. Càng bất ngờ hơn nữa nếu biết rằng ISL chào đời từ ước mơ của một người phụ nữ, bà Nita Ambani – vợ của người giàu nhất Ấn Độ (Mukesh Ambani). Đấy là vào một ngày, bà Nita bỗng cảm thấy không thể hiểu nổi tại sao đất nước của mình, với dân số xấp xỉ 1,3 tỷ người mà chẳng xây dựng nổi một ĐTQG có chất lượng đủ để tranh chấp các suất dự VCK World Cup. Vì vậy, bà Nita quyết định chủ động biến ước mơ đó thành hiện thực, nên mới có chuyện IMG-Reliance thành lập ISL.
Thoạt đầu, với tư cách chủ tịch, bà Nita chỉ đạo cho IMG-Reliance ký hợp đồng cùng AIFF có thời hạn tới 15 năm, chứng tỏ chiến lược này không phải kiểu “ăn xổi, ở thì”. Nội dung của hợp đồng cho phép IMG-Reliance độc quyền trong lĩnh vực thương mại, từ tài trợ, quảng cáo, truyền hình, kinh doanh, ghi hình, nhượng quyền cũng như được phép tạo ra giải vô địch mới toanh. Mọi việc được hoàn tất sau khi AIFF vừa kết thúc hợp đồng kéo dài 10 năm với Zee Sports hồi tháng 10/2010.
Tuy nhiên, Nita không vội vã thực hiện ước mơ. Trước hết, IMG-Reliance quan sát hiệu quả của phiên bản thử nghiệm đầu tiên theo kiểu IPL (giải vô địch cricket Ấn Độ) do LĐBĐ West Bengal triển khai năm 2012 nhằm học hỏi cách làm bóng đá theo kiểu nhượng quyền. Cả 6 CLB được nhượng quyền lúc đó đều có trụ sở đặt tại West Bengal. Giải này sớm thu hút các ngôi sao lừng danh thế giới như Fabio Cannavaro, Robbie Fowler, Hernan Crespo và Robert Pires. Nhưng tới tháng 2/2012, giải buộc phải ngưng lại vô thời hạn, trước lúc chính thức chết yểu vào năm 2013 do thiếu kinh phí.
Sau đó, IMG-Reliance mới đề xuất cải tổ I-League theo cách làm của IPL cũng như MLS của Mỹ. Tuy nhiên, các ông chủ ở I-League phản đối ý tưởng này, thậm chí còn thành lập tổ chức gọi là IPFCA (Hiệp hội các CLB chuyên nghiệp Ấn) với chủ trương không cho cầu thủ của họ tham dự giải mới do IMG-Reliance thành lập nhằm khiến công ty này không kiếm đủ cầu thủ để tạo ra đủ số đội cần thiết. Nhưng tới tháng 8/2013, bằng thủ thuật lôi kéo và phân hóa nội bộ I-League, IMG-Reliance rốt cuộc vẫn kiếm đủ số cầu thủ người Ấn cần thiết.
Vạn sự khởi đầu nan
Người Ấn chính thức biết tới sự tồn tại của ISL vào ngày 21/10/2013, khi giải dự kiến khởi tranh từ tháng 1-3/2014. Nhưng sau đó, ISL phải hoãn tới tháng 9/2014 do khâu đấu giá các đội chuẩn bị không kịp. Mãi tới đầu tháng 4/2014, mọi việc mới hoàn tất khi các nhà đầu tư không chỉ phải đảm bảo tài chính, mà mỗi CLB còn buộc phải thành lập học viện đào tạo tài năng trẻ và phát triển bóng đá cơ sở trong vùng.
Sau cùng, cựu ngôi sao cricket Ấn Sachin Tendulkar và bạn bè sở hữu Kochi. Sourav Ganguly – một cựu ngôi sao cricket Ấn khác đại biểu cho tập đoàn doanh nhân Ấn và CLB TBN Atletico Madrid thâu tóm Kolkata. Các ngôi sao Bollywood như John Abraham, Ranbir Kapoor và Salman Khan lần lượt nắm Guwahati, Mumbai và Pune. Bangalore và Delhi rơi vào tay 2 công ty, còn Goa thuộc quyền của liên minh Videocon với các CLB I-League như Dempo và Salgaocar.
Kolkata trở thành CLB đầu tiên của ISL ra mắt ngày 7/5/2014 với tên Atletico de Kolkata, khởi đầu cho cuộc tuyển mộ ồ ạt các huyền thoại của bóng đá thế giới để quảng bá cho đội nhà. Cựu tuyển thủ TBN và Liverpool Luis Garcia trở thành ngôi sao đầu tiên ký hợp đồng vào ngày 6/7/2014. Đến 15/7, Joan Capdevila – tuyển thủ TBN khác gia nhập ISL dù hiện khoác áo Lierse (Bỉ).
Kế tiếp, hàng loạt danh thủ đua nhau đến theo kế hoạch PR của ISL như Pires, Elano, Alessandro Del Piero, David James, David Trezeguet hoặc Fredrik Ljungberg… để đầu quân cho Bangalore Titans, Delhi Dynamos, Goa, Kerala Blasters, Mumbai City, NorthEast United và Pune City. Dù vậy, quá trình thật sự không suôn sẻ: đến ngày 21/8/2014, các ông chủ của Bangalore bỏ cuộc chơi, nên Chennai tiếp quản và đổi tên CLB thành Chennaiyin. Đến lúc này, không còn ai có thể cản ISL ra mắt với trận đấu lịch sử ngày 12/10, khi Kolkata hạ Mumbai 3–0 trên sân Salt Lake trên đường trở thành nhà vô địch đầu tiên.
Sức hấp dẫn của mô hình mới
Do cách làm ISL của IMG-Reliance là chưa từng thấy tại Ấn Độ, các nhà đầu tư phấn khởi và tự tin vào thành công tới mức rất thoải mái móc hầu bao. Nhờ đó, mức lương bình quân cho ngoại binh ở mùa đầu lên tới 60.000 USD và Del Piero trở thành người hưởng lương cao nhất với 1,7 triệu USD chỉ cho 3 tháng ở Ấn Độ. Song song đó, lương bình quân cho cầu thủ bản xứ cũng lên đến 40.000 USD và những người hưởng lương cao nhất đạt đến 131.000 USD.
Do thời gian chuẩn bị cập rập, ISL sử dụng sân khá tạp nham: 2 sân chuyên dụng của cricket, 3 sân điền kinh và 3 sân bóng đá. Dù vậy, các nhà tài trợ vẫn hào hứng rót tiền vào. Hero MotoCorp trở thành nhà tài trợ đầu tiên của ISL với hợp đồng kéo dài đến năm 2016. Hãng trang phục thể thao Puma SE của Đức tài trợ bóng chính thức cho cả thi đấu lẫn tập luyện. Đấy là chưa kể những công ty khác, bao gồm Maruti Suzuki, PepsiCo và Amul…
Đồng thời, ISL rất chú trọng vào mảng truyền hình để quảng bá bóng đá nên mời STAR Sports vào ban tổ chức. Nhờ vậy, các trận đấu của ISL hiện diện trên 8 kênh của đài này và 5 kênh tiếng nước ngoài để thu hút tới 85% người xem ở Ấn Độ, trở thành sự kiện lịch sử của thể thao nước này. Ý tưởng đó thành công tới mức trận khai mạc của ISL 2014 thu hút tới 75 triệu người xem truyền hình, còn tuần thi đấu đầu tiên đạt mức 170 triệu. Thông số ấy cao gấp 12 lần lượng người Ấn xem World Cup 2014, gấp 20-30 lần lượng người xem I-League và ngang với số người xem Premier League. Tổng cộng, mùa đầu thu hút tới 429 triệu người Ấn, gấp 2,5 so với World Cup. Cũng trong thời gian này, trang web của đài STAR Sports thu hút thêm 32 triệu người truy cập.
Tín hiệu cuộc chơi lâu dài
Nhìn chung, IMG-Reliance có ý tưởng khai thác thị trường từ niềm đam mê mà người Ấn dành cho Premier League, nhưng mô hình không có đội rớt hạng và các CLB được nhượng quyền sở hữu rất giống K-League, song hấp dẫn hơn vì mỗi đội chỉ gặp nhau 2 lượt đi và về. Ngoài ra, mùa bóng ban đầu chỉ 3 tháng rõ ràng quá ngắn, nhưng ắt hẳn là do tính toán đến khả năng đầu tư của các cá nhân và doanh nghiệp nên trong tương lai, ISL hoàn toàn có thể kéo dài hơn nếu IMG-Reliance cảm thấy phương án đó khả thi.
Những ý tưởng mới mẻ như thế ở Ấn Độ lý giải tại sao ISL đang là cái gai trong mắt của nhiều CLB tại I-League, nơi không thiếu những nhà quản lý có cái nhìn thiển cận khi cho rằng giải đấu mới chỉ gây hại hơn là đem lại lợi ích cho bóng đá nước này, vì họ cho rằng chỉ có những giải VĐQG dài hơn 6 tháng mới xứng đáng gọi là giải. Đồng thời, không ít kẻ ác ý đang mong đợi mùa đấu thứ hai sẽ gây thất vọng để ISL sớm chết yểu.
Rõ ràng họ đang ghen tị do ISL đẩy được bóng đá lên vị trí môn thể thao số 2 ở Ấn Độ, thay vì sắp “chết” bởi năng lực yếu kém của I-League và AIFF. Hơn nữa, bản thân cựu danh thủ Anh David Platt cũng không tin ISL sẽ sớm lụi tàn. Trong cuộc phỏng vấn gần đây về cái nhìn của người trong cuộc với bóng đá Ấn Độ, ông khẳng định: “ISL không có chỗ cho thất bại, khi những người giàu nhất và nổi tiếng nhất Ấn Độ đánh cược tên tuổi và danh tiếng của họ vào dự án lớn như vậy”.
Peter Taylor vừa trở thành HLV đầu tiên ở ISL bị sa thải khi phải rời Kerala Blasters cuối tháng qua. Vì dù ISL không có đội rớt hạng, nhưng BLĐ không chấp nhận cảnh á quân mùa trước thua một mạch 4 trận để rơi xuống chót sau 6 vòng đấu. Taylor từng nắm tuyển Anh, Sunderland, Crystal Palace và Hull.
Adil Nabi (21 tuổi) - Cầu thủ trẻ hay nhất West Brom mùa trước vừa đến Delhi Dynamos ở hè năm nay là vụ chuyển nhượng đầu tiên trong lịch sử đưa cầu thủ từ CLB thuộc Premier League đến thẳng ISL.