Karl-Heinz Rummenigge: "Super League sẽ kích nổ châu Âu!"
Hai trong số những Chủ tịch CLB quyền lực bậc nhất châu Âu: Andrea Agnelli (Juventus) và Karl-Heinz Rummenigge (Bayern) vừa hé mở về vấn đề này. Nên nhớ, Juventus và Bayern từng là 2 thành viên trong tổ chức G-14 một thời thách thức quyền lực của cả UEFA lẫn FIFA khi đề nghị thành lập một siêu giải đấu dành riêng cho những CLB hàng đầu châu Âu. Và khi G-14 giải tán hồi tháng 02/2008, đổi lại UEFA và FIFA cũng phải xuống nước chấp nhận chi trả “phí bồi thường chấn thương” khi cầu thủ của các CLB này trở về làm nghĩa vụ ĐTQG. Tuy vậy, sau khi G-14 giải tán thì một tổ chức khác đã nhanh chóng được thành lập, đó là Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu (ECA). Tổ chức này hiện quy tụ tận 220 thành viên, trong đó có 106 CLB là thành viên chính thức và về căn bản, ai cũng hiểu những đại gia nằm trong nhóm G-14 năm nào chính là trụ cột đứng ra gánh vác trọng trách của ECA. Như thế, giờ ECA còn tạo ra thế đối trọng lớn hơn với UEFA và FIFA. Và tổ chức này vẫn nuôi dưỡng ý định tạo ra một siêu giải đấu.
“Một siêu giải đấu giữa những CLB lớn nhất châu Âu sẽ ra đời. Đó sẽ là nơi quy tụ các tên tuổi lớn từ Anh, TBN, Ý, Đức và Pháp và một số trận đấu sẽ được tổ chức ở Bắc Mỹ và châu Á”, chủ tịch Juventus và cũng là thành viên Ban chấp hành ECA, Andrea Agnelli chia sẻ tại Hội thảo “Công bằng tài chính, châu Âu và Italia” tổ chức tại Đại học Bocconi vừa qua. Ủng hộ quan điểm của Agnelli, Chủ tịch Bayern Munich và hiện chính là chủ tịch của ECA, Karl-Heinz Rummenigge cho rằng “đây là xu thế tất yếu” và “nó sẽ buộc UEFA phải thay đổi để thích nghi”.
“Ý tưởng thành lập siêu giải đấu đã ra đời từ vài năm trước. Nó cho thấy sự cấp thiết của việc phải tạo ra sân chơi mới và những nguồn thu mới công bằng hơn, đặc biệt cho những đội bóng lớn ở 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu”, Rummenigge tâm sự. “Chúng ta đều đã thấy ví dụ so sánh giữa Champions League và giải bóng bầu dục Mỹ (NFL). Hiện giá trị BQTH Champions League chỉ vào khoảng 1,5 tỷ euro, chẳng thấm tháp chút nào so với mức 7 tỷ euro của NFL, dù nghiên cứu chỉ ra rằng hiện có tới 2 tỷ NHM bóng đá trên khắp hành tinh so với con số 150 triệu CĐV ưa thích NFL. Sự tương phản khập khiễng này chỉ ra một điều, giá trị của bóng đá châu Âu cấp CLB chưa được khai thác đúng mức, đặc biệt là trong hệ thống thi đấu và mô hình quản lý hiện tại. Các CLB cần được bảo vệ quyền lợi nhiều hơn nữa”.
Rõ ràng, những tuyên bố từ những nhân vật quyền lực của ECA và cũng có thể xem như phát ngôn từ những CLB ưu tú nhất châu Âu sẽ trút sức ép đáng kể lên UEFA và cả FIFA. Nếu Juve, Bayern, Man Utd, Arsenal, Real, Barca, Inter, PSG, Dortmund, Milan… và trên hết là ECA thống nhất tạo ra một siêu giải đấu, đó có thể là dấu hiệu “khai tử” cho mô hình Champions League hiện tại vốn được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho UEFA. Còn nhớ, Chủ tịch UEFA Michel Platini từng phản ứng gay gắt nhất với ý tưởng siêu giải đấu và Platini cùng FIFA đã làm tất cả để G-14 giải tán. Nhưng giờ UEFA sắp phải bầu chủ tịch mới, sau khi Platini (cùng Blatter) nhận án phạt cấm tham gia bóng đá. Trong tình cảnh rối ren, rõ ràng ECA đang ở thế cửa trên. Và nếu 6 năm trước, hồi 2009, Arsene Wenger từng dự báo “trong 10 năm tới mô hình siêu giải đấu sớm muộn cũng thành hiện thực bởi áp lực doanh thu đối với những CLB hàng đầu châu Âu ngày càng khủng khiếp”, thì hãy nhớ giờ ECA đang ấp ủ ý định ra đời vào giải đấu vào năm 2018, tức chỉ 9 năm sau ngày Wenger tiên đoán. Không biết, từ giờ đến lúc đó UEFA và cả FIFA sẽ cải tổ ra sao để đối phó hay thế giới bóng đá sẽ ngày càng phân hóa giàu-nghèo rõ rệt.
Giá trị bản quyền truyền hình của Champions League hiện chỉ khoảng 1,5 tỷ euro/mùa, quá khiêm tốn. Khó mà dự báo trước nếu Super League ra đời nó sẽ thu về bao nhiêu, nhưng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 3 là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay”.
Chủ tịch ECA, Rummenigge.