Số phận của những kẻ nổi loạn
8. Peter Odemwingie
Với West Brom, Saido Berahino không phải là trường hợp đầu tiên mà họ phải đối phó với những kẻ muốn đào tẩu khỏi CLB. Trước anh, Odemwingie thậm chí đã thu dọn xong xuôi đồ đạc, đánh xe tới sân Loftus Road của QPR và còn nói với cánh phóng viên anh sắp trở thành người của Queens Park Rangers. Cầu thủ người Nigeria chưa được phép tiếp xúc với bất kỳ đội bóng nào, và rốt cuộc anh đã phải quay lại West Brom. Cuối mùa giải 2012/13, Odemwingie chỉ được vào sân đúng 6 trận.
7. Pierre van Hooijdonk
Chân sút người Hà Lan giúp Nottingham Forest thăng hạng lên chơi tại Premier League năm 1998, tuy nhiên đội bóng đã nuốt lời hứa tăng cường lực lượng, đã vậy họ còn bán đi người đá cặp rất ăn ý của anh là Kevin Campbell. Quá thất vọng, Van Hooijdonk yêu cầu được ra đi nhưng bất thành. Anh quyết định đình công và về nước tập luyện cùng NAC Breda. Sau đó, Van Hooijdonk đành muối mặt trở về đội bóng cũ nhưng mỗi khi anh ghi bàn, không có bất kỳ đồng đội nào ăn mừng. Kết thúc mùa giải đó, Nottingham Forest nhận vé xuống hạng và “Aziz Pierre” chuyển tới Vitesse Arnhem.
6. Ryan Babel
Tới nay, đây vẫn là một trong những câu chuyện khôi hài bậc nhất trong lịch sử chuyển nhượng. Bị HLV Rafa Benitez “ghẻ lạnh”, cầu thủ chạy cánh người Hà Lan thuê chuyên cơ bay tới London để thỏa thuận hợp đồng với một đội bóng bí mật. Từ đó về sau, thuật ngữ “Babelcopter” được sử dụng để ám chỉ những cầu thủ còn chả biết tương lai của mình sẽ ra sao.
5. Gabriel Heinze
Quy tắc bất thành văn trong bóng đá đó là không bao giờ chơi cho 2 CLB không đội trời chung. Dù biết, nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản Gabriel Heinze đòi chuyển từ Manchester United sang Liverpool. Không ngạc nhiên yêu cầu của anh ngay lập tức bị chối bay. Hậu vệ người Argentina còn nhờ cậy đến các luật sư khi lời đề nghị 7 triệu bảng của Liverpool bị Man đỏ từ chối. Tòa án Premier League xử Man Utd thắng cuộc và chỉ 2 tháng sau, Heinze bị “đá” sang Real Madrid.
4. Luka Modric
Modric chính là người khơi mào sự việc, khi anh công khai chỉ trích chủ tịch Tottenham Hotspur Daniel Levy và cũng chẳng giấu diếm ý đồ được chuyển tới sân Stamford Bridge: “Rất nhiều những cầu thủ đều mong muốn được chơi cho Chelsea, bởi vì đây là một trong những CLB xuất sắc nhất thế giới, tôi cũng không nằm ngoài số đó. Nhưng chuyện gì cũng phải từ từ”. “Gà trống” tuyên bố họ sẽ không bán anh với bất kỳ giá nào, mùa Hè sau đó Modric chuyển tới Real Madrid.
3. Luis Suarez
Sau khi Liverpool thất bại trong việc giành vé dự UEFA Champions League, Luis Suarez đã van nài Ban lãnh đạo đội bóng cho phép anh được chuyển tới sân Emirates. Mức giá phá vỡ hợp đồng của tiền đạo người Uruguay khi đó là 40 triệu bảng, Pháo thủ quyết định đặt lên bàn đàm phán cái giá “sốc tận óc” 40 triệu + 1 bảng. Suarez khẩn khoản: “Những gì tôi muốn chỉ là Liverpool hãy tôn trọng thỏa thuận giữa chúng tôi.”
2. Cesc Fabregas
Thương vụ nhùng nhằng và tốn vô số giấy mực này đã kéo dài tận 1 năm rưỡi. “Gã khổng lồ” xứ Catalan liên tục đưa ra những lời mật ngọt nhằm gạ gẫm, lôi kéo Fabregas trở lại Camp Nou. Thậm chí, trong lễ ăn mừng chức vô địch World Cup 2010 cùng tuyển TBN, Gerard Pique, Pepe Reina và Carles Puyol còn ép Cesc mặc áo đấu của Barcelona, không chỉ vậy rất nhiều đồng đội cũ còn khẳng định “trái tim của Cesc luôn hướng về Barca”. Và đến tháng 08/2011, anh đã được trở về mái nhà cũ.
1. Cristiano Ronaldo
Sau khi vô địch Champions League cùng với Manchester United, Cristiano Ronalo ngay lập tức đòi gia nhập Real Madrid. Đương nhiên, Man Utd không hề hài lòng, họ “mách” FIFA để nhờ tổ chức này can thiệp. Ronaldo chấp nhận ở lại nước Anh thêm 1 năm. Hè 2009, ngôi sao người Bồ Đào Nha trở thành Galacticos và thiết lập kỷ lục thế giới với giá 80 triệu bảng.
H.V (theo Telegraph)