“Ám Thái”
Tôi đừng đi dọc Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… từng thấy hàng chục, có thể là hàng trăm cửa hiệu trưng biểu “hàng tiêu dùng Thái Lan”, ý là hàng hiệu Thái Lan xách tay từ cửa khẩu về. Nó cũng đồng nghĩa với chất lượng được đảm bảo, chí ít cũng tốt hơn hàng…Việt.
Ở thị trường lao động, có những con số chỉ ra rằng, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/3 người Thái. Nghĩa là 3 người Việt mới bằng 1 người Thái Lan.
Hơn chục năm trước, bóng đá cũng bị ám ảnh với 2 từ Thái Lan. Từ Natipong tới Kiatisak, Thái Lan là một chuẩn mực trong ao làng ĐNÁ. Ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng từ chất Thái mà phát triển thương hiệu.
Một thời gian dài, chúng ta “ám Thái”. Từ thất bại của đội quân Weigang dẫn dắt ở Tiger Cup 1996 đến trận chung kết sân Hàng Đẫy năm 1998, trận chung kết năm SEA Games 1999, SEA Games năm 2003, SEA Games năm 2005.
Vấn đề là hình như ta có chạy thì họ cũng chạy nhanh hơn. Người Thái giải quyết khủng hoảng một cách đơn giản và mau lẹ. Trong bóng đá, một thời gian dài, đến cả thập kỷ người Thái không vô địch AFF Cup, và đau nhất là trận hòa mất Cup trên sân Mỹ Đình năm 2008, thế nhưng chỉ cần một chút điều chỉnh, Thái Lan lại vô địch như thể lấy đồ vật trong túi họ vậy.
Bóng đá nữ có những thời điểm chúng ta coi bóng đá nữ Thái Lan bằng nửa con mắt. Thậm chí trước thềm SEA Games 27 trên đất Myanmar, trước trận chung kết, ai cũng nghĩ bóng đã nữ Việt Nam sẽ có vàng, ấy thế mà thua Thái Lan.
Một năm sau, trận đấu quyết định lấy vé dự World Cup trên đất Canada, bóng đá nữ Thái Lan lại… thắng. Đó là một nỗi đau quá lớn và khó xóa nhòa. Cho đến trận đấu hôm qua, ĐTVN lại thua Thái Lan. Cái thua như lập trình và điều đáng sợ, có thể trở thành một thói quen.
“Ám Thái” đến bao giờ? Không biết, chỉ biết nỗi ám ảnh ấy có thể sẽ tiếp diễn với cả đội tuyển U.23 lẫn ĐTQG khi bóng đá nam gặp Thái Lan ở cả vòng loại World Cup lẫn SEA Games.
Phải lạc quan lắm thì NHM Việt mới hy vọng chúng ta có thể vượt qua bóng đá Thái Lan ở cả 2 mặt trận này.
Bản chất của vấn đề có khi lại rất đơn giản nếu nhìn từ năng suất lao động, nếu 3 người Việt mới có năng suất bằng 1 người Thái…
Thay đổi những vấn đề trong thể thao, trước hết là phải thay đổi những vấn đề trong xã hội. Một xã hội thiếu chuyên nghiệp trong lao động thì luôn phải chạy theo bạn, kể cả trong thể thao.
SONG AN