Café 24h: Bóng đá phá người xem

chủ nhật 8-11-2015 23:26:57 +07:00 0 bình luận
Lúc này, dù mùa giải Châu Âu mới đi được hơn 1/3 chặng đường thì người ta đã tính chuyện bản quyền cho 3 mùa giải tiếp theo.

Nghe nói, bóng đá Anh ngày càng lộ bản chất…con buôn, trục lợi trên sự hâm mộ của cả tỷ người trên trái đất. Bởi thế, giá bản quyền Premier League lên tới gần 8 tỷ USD. Theo dự kiến, nếu muốn có sóng Premier League thì các nhà đài Việt Nam phải bỏ ra khoản tiền là từ 70 triệu - 100 triệu USD, tương đương 2000 tỷ đồng. Tính gọn ghẽ thế này, nếu phải chi từng ấy thì giá mỗi trận đấu được phát ở Việt Nam là trên…5 tỷ đồng. Vậy các nhà đài lấy gì để lãi? Nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay?

Giá bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh ngày càng đắt đỏ.

Trông vào quảng cáo? Xin lỗi là các doanh nghiệp đang khóc như ếch kêu sau mưa để mong giảm thuế, giảm phí nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn và kinh phí. Thậm chí ngay cả chuyện tăng lương tối thiểu vùng cũng “co kéo từng đồng” với Tổng Liên đoàn lao động như đánh trận.

Vậy thì tăng giá cước? Bao nhiêu thì đủ khi mà giá cước của các nhà đài nói chung đang bị kêu là quá cao so với chất lượng dịch vụ.

Nếu đối tác nào mạnh dạn ôm cả cục Premier League để độc quyền, không khéo dính nạn “tẩy chay” có khi mất cả chì lẫn chài.

Nếu đắt quá thì tốt nhất là…nhịn xem. Nhưng nhịn Ngoại hạng Anh thì phải có gì bù vào chứ? Đây là câu chuyện của bóng đá Việt Nam.

Chúng ta có thể mất cả ngàn tỷ để ngó bóng đá ngoại trong khi lại lãng phí những giá trị của bóng đá trong nước.

Chỉ có một nhóm khán giả đến xem giải bóng đá nữ TP.Hồ Chí Minh trong trận gặp Myanmar.

Hôm qua, một phóng viên đăng trên facebook nỗi cảm thán về trận đấu giải bóng đá nữ TP.HCM giữa chủ nhà và Myanmar. Dưới sân cầu thủ đá bóng mà trên khán đài chỉ mấy chục người xem. Việc bóng đá nữ vắng khán giả không phải lỗi của các cầu thủ. Trách nhiệm của những nhà quản lý ở đâu?

Câu chuyện của bóng đá nữ hay là câu chuyện của những giải thể thao được tổ chức ở Việt Nam nói chung vẫn là quá xa khán giả.

Thử hỏi, những giải đấu như điền kinh, võ vật thậm chí…bơi có bao nhiêu người quan tâm?

Thể thao không khán giả đừng hy vọng doanh nghiệp xắn tay vào xã hội hóa.

Thắng thua trong làm ăn kinh tế, quyết định ở khâu tổ chức. Trước đây, VFF được lãnh đạo bằng những nhà thể thao nên “nói chuyện kinh tế” khó đã đành. Giờ đây, cả Chủ tịch VFF lẫn PCT VFF đều là những doanh nhân, là những người “nhẵn mặt” ở thương trường.

Ấy thế mà nói dễ làm vẫn khó. Giá trị thương quyền của V.League cứ phập phù như đèn trước gió.

Cũng lại là chuyện tổ chức, hôm qua, tại Bình Dương, đội đại diện của Myanmar đã suýt “nghỉ chơi” sau khi cho rằng trọng tài đã ép họ quá đáng. Mời khách đến chơi, rồi ép họ tới mức phải xách dép chạy thì là công tác tổ chức chứ gì nữa.

Bóng đá cứ phá người xem như thế, như cái ao đục ngầu thì còn ai dám “về tắm ao ta…”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội