Café 24h: “Sâu bọ, vườn cải và…”
Theo dân gian, tết Đoan ngọ, miếng ăn đầu tiên phải là trái cây hay… rượu nếp thì sâu bọ trong người sẽ chết hết.
Ở một số nơi ở miền Trung, người ta ăn… thịt vịt trong những ngày này dù nói chung là đầu tháng, người dân quen kiêng thịt vịt.
Sâu bọ, thịt vịt lại khiến tôi nhớ đến khái niệm “vườn cải” của báo chí. Trong “cái vườn” ấy, rất nhiều sâu và cũng rất nhiều… “tin vịt”.
Giờ, không ít người coi ngày 21/06 là “Tết” của những người làm báo.
Thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội phát triển, ai cũng có bản tin riêng và dường như ai cũng có thể trở thành nhà báo hoặc phóng viên. Báo thể thao và phóng viên thể thao, dù gì vẫn ít sâu, cải và vịt hơn.
Mấy năm trước, cũng ở mục café này, tôi định nghĩa phóng viên thể thao theo một câu chuyện vui, rằng: “Phóng viên thể thao là người hôm trước khẳng định đội A chắc chắn thắng và chiều hôm sau phân tích cặn kẽ tại sao đội A thua”.
Phóng viên thể thao là người đưa tin tức, kể những câu chuyện chứ ít khi là chuyên gia – trừ khi là những chuyên gia “chuyển ngạch” sang làm nhà báo.
HLV Miura của tuyển U.23 từng “cấm cửa” cánh phóng viên, đưa ra những quy định tác nghiệp rất khắt khe như chỉ cho phỏng vấn mỗi tuần một buổi và chính ông cũng là một BLV trên truyền hình.
Phóng viên gần đội tuyển quá cũng dở, xa quá lại càng dở. Tiết chế thế nào để khách quan lại là câu chuyện không hề dễ. HLV Calisto trước khi rời Việt Nam cho rằng “vì áp lực của báo chí”, thực tế thì ai cũng biết không phải như thế.
Nhớ SEA Games vừa rồi, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cũng phải thốt lên “cảm ơn các đồng chí phóng viên”. U.23 VN thua trận mà không bị “gạch đá” từ giới truyền thông, ấy cũng là điều may cho VFF và ông Miura. Hơn nữa chính các phóng viên cũng trực tiếp góp phần đòi lại tấm HCV cho Nguyễn Thị Thật.
Bóng đá – báo chí – NHM vẫn là một mối quan hệ mang tính bền vững dù vai trò của báo chí đã bị mạng xã hội lấn át.
Phóng viên thể thao chưa bao giờ ít, chỉ mong sự đông đảo ấy không bị gắn vào mấy chữ “sâu bọ, vườn cải và…”
SONG AN