Châu Lê Phước Vĩnh: Vụ Bacolod là bài học, ai nhìn vào thấy gương mà tránh

thứ hai 20-4-2020 0:41:00 +07:00 0 bình luận
15 năm sau sự cố ở SEA Games 23 tại Bacolod (Philippines), Châu Lê Phước Vĩnh già dặn, chín chắn để nói về cái được, cái mất từ chính mình.

Webthethao.vn: Ở tuổi 33, anh chọn cách giã từ sự nghiệp sân cỏ. Điều gì khiến anh đưa ra quyết định này?

Châu Lê Phước Vĩnh: Năm 2016 là lần đầu tiên tôi thi đấu cho đội bóng không phải Đà Nẵng. Sau hai năm xa nhà, không ai phụ vợ con. Tôi chưa quen với việc xa nhà thường xuyên nên quyết định không đi xa nữa mà tạm dừng. Sau đó, tôi chuyển sang hướng mới là đi học lớp HLV, mở trung tâm bóng đá cộng đồng và xây dựng đội 11 người riêng vừa chơi, vừa tham gia giải phong trào. Tôi vẫn còn đam mê nhưng rút gọn lại trong gia đình và các giải phong trào.

Dù nghỉ chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn có đội bóng riêng để sinh hoạt thường xuyên, vẫn tập thể lực đều đặn. Bây giờ, cảm giác nhớ sân cỏ lại trỗi dậy và nếu có cơ hội, đội bóng nào rủ, tôi đi liền (cười)

Suốt sự nghiệp gắn bó với bóng đá Đà Nẵng, phải chăng với anh đây là điều may mắn?

- Đó là điều may mắn khi tôi được sinh ra, lớn lên ở thành phố, được nuôi dưỡng, đào tạo từ chuyên môn, cuộc sống, xã hội. Tất cả đó mang lại cho mình cảm giác con người thật của bóng đá Đà Nẵng. Tôi muốn nói lời cảm ơn NHM, khán giả đã đồng hành từ còn bé đến giờ, ra đường vẫn còn nhớ đến tôi. Tôi có ước muốn làm gì đó nối tiếp cho bóng đá Đà Nẵng như làm HLV đào tạo trẻ.

Gần suốt sự nghiệp cầu thủ, Phước Vĩnh cống hiến cho bóng đá Đà Nẵng.

Anh cũng định giải nghệ ở đội bóng quê nhà nhưng cuối cùng phải rời đi, lý do nào khiến anh không thể thực hiện ước nguyện?

- Tôi muốn cống hiến hết đời cho bóng đá Đà Nẵng nhưng giữa hai bên không đạt được thỏa thuận hợp đồng nên đành phải ra đi, tìm kiếm bản sắc và cuộc sống mới. Nhưng, cuộc sống xa nhà không quen, tôi phải quyết định tạm dừng bóng đá chuyên nghiệp.

Cùng thời điểm đó, hàng loạt cầu thủ quê Đà Nẵng đều ra đi như Nguyên Sa, Quách Tân, Huỳnh Quốc Anh. Tại sao cùng một lúc lại có nhiều cầu thủ ra đi như vậy?

- Hầu như ai cũng muốn ở lại cả nhưng khi làm việc với lãnh đạo đội bóng không có tiếng nói chung nên ai cũng xin phép ra đi. Là người con của Đà Nẵng, bất kể ai cũng muốn cống hiến cả đời bóng đá cho Đà Nẵng. Chúng tôi đi không phải vì điều gì đó mà mình muốn ở lại nhưng họ không chấp nhận.

Câu chuyện ở đây không phải tiền bạc mà tiền ít cũng được nhưng họ không thích mình thì phải ra đi thôi. Lúc làm việc, tôi cũng bày tỏ ý muốn ký hai năm, không quan trọng vấn đề tiền bạc nhưng SHB Đà Nẵng muốn ký một năm. Bởi lúc đó, tôi cũng hướng là đá năm đầu còn năm sau dự bị cũng được. Năm cuối tôi muốn ở lại để học hỏi công việc cho HLV sau này. Trong hai năm đó, tôi chọn con đường riêng cho mình rồi nghỉ. Tôi không đòi hỏi tiền nong, quan trọng là chơi nhiều trận cho SHB Đà Nẵng nhưng không được. Đó cũng là sự dằn vặt với cá nhân tôi.

Đó cũng là sự tiếc nuối lớn nhất của đời anh?

- Đúng vậy. Tôi rất tiếc khi không được cống hiến hết đời bóng đá cho Đà Nẵng như ý muốn của mình.

Không thể cống hiến trọn đời cho bóng đá Đà Nẵng là sự nuối tiếc của trung vệ sinh năm 1985 này.

Bản thân anh ấn tượng và cảm thấy biết ơn ai nhất?

- Tôi cảm thấy biết ơn chú Bá Thanh, lãnh đạo cùng BHL Đà Nẵng giúp mình vượt qua những khó khăn. Lúc thành công mọi người cũng luôn ở bên, tạo điều kiện cho tôi được sống thực thụ với bóng đá.

Trong suốt những năm tháng gắn bó ở SHB Đà Nẵng, anh từng là đồng đội và cũng là học trò của Lê Huỳnh Đức. Anh cảm nhận gì về anh Đức?

- Đó là một người tuyệt vời, người anh, người thầy tốt. Anh Đức luôn cứng rắn với anh em để đạt được mục tiêu tốt nhất.

Cá tính mạnh của HLV Huỳnh Đức khiến anh em khó chịu?

- Bóng đá lúc này lúc nọ nhưng thời điểm thành công nhất thì biết ơn anh ấy. Anh có cứng rắn như vậy, học trò mới theo chiến thuật, tạo nên thành công cho đội bóng. HLV mỗi người một cá tính. Nếu học trò nào gặp thầy như vậy thì rất dễ thành công. Qua gian khổ mới thành tài được. Anh Đức cứng rắn nhưng quan tâm mới làm như vậy. Người nào làm bóng đá mà không có tâm thì khó thành công.

Đến tận bây giờ, dù câu chuyện ở Balacod năm 2005 đã trôi qua khá xa nhưng chắc hẳn, sự việc đó khiến anh nhiều trăn trở?

- Tôi lấy đó là bài học. Sau này ai nhìn vào thì thấy gương mà tránh, làm sao cho bóng đá trong sạch. Bản thân mỗi cầu thủ phải tự biết mình vươn lên mới gọi là thành công. Nếu không có gương đó thì những người khác không suy nghĩ đến chuyện đó, xảy ra chuyện rồi làm hối tiếc. Chúng ta nêu gương đó để phấn đấu đi đến thành công. Bóng đá bây giờ sướng quá, đá hay là cái gì cũng có, cái gì cũng được.

Gia đình là điểm tựa để Phước Vĩnh đứng dậy mạnh mẽ.

Sau cú vấp ngã đó, người ta thấy một Phước Vĩnh mạnh mẽ, trưởng thành hơn khi trở lại ĐT Việt Nam cùng SHB Đà Nẵng hai lần vô địch V.League. Động lực nào giúp anh vượt lên?

- Bản thân mình tự vượt qua rồi gia đình động viên, người dân Đà Nẵng chờ đợi ở mình. Họ trông ngóng vào mình, chờ mình tiến bộ nên nỗ lực hằng ngày. Những buổi tập họ thường xuyên đến sân Chi Lăng để theo dõi, động viên. Tôi cảm ơn NHM Đà Nẵng đã luôn theo dõi, đồng hành.

Những năm tháng từ 2008 đến 2012 cũng là thời kỳ hoàng kim của bóng đá Đà Nẵng cả về tài chính lẫn con người. Anh tích lũy cho mình những gì trong giai đoạn này?

- Cuộc sống cải thiện hơn. Tôi có nhà cửa và nhờ bóng đá rất nhiều, đồng lương cao, thu nhập ổn định giúp vợ con gia đình.

Nhiều đồng nghiệp như anh toàn nắm tiền tỷ, thậm chí cả chục tỷ, có người giữ được nhưng cũng có người sa ngã. Với anh, bản hợp đồng có giá trị bạc tỷ đó được anh sử dụng như thế nào?

- Sau những gì đã diễn ra, tôi sử dụng đồng tiền khác. Lo lắng mọi chi tiêu gia đình nhiều hơn. Tôi được cái là đúc kết kinh nghiệm, giữ được mình. Mong các cầu thủ sau này giữ được mình. Đồng tiền làm ra bằng mồ hôi nước mắt nên chăm chút đồng tiền, hãy hướng theo các người anh thành đạt. Cố gắng nuôi bố mẹ, có nhà cửa, xe để đi và thu nhập ổn định. Đừng nên ham chơi, sa đà quá. Lứa tôi đa số đều thành công và cảm ơn bóng đá đã cho tôi tất cả.

Mở trung tâm bóng đá cộng đồng là bản lề để Phước Vĩnh trở lại với bóng đá chuyên nghiệp với cương vị mới là HLV.

Kết thúc sự nghiệp “quần đùi áo số”, điều gì thôi thúc anh mở trung tâm bóng đá cộng đồng?

- Thời điểm đó, bóng đá cộng đồng hay sân chơi cho trẻ em còn ít. Tôi đã làm thử và thành công. Tôi mong trung tâm có một vài em vào đội 1 SHB Đà Nẵng và sau này là lên ĐQTG. Đó cũng là cách để sau này làm tiền đề cho công việc HLV chuyên nghiệp.

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

Trần Khánh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội