Nhà báo Phan Đăng: Cố nhân tao ngộ
Thì đúng là kể từ khi thầy Nhật Toshiya Miura để lại cái ghế có phần quá khổ với mình, tới đây sẽ có một thầy mới xuất hiện. Nhưng với binh tình hiện tại, nhiều khả năng người mới ấy lại là một cái tên cũ: Henrique Calisto. Thử nghĩ mà xem, phương án 1 Lê Huỳnh Đức khó thành, bởi Huỳnh Đức rất biết “ngửi” thời cuộc và rất biết có nên dấn thân lúc này hay không. Phương án 2 là Hữu Thắng khiến ít nhất 2 thành viên trong Hội đồng HLV QG lợn cợn, phương án 3 Hoàng Anh Tuấn thì khó quá, vì chọn ông Tuấn chẳng khác gì “vuốt mặt, không nể mũi” ông chủ tịch VFF. Vì sao ư? Vì 3 năm trước, khi ông Tuấn chuẩn bị nhiếp chính đến nơi, chính vị này đã phản ứng ra mặt, khiến “đổ kèo” phút cuối.
Thầy nội thì như vậy, thầy ngoại thì mênh mông khôn lường, lại cộng thêm cái thế “con chim bị thương, sợ cành cây công” sau phi vụ Miura, nên phương án Calisto đúng là sáng nhất.
Thế thì phải nói lại vài chuyện ngày xưa, khi chính Calisto cũng không tin là mình được chọn. Chẳng là năm 2008, sau khi mở một cuộc chọn thầy ngoại rềnh rang và việt vị toàn diện với cả 5/5 cái tên được đưa vào “chung kết”, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói xanh rờn: “Bây giờ Calisto là ƯCV số 1”. Ông Hỷ còn nói: “Chúng tôi không đưa ông Calisto vào danh sách ƯCV ngoại vì chúng tôi coi ông ấy như thầy nội”. Điện thoại, chia sẻ với thầy “Tô” điều này thì nghe lại một câu hỏi tréo ngoe: Anh tin thật à? Anh không nghĩ là VFF lại lợi dụng tôi như những lần trước đây?”.
Trước đây là lần nào thế? À, cái lần VFF đưa Calisto và Rield “vào chung kết”, rồi gửi cho cả hai một bộ hợp đồng dự kiến nhưng không hiểu vô tình hay hữu ý mà cả hai bộ hợp đồng đều được viết bằng tiếng Áo - tiếng mẹ đẻ của Riedl. Hồi ấy, ngay cả khi một lãnh đạo VFF tiếp xúc, đặt vấn đề, HLV Calisto vẫn đề phòng, “bán tin, bán nghi”. Phải đến khi các điều khoản hợp đồng chính thức được đóng chốt, ông thầy Bồ chính thức nhận nhiệm vụ thì cái suy nghĩ “Anh không nghĩ tôi bị lợi dụng...” mới chính thức bị khai trừ.
Cái thế của Calisto bây giờ có cái gì đó na ná với cái thế của 2008 ấy. Nghĩa là ông chỉ là phương án sau cùng, khi các phương án ưu tiên không thành hiện thực. Sự khác biệt có chăng nằm ở chỗ, năm 2008 ông Tô lên Tuyển trong bối cảnh nếu không lên thì khả năng ông tiếp tục hợp đồng với CLB ĐT.LA cũng là rất thấp, vì cả hai phía khi ấy đều đã đi tới giới hạn của sự hợp tác. Còn bây giờ, nghe đâu ông vẫn đang rảnh việc, và thông qua báo giới Việt Nam, cho biết mình sẵn sàng trở lại cái nơi từng tạo nên một đỉnh vàng chói lọi trong sự nghiệp huấn luyện của mình.
Những ngày đầu năm, trò chuyện với các quan chức VFF vẫn thấy bài toán hàng đầu là bài toàn nhân sự, từ nhân sự lãnh đạo tổ chức này, thay cho Chủ tịch đương nhiệm Lê Hùng Dũng cần dồn thời gian giải quyết chuyện cá nhân và lo cho sức khoẻ, đến nhân sự dẫn dắt các ĐT, đặc biệt là ĐTQG với nhiệm vụ AFF Cup 2016. Vế đầu tiên thì chưa hiểu, chưa rõ hình hài nhưng vế sau thì nhiều khả năng sẽ là một nhân sự mới mà cũ, và đấy là giá trị cũ đáng tin.
“Cố nhân tao ngộ” biết đâu lại tạo nên sự hồi sinh bất ngờ?
Đầu năm mà, mộng mơ một chút, trong bối cảnh cần một điểm tựa cho niềm tin, với một ông thầy...