Từ bàn thắng bị từ chối của Văn Toàn cho đến “nỗi khổ 0,2 giây" của các trọng tài
Quyết định không công nhận bàn thắng của Văn Toàn trong trận Việt Nam hòa Myanmar 0-0 vẫn đang khiến NHM Việt Nam tức giận. Nhưng cần nhìn nhận sự việc ở một góc nhìn khác, bởi các trợ lý trọng tài sẽ chỉ có khoảng thời gian rất ngắn để đưa ra quyết định một cầu thủ có rơi vào thế việt vị hay không.
"Liệu mắt người thường có thể phát hiện vị trí việt vị trong suốt trận đấu?" - tiêu đề bài viết của tiến sỹ Francisco Belda Maruenda trên Tạp chí Y tế Anh Quốc vài năm trước.
Trong bài viết, Maruenda cho rằng, về khía cạnh khoa học với việc mắt và não phải cùng hoạt động và xử lý thông tin trong một tình huống diễn ra nhanh thì các trợ lý trọng tài không có khả năng đưa ra quyết định chính xác.
AFF Cup 2018: Hé lộ nguyên nhân khiến trọng tài Thái Lan "cướp" bàn thắng của Văn Toàn
Trợ lý trọng tài sẽ phải quan sát những gì trong một tình huống nhận định việt vị?
Ít nhất 5 đối tượng trong sân cùng một lúc: Hai cầu thủ của đội tấn công, 2 cầu thủ đứng cuối cùng của đội phòng ngự (kể cả thủ môn) và trái bóng.
Một lỗi bị coi là việt vị đòi hỏi 3 tiêu chí:
- Sự đúng lúc: Vào thời điểm bóng rời chân cầu thủ của đội tấn công, ít nhất một đồng đội của anh ta đang ở vị trí việt vị
- Vị trí: Ít nhất một cầu thủ đội tấn công đứng gần vạch cầu môn đội phòng ngự hơn ít nhất 2 cầu thủ cuối cùng của đối phương đang phòng ngự.
- Can thiệp: Ít nhất 1 cầu thủ đội tấn công rơi vào thế việt vị "can thiệp tích cực" vào tình huống.
Khi nhận định có cả 3 tiêu chí trên trong một tình huống tấn công, trợ lý trọng tài sẽ phất cờ.
Các CĐV nước ngoài cũng cho rằng trọng tài không chính xác khi từ chối bàn thắng của Văn Toàn. Ảnh chụp màn hình.
Trọng tài cũng là con người
Theo tính toán của Tiến sỹ Maruenda, trung bình một cầu thủ có thể chạy 7m/giây ở tốc độ tối đa, do vậy trợ lý trọng tài sẽ mất khoảng 0,14 giây để quan sát cùng lúc 5 đối tượng và xử lý thông tin tình huống đang diễn ra. Sau đó mất khoảng 0,2 giây để quyết định phất cờ hay không.
"Đừng đổ lỗi trọng tài, đấy chỉ vì bộ não của họ", Maruenda đã kết luận như vậy và cho rằng với chừng ấy thông tin phải xử lý với chỉ 2 con mắt trong một thời gian rất ngắn, không có gì khó hiểu khi tỷ lệ các quyết định bắt việt vị sai của các trợ lý trọng tài luôn ở mức cao.
Trong một chương trình thực tế, 2 cựu danh thủ Gary Neville (Man Utd) và Jamie Carragher (Liverpool) cũng đã "hóa thân" vào vai các trợ lý trọng tài, phải đưa ra quyết định có việt vị hay không trong các tình huống cho trước. Kết thúc chương trình, Carragher đã phải thốt lên: "Tôi sẽ không bao giờ chỉ trích trọng tài nữa!".
Từ góc nhìn này, phải chăng NHM nên nhìn nhận quyết định phất cờ của trọng tài Phubes Lekpha theo hướng cảm thông và tích cực hơn?