Từ vụ cầu thủ trẻ Đồng Tháp cá độ, đến lúc cần có Hiệp hội cầu thủ
Ban kỷ luật VFF đưa ra quyết định kỷ luật 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp do có dính líu đến vụ cá độ, dàn xếp tỷ số ở vòng loại giải U21 quốc gia 2019. Theo đó, Huỳnh Văn Tiến nhận mức kỷ luật nặng nhất đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp trong 5 năm do VFF quản lý và phạt 5 triệu đồng. 10 cầu thủ còn lại phải nộp phạt 2.500.000/người và cùng bị đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá trong vòng 6 tháng do VFF quản lý, tổ chức.
Có khá nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra liên quan đến án kỷ luật cũng như cách phán xử của VFF. Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, những gì VFF đã làm là chưa thật tâm phục. Ông giải thích: “Án phạt của VFF khó nói là thỏa đáng hay không vì chưa có tiền lệ hay khung để xử lý. Điều đáng nói là quyết định này được đưa ra theo kiểu 1 chiều, cầu thủ không thể phản đối hay giải thích.
Việc cầu thủ sai phải phạt để răn đe và làm gương là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên có thể thấy bóng đá Việt Nam chưa chuyên nghiệp khi chưa có đơn vị bảo vệ quyền lợi của cầu thủ (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp). Nếu có, đơn vị này sẽ xem xét, phân tích vai trò và mức độ vi phạm của các cầu thủ trong từng sự việc và giúp họ bảo vệ bản thân, đảm bảo những án phạt đưa ra hợp tình hợp lý, chính xác hơn.
Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp không chỉ bảo vệ cầu thủ trong hoàn cảnh này mà còn giúp họ phân tích rõ ràng hơn vai trò và quyền lợi của mình trong thi đấu cũng như trong các thỏa thuận, hợp đồng với CLB, Liên đoàn. Họ cũng sẽ giúp tránh xảy tình trạng mập mờ, thiệt thòi liên quan đến chuyện CLB can thiệp vào thu nhập từ các hoạt động bên lề của các cầu thủ”.
Ông Hải cũng cho rằng chính những thiệt thòi về thu nhập cũng là một trong những lý do dẫn đến vụ việc 11 cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số. Ông Hải nói: “Đồng Tháp lâu nay vẫn là tỉnh nghèo và bóng đá là cứu cánh với không ít cầu thủ. Tuy nhiên họ vẫn luôn bị thua kém về lương thưởng so với các đội bóng khác nên phát sinh những suy nghĩ sai lệch là không khó hiểu”.
Dẫu vậy, theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, lý do chính nằm ở ý thức của cầu thủ và cách quản lý con người của CLB. Ông phân tích: “Kể từ khi HLV Park Hang Seo về nắm các ĐT Việt Nam, bóng đá Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ, thành công nhiều hơn và bóng đá cũng sạch sẽ hơn. Các cầu thủ cũng đều hiểu phải tự thay đổi bản thân nhiều hơn theo hướng tích cực đó để có được thành công.
Chính điều đó đã khiến nảy sinh tâm lý chủ quan từ những người làm công tác quản lý. Họ sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục đạo đức cầu thủ trẻ của mình và để một bộ phận không nhỏ càng lớn càng hư (theo cách nói của cựu HLV U19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn) do được chiều chuộng và không bị quản lý chặt. Hút thuốc, dùng lén điện thoại trong thời gian dự giải, trốn đi chơi, cá độ…là những hiện tượng đã và đang xuất hiện ở các giải trẻ”.
Ông Hải cũng đưa ra lời khuyên để tránh những vụ việc đau lòng như của 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp tái diễn: “Các CLB cần quản lý chặt chẽ, quan tâm hơn đến các cầu thủ trẻ của mình vì tính cách của họ thay đổi liên tục, rất dễ mắc phải những sai lầm. CLB cần kết hợp với gia đình các cầu thủ để uốn nắn, xử lý kịp thời cũng như giáo dục họ cho tốt hơn. Ở Việt Nam hiện tại, chỉ có HAGL và Viettel là làm tốt nhất công tác giáo dục cầu thủ. Đó là những mô hình cần nhân rộng để bóng đá Việt Nam trở nên đẹp hơn, sạch sẽ hơn”.