“Tuyển Việt Nam không có phương án đối phó với tiểu xảo của Oman”
Tuyển Việt Nam thất bại 1-3 trước Oman ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Điểm nhấn là hai quả penalty và VAR liên tục vào cuộc. Theo ông, thất bại này có oan ức cho tuyển Việt Nam?
Chúng ta cứ hay đổ lỗi cho VAR hay trọng tài nhưng tác nhân xảy ra các tình huống VAR chính là chúng ta. Điển hình là pha bóng dẫn đến quả penalty của Duy Mạnh. Pha bóng đó theo kiểu 50-50 và trọng tài làm đúng luật.
Thực tế, có VAR hay không VAR thì quyết định cuối cùng vẫn nằm ở trọng tài chính. VAR chỉ có nhiệm vụ thông báo cho trọng tài chính hoặc trọng tài chính yêu cầu VAR. Những trận đấu của Việt Nam mà VAR vào cuộc, có tình huống đúng, có tình huống không đúng. Nhưng đừng lấy thế mà đổ lỗi.
Trở lại với pha bóng của Duy Mạnh, nếu Hồng Duy phá bóng chuẩn xác thì không xảy ra tình huống đó. Một pha phá bóng như quả tạt bóng. Về mặt tâm lý, Duy Mạnh tỏ ra bất ngờ mới đứng sai vị trí, quả bóng qua đầu. Thông thường, cầu thủ phòng ngự sẽ nghĩ quả bóng đó phải được phá lên khoảng 30-40m hay lên nửa sân.
Và khi nhảy lên đánh đầu, làm sao tay khép lại được. Ngoài ra, đó là pha bóng xoay lưng lại chứ không đối diện. Duy Mạnh không cố ý hay ác ý nhưng trọng tài đã đưa vào luật thì chúng ta phải chấp nhận. Trọng tài sử dụng luật hơi căng cho Việt Nam nhưng xuất phát điểm là lỗi do cầu thủ mình.
Lỗi của Duy Mạnh có phải là do cầu thủ Việt Nam thi đấu ở V.League, quen với môi trường không có VAR nên tình huống tranh chấp theo bản năng?
Không phải! Bóng đá thế giới xảy ra rất nhiều tình huống này. Như ở Anh hay Italia, tình huống xảy ra chính diện. Đó là cầu thủ nhảy lên tranh chấp rồi đưa cùi chỏ vào mặt đối phương thì mới phạt. Còn nguyên tắc đối kháng khi tranh chấp bóng bổng, đó là tình huống tự vệ.
Khi tranh chấp bóng bổng, theo thói quen, cánh tay, cùi chỏ thường đưa vào mặt đối phương. Đối với tình huống này, hoặc là cầu thủ đó cố tình hoặc là xui xẻo thì cầu thủ đối phương bị đánh trúng mặt. Tôi xem nhiều tình huống bóng tương tự thế này, có trọng tài thì phạt, trọng tài thì không.
Ngoài VAR và trọng tài, tuyển Việt Nam còn thất bại vì lý do nào khác, thưa ông?
Cầu thủ ở khu vực Trung Đông thường hay sử dụng tiểu xảo. Điều này có từ lâu rồi. Họ sử dụng tiểu xảo rất giỏi mà mình không có phương án để đối phó. Tình huống va chạm của Duy Mạnh, cầu thủ Oman đâu đau đến mức nằm lăn lộn như thế.
Đặc biệt, khi đá sân khách, các cầu thủ từ Trung Đông càng có cơ hội để chơi tiêu xảo. Tôi cũng từng gặp nhiều tình huống này.
Năm 2016, khi chuẩn bị đá với chủ nhà Bahrain cho tấm vé quyết định đến U20 World Cup 2017, chúng tôi chuẩn bị rất kỹ. Ngày mai đá thì đêm trước, Ban huấn luyện thức ngủ để trực chiến, không phải canh cầu thủ mình đi đêm mà là không cho người khác quấy rầy.
Chẳng hạn như điện thoại phòng gọi réo liên tục, chúng tôi phải cắt điện thoại hoặc phải ngủ ở ngoài hành lang chứ không có người đi gõ cửa phòng với lý do nhầm phòng.
Ở vòng bảng, có 16 đội, việc không có sân tập thì không nói nhưng khi vào vòng tứ kết, có 8 đội mà họ đẩy mình đi tập ở sân cách 1 tiếng đồng hồ đi xe. Đến sân tập thì đó là sân của CLB còn chủ nhà không bố trí sân tập. Lúc đó, CLB vẫn tập, buộc chúng ta phải xin chứ mình không thể quay đi chỗ tập khác, vừa quá xa, lại không biết sân.
Tập một buổi chỉ 45 phút nhưng phải mất đến 3 tiếng rưỡi. Trong khi những sân gần đó, họ không cho mình tập. Đó là khi sát ngày đá với chủ nhà. Họ chơi tiểu xảo từ ngoài sân đến trong sân nhưng chúng ta lại không chuẩn bị yếu tố đó.
Ông nghĩ sao về các tình huống phạt góc “lấy thịt đè người” của Oman. Một trong số đó thành công với bàn thắng nâng tỷ số 2-1?
Đó là lỗi non kinh nghiệm của Văn Toản. Tôi không hiểu sao Văn Toản lại lao vào nhóm đông đó để làm gì? Thủ môn đã đứng sai vị trí, hơi quá cao so với tình huống đá phạt góc. Đối với tình huống này, thủ môn nên di chuyển trên vạch vôi ở phía ngoài, làm sao để rời nhóm đông chứ bám trên lưng đồng đội không phù hợp.
Chúng ta không có sự chuẩn bị nào cả cho các pha bóng lắt léo của Oman. Ở trận đấu này, tôi cảm nhận tâm lý của Toản không tốt.
Còn về yếu tố chuyên môn thì sao, thưa ông?
Tuyển Việt Nam chỉ chơi tốt khi tấn công còn nếu chơi phòng ngự thì thua nữa. Dĩ nhiên, khi gặp các đối thủ mạnh, chúng ta cần chơi phòng ngự nhưng ở đây là phương án phòng ngự chứ không phải chủ trương chỉ phòng ngự.
Các giải pháp trong phòng ngự của mình có vấn đề. Xét về mặt hình thể, chúng ta thua thiệt đối phương. Tất nhiên, gặp Việt Nam, các đối thủ sẽ chơi bóng bổng. Như Trung Quốc, họ chơi đặc trưng là tạt cánh từ hai biên. Trung Quốc cứ nhăm nhăm xuống biên rồi tạt cánh đánh đầu. Họ chỉ có mỗi bài đó. Và khi đối phương tạt bóng bổng, giải pháp thường là không cho tạt bóng ở hai biên.
Tôi thấy ở hai trận gặp Trung Quốc và Oman, cách sử dụng Hồng Duy ở vị trí hậu vệ cánh chưa phù hợp. Duy là mẫu cầu thủ tấn công tốt nhưng lại có thể hình không tốt, khả năng tranh chấp thua thiệt. Cậu ấy mắc các lỗi dẫn đến bàn thua ở hai trận đấu này.
Khi áp dụng chiến thuật phòng ngự mà sử dụng cầu thủ có sở trường tấn công thì khó để cầu thủ đó phát huy. Trên ghế dự bị, chúng ta vẫn có Bùi Hoàng Việt Anh. Trước đây, HLV Miura từng sử dụng cả 4 trung vệ khi không có hậu vệ biên. Cách xây dựng lối chơi thiên về phòng ngự của HLV Miura rất rõ ràng. Việc sử dụng cả bốn trung vệ giúp ông phát huy điểm mạnh của họ là khả năng tranh chấp bóng bổng.
HLV Park Hang Seo đã có thay đổi nhưng tôi không hiểu sao Văn Toàn, Công Phượng rất tốt lại cứ cho dự bị. Khi tung họ vào từ băng ghế dự bị, cục diện trận đấu khác hẳn, gây áp lực tấn công lên đối phương sẽ giảm tải áp lực, sai số cho chính hàng thủ của đội nhà.
Ở vòng loại thứ 2 và thứ 3, chỉ đến khi chúng ta bị dẫn bàn, Văn Toàn hay Công Phượng vào, tuyển Việt Nam mới đá hay. Đó là vấn đề với đội tuyển Việt Nam.
Việc thi đấu với các đối thủ hàng đầu châu lục ở vòng loại World Cup là cơ hội để các cầu thủ Việt Nam trưởng thành. Mỗi sai số cá nhân lại là điều may, để cầu thủ tích lũy kinh nghiệm cần thiết. Hy vọng, tuyển Việt Nam sẽ có các giải pháp tránh sai số cho hai trận đấu khó khăn sắp tới gặp Nhật Bản và Saudi Arabia.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!