Bóng rổ Trung Quốc (phần 4): Cuộc cách mạng toàn diện
Bóng đá vẫn luôn được biết đến là môn thể thao vua với số lượng người theo dõi, chơi, quan tâm... nhiều nhất trên thế giới. Nhưng ở một số ít quốc gia thì bóng đá lại chịu lép vế trước môn bóng rổ, tiêu biểu là Trung Quốc.
Bóng rổ được phổ biến trên khắp lãnh thổ Trung Hoa Đại Lục, từ trẻ nhỏ cho đến người già. Giải bóng rổ nhà nghề Trung Quốc (CBA) luôn là giải đấu thu hút lượng người theo dõi đông đảo nhất ở đất nước này. Nhưng cũng như bao quốc gia khác, NBA vẫn luôn là giải đấu được quan tâm hơn hẳn.
Và huyền thoại Yao Ming đang từng bước thay đổi thói quen đó của người Trung Quốc. Giờ đây, CBA bắt đầu thu hẹp khoảng cách với NBA với tầm nhìn tuyệt vời của Yao Ming.
Ở Trung Quốc, các sản phẩm từ NBA trở nên phổ biến và các trận đấu NBA thu hút lượng khán giả theo dõi rất lớn.
Kể từ khi trở thành người đứng đầu Giải bóng rổ nhà nghề Trung Quốc (CBA), Yao Ming bắt tay vào thay đổi gần như mọi thứ để biến giải đấu này trở nên chuyên nghiệp như cái cách mà NBA đang thể hiện. Yao Ming áp dụng mọi thứ mình học được ở NBA, trong quãng thời gian còn thi đấu cho Houston Rockets từ năm 2002 đến 2011.
Yao Ming muốn nâng cao chất lượng cầu thủ, thế nên ông bắt tay thực hiện các kế hoạch giúp CBA có doanh thu nhiều hơn, nhằm thúc đẩy chủ sở hữu của các đội bóng có thể đầu tư mạnh mẽ hơn vào môn thể thao này. Từ những thay đổi đó, CBA ngày càng thu hút số lượng khán giả đến sân theo dõi nhiều hơn, thay vì ngồi nhà xem như trước đây.
Những nỗ lực này bao gồm việc loại bỏ sự kiểm soát của chính phủ với các thương hiệu nước ngoài. Những yếu tố có lợi cho bóng rổ từng không thể có mặt do các quy định chế tài đặc biệt nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc.
Các vật phẩm từ NBA được bày bán ở hơn 200 đại lý có thương hiệu lớn và hơn 5.000 bán lẻ được cấp phép hoạt động trên khắp Trung Quốc. Theo NBA China, NBA Finals 2018 thu hút hơn 25 triệu người theo dõi ở mỗi trận từ lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, CBA đã từ chối tiết lộ số lượng người xem ở trận đấu cuối cùng của NBA Finals 2018.
Người Trung Quốc bắt đầu thích thú hơn trong việc đến sân xem bóng rổ.
Thế hệ người Trung Quốc ngày nay cũng bắt đầu có niềm tin hơn trong việc hướng con cái theo con đường bóng rổ chuyên nghiệp. Các liên đoàn thể thao của Trung Quốc trước đây, bao gồm bóng rổ luôn bị chỉ trích bởi vì chỉ tập trung đầu tư vào các vận động viên có thành tích ở Olympic, mà bỏ qua cơ hội kiếm lời từ những thương hiệu thể thao chuyên nghiệp. Nhưng chính sự chuyển biến từ khi Yao Ming lên nắm quyền đã giúp thay đổi cả nền bóng rổ nói riêng và thể thao nói chung ở Trung Quốc. Giờ đây, việc chơi thể thao đang dần trở thành một nghề nghiệp có thể đổi đời.
Matt Beyer, một siêu cò ở CBA đã nói: "Chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển giao của nền bóng rổ Trung Quốc, nơi môn thể thao này đang dần trở thành một sản phẩm sinh lời. Người hâm mộ đang thay đổi từ việc chỉ xem bóng rổ như một môn cải thiện sức khỏe sang chiêm ngưỡng các cầu thủ bóng rổ thi đấu. Văn hóa bóng rổ ở nơi này đang lên rất cao."
Quan trọng hơn cả là chính sự thay đổi của chính phủ Trung Quốc. Giới lãnh đạo đang tìm cách phát triển các môn thể thao chuyên nghiệp, dẫn đầu là bóng rổ, như một phần trong nỗ lực mở rộng nền kinh tế dịch vụ thương mại. Năm 2014, chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu biến ngành công nghiệp thể thao của Trung Quốc là một loại hình kinh doanh có giá trị 5.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 781 tỷ đô la) vào năm 2025 - hơn gấp đôi con số 1.900 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2016. Hầu hết doanh thu đến từ việc sản xuất trang thiết bị thể thao và trang phục thể thao để xuất khẩu. Thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng đang là cái mỏ vàng của nền kinh tế Trung Quốc.
Yao Ming đã dùng địa vị của mình để tác động mạnh mẽ lên nền bóng rổ Trung Quốc. Huyền thoại bóng rổ Trung Quốc được chọn ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo CBA với sự chấp thuận tuyệt đối từ các giám đốc điều hành ở giải đấu này.
Bất chấp những trở ngại, Yao Ming đang giúp kéo nhiều khán giả đến với CBA hơn. Một người hâm mộ bóng rổ tên Huang Meiwan cho biết: "Tôi chơi bóng rổ trong những năm học đại học. Môn thể thao này khiến tôi đam mê và hạnh phúc."
Yao Ming chính là vị lãnh tụ vĩ đại trong công cuộc cách mạng của bóng rổ Trung Quốc.
Cuộc cách mạnh bóng rổ Trung Quốc của Yao Ming sớm bắt đầu vào năm 2016. Khi đó, chủ sở hữu các đội bóng CBA với sự kêu gọi từ Yao Ming, người đang là chủ tịch đội Shanghai Sharks đã tổ chức nhiều cuộc họp bí mật nhằm thoát khỏi sự kiểm soát từ chính phủ Trung Quốc.
Chủ sở hữu các đội CBA, đa phần là những ông trùm bất động sản khi đó đang phải gồng mình gánh chịu toàn bộ chi phí của đội bóng. Những người chủ sở hữu phàn nàn rằng Bộ thể thao Trung Quốc đã ngăn cản nhiều cơ hội quảng bá của CBA, qua đó khiến doanh thu của giải đấu này không bao giờ tăng hơn được nữa.
Những cuộc họp này đã góp phần cho ra đời một công ty tư nhân riêng với mục đích điều hành CBA. Các đội bóng nắm 70% cổ phần của công ty này và Trung tâm Quản lý Bóng rổ Trung Quốc nắm 30% cổ phần, nhưng vẫn có quyền phủ quyết.
Khoảng một năm sau, Yao Ming được Bộ Thể thao Trung Quốc chọn làm người điều hành CBA. Yao Ming ngay lập tức thanh toán toàn bộ số tiền còn thiếu từ CBA với các đội bóng và ngay lập tức loại bỏ quyền phủ quyết của chính phủ với giải đấu này.
Một chuyên gia am hiểu về bóng rổ Trung Quốc cho biết: "Bóng rổ Trung Quốc trong một thời gian dài đã bị trì trệ bởi bộ máy cũ kỹ, và họ nhận ra rằng cần phải thay đổi để trở nên phát triển hơn."
Nền bóng rổ Trung Quốc đã không thể phát triển cao hơn khi vướng phải quy định ràng buộc cầu thủ theo "hộ khẩu".
Kể từ khi trở thành người lãnh đạo CBA, Yao Ming đã nỗ lực không ngừng để giúp doanh thu của các đội bóng ngày càng nhiều hơn. Mọi người rất biết hơn Yao Ming vì những đóng góp to lớn này.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương kiểm soát toàn bộ các địa điểm tổ chức thể thao và những người lãnh đạo này không có bất cứ một ưu đãi nào với các đội bóng CBA. Đây là một vấn đề mà Yao Ming đang bắt tay vào để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Yao Ming vẫn tin rằng sự thay đổi là cần thiết để giúp những tài năng bóng rổ được sàng lọc kỹ hơn. Ở Trung Quốc, những vận động viên đội tuyển quốc gia các môn thể thao được lựa chọn và đào tạo khi còn rất trẻ. Nhưng Yao Ming cho rằng chiến lược này đã quá lỗi thời và lạc hậu. Yao Ming cho rằng hệ thống thể thao của Mỹ mới thực sự đáng để thể thao Trung Quốc noi theo và học hỏi.
Những vận động viên thể thao ở Mỹ 100% được phát hiển từ môi trường đại học. Tất cả mọi tầng lớp có thể tham gia các môn thể thao ở trung học và cấp độ đại học để phát triển tài năng. Đây mới chính là môi trường ươm mầm tài năng tốt nhất và tiết kiệm chi phí nhất, so với việc đổ tiền đầu tư vào một vận động viên mà chưa chắc họ đã đạt được đỉnh cao tài năng như mong muốn.
Yao Ming cũng nhìn ra rằng các quy tắc cũ kỹ của CBA đã góp phần khiến cho giải đấu mất cân bằng, khi những cầu thủ thường bị ràng buộc chơi bóng ngay tại nơi mình sinh ra. Số lượng tài năng bóng rổ ở Trung Quốc không được rải đều, mà chỉ tập trung ở những thị trường lớn (các đô thị lớn). Chính đều này khiến cho một số đội bóng ở các thị trường lớn thay vì phải cạnh tranh để có được các ngôi sao thì chỉ việc "ngồi mát ăn bát vàng" mà chờ tài năng đến.
Chủ tịch đương nhiệm của Shanghai Sharks (Yao Ming ngay lập tức bán toàn bộ mọi cổ phần khi ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo CBA) cho biết: "Yao hiểu rằng để phát triển tối đa tài năng của những cầu thủ, bạn cần phải phân bổ tài nguyên con người một cách đồng đều và hiệu quả. Bạn sẽ không bao giờ muốn một số cầu thủ có tiềm năng trở thành một ngôi sao lớn nhưng phải mắc kẹt trên băng ghế dự bị, và không thể nào chuyển sang các đội bóng khác do cơ chế."
Địa vị của Yao Ming ở Trung Quốc ngày càng cao hơn khi ông dấn thân vào con đường chính trị. Yao Ming bắt đầu tham dự các hội nghị của chính phủ kể từ tháng Ba năm nay và đang nắm giữ một ghế đại biểu trong Cơ quan lập pháp của Trung Quốc.
"Tất cả mọi thứ tôi làm bây giờ đều vì Trung Quốc" - Yao Ming tuyên bố.
(Còn tiếp)