Lời cảnh tỉnh cho những cái đầu nóng trong bóng rổ, đừng để mọi chuyện chỉ còn là câu: "Giá như.."
Ngày 28/11/2018, sau khi cử đoàn công tác sang làm việc với Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế - FIBA, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã đưa ra án phạt cấm hai cầu thủ Cần Thơ là Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng tham gia thi đấu trong vòng 10 năm.
Nói cách khác, án phạt trên như câu chốt cho sự nghiệp bóng rổ dang dở của một người sinh năm 1992 và một người chỉ sinh năm 1995, độ tuổi sung mãn nhất ở bộ môn này.
Không quá ngạc nhiên khi con số 10 năm này đã khiến không ít cầu thủ, cổ động viên, người chơi bóng rổ bàng hoàng và ám ảnh. Cũng như bao vận động viên khác, Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng đến với bóng rổ không chỉ vì mưu sinh mà còn là bởi đam mê. Nhìn những người cùng đam mê phải từ bỏ thứ tưởng chừng sẽ gắn liền với họ mãi về sau, mấy ai kiềm được nỗi xót xa?
Nhiều cầu thủ đã lập tức đăng tải lên trang cá nhân thông điệp bày tỏ sự cảm thương cho hai con người này. "Hành động bộc phát thì chắc chắn là họ đã sai rồi nhưng hãy cho họ một con đường lùi. Vì chắc chắn rằng ngoài trái bóng là cần câu cơm thì được ra sân thi đấu cũng là niềm vui của họ rồi", Trương Hoàng Trung, một vận động viên tuyển Hà Nội đăng tải trên trang cá nhân sau khi án phạt được công bố.
Trương Hoàng Trung và đoạn chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Đêm 28/11, có rất nhiều người chơi bóng cũng có cùng suy nghĩ như Trương Hoàng Trung. Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng đã sai, điều đó hoàn toàn không thể chối cãi hay biện hộ bằng bất kỳ giá nào.
Nói về lý, án phạt 10 năm của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đưa ra là hoàn toàn không thể kháng cự. Về cơ bản, Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì họ đã gây ra.
10 năm, 20 năm hay 40 năm như ba cầu thủ Mullingar Town trong vụ hành hung trọng tài mới đây, họ cũng phải chịu. Độ nghiêm trọng của vụ việc không chỉ phụ thuộc vào thương tích của trọng tài mà còn đến từ nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên, nói về cái tình, có phải án phạt này là quá nặng? Lê Văn Đầy chỉ vừa 23 tuổi. Anh là một trong những tài năng của bóng rổ Cần Thơ. Cầu thủ trẻ này từng được chọn vào thi đấu cho Saigon Heat tại ABL năm 2016. Nhiều người cho rằng, 3 năm và án phạt tiền hoặc lao động công ích sẽ vừa phải hơn.
Lê Văn Đầy (13, góc phải) trong màu áo Saigon Heat tham dự ABL 2016.
Với cầu thủ trẻ như Lê Văn Đầy, đây chắc chắn sẽ là một cột mốc không thể quên khiến anh trưởng thành hơn rất nhiều. Và giá như án phạt đó chỉ là 3 năm, người hâm mộ Cần Thơ nói riêng và cả Việt Nam nói chung biết đâu sẽ được trông thấy Lê Văn Đầy trở lại sân đấu điềm tĩnh hơn, chững chạc hơn và yêu quý bộ môn này hơn.
Rõ ràng, khi đứng trên bờ vực đánh mất điều gì, người ta mới cảm thấy thêm trân quý nó. Với Lê Văn Đầy, đó chính là cơ hội được chơi bóng. Tất nhiên mọi thứ chỉ còn là câu: "Giá như...".
Bóng rổ ngày nay không còn như cách đây 4 năm. Hơn cả những vết thương trên người trọng tài, với khả năng truyền thông và mạng xã hội thời đại này, những cú đấm, cú đá của Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng đã được hàng trăm nghìn người khắp Việt Nam chứng kiến.
Một bộ phận chơi bóng rổ cổ súy cho hành động đó, đem sự ức chế làm lời ngụy biện, lấy khả năng của trọng tài làm câu khỏa lấp. Những người không chơi bóng rổ thì chỉ buông nhẹ một cái lắc đầu và cho rằng đây là bộ môn bạo lực.
Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng phải hiểu rằng hành động của mình đang được nhiều người dõi theo.
Nhiều cầu thủ, đặc biệt là dân không chuyên, luôn cho rằng đó chính là cách để thể hiện bản thân trong bóng rổ. Họ luôn là những cái đầu nóng, sẵn sàng lao vào bất kỳ ai mỗi khi bị phật ý, kể cả trọng tài lẫn đối thủ.
Với tư cách là cầu thủ chuyên nghiệp, những người đại diện cho bóng rổ của cả một khu vực, trước khi đòi hỏi được đối xử xứng đáng, họ phải hiểu rằng hành động của mình đang được nhiều người dõi theo.
Hệ quả của nó không chỉ dừng lại ở thương tích của nạn nhân mà còn kéo theo những điều khác không thể lường trước được.
Án phạt cũng đã đưa ra. Nếu như bằng một phép màu nào đó, Liên Đoàn Bóng rổ Việt Nam có thể giảm nhẹ án phạt, đó là điều may mắn cho Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng. Nếu không, hãy xem đó là lời cảnh tỉnh cho những cái đầu nóng trong bóng rổ. Hãy nghĩ đến việc sẽ phải từ bỏ đam mê như hai cầu thủ Cần Thơ trước khi mất kiểm soát, đánh mất bản thân.
Đừng để mọi việc chỉ còn là câu: "Giá như..."