Café 24h:Tính cách Việt!
Đầu tiên là clip về thái độ “cười lăn lộn” của nhiều cầu thủ Thái Lan khi tuyển Việt Nam phải nhận quả phạt penalty ở những giây cuối cùng. Nó như một đòn tâm lý chiến. Tất nhiên, Kiatisak vẫn thế, bình thản một cách khá lạ kỳ.
Clip thứ hai, đó là những pha “chém chân” rất quyết liệt của những cầu thủ Việt Nam ở trận đấu lượt đi.
Đó cũng là một đòn tâm lý chiến, có thể để các trọng tài chặt tay hơn.
Từ lâu, những trận đấu giữa Việt Nam- Thái Lan không chỉ đơn giản là bóng đá. Đôi khi nó còn được nâng tầm thành “tự trọng quốc gia” hay tính cách của con người ở mỗi quốc gia thông qua những trận đấu đó.
Tuy nhiên, điểm mà các chuyên gia đánh giá cao sự khác biệt, đó là người Thái rõ được lối chơi, lối đá đặc trưng. Còn bóng đá Việt thì không. Cho đến giờ, dưới thời Miura, thứ gọi là phong cách Việt gần như không có trong lối chơi của đội tuyển.
Nó giống như câu chuyện vẫn thấy trong kinh doanh và xuất khẩu. Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng lại không hề có thương hiệu gạo nổi bật, trong khi đó Campuchia, Myanmar họ tập trung vào chất lượng và thương hiệu nhiều hơn.
Nếu lối đá là “linh hồn” của một thương hiệu bóng đá thì bóng đá Việt chưa hề được chăm chút về thương hiệu. Cái thương hiệu ấy, cũng cần phải được vun đắp bằng năng suất, bằng thái độ của chính những cầu thủ được gọi vào đội tuyển.
Có môt chuyên gia Nhật Bản đã nhận xét khá hay: “Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn các nước khác có thể đến từ nhịp sống của người VN, họ sống một nhịp sống chậm, nhất là ở vùng nông thôn. Tôi thấy cuộc sống họ rất chậm rãi chứ không nhanh, không gấp như các nước công nghiệp. Do đó, từ thái độ đến cả mục tiêu, người công nhân Việt Nam đều khá bình thản, không bị cuốn vào guồng công việc bận rộn như ở Nhật. Khi tính toán năng suất lao động, các công nhân Việt Nam trong nhiều trường hợp còn giỏi hơn cả người Nhật. Họ tính rất nhanh trong vòng một giờ có thể làm được mấy sản phẩm, cần bao nhiêu thời gian để hoàn tất công việc được khoán. Tính toán đó nhanh và nhạy hơn người Nhật rất nhiều…”
Nó có một ý “người Việt…khôn lỏi”. Khôn lỏi ấy phát huy tốt ở từng cá nhân nhưng đôi khi là trở lực cho một tập thể cần gắn kết.
Nhìn trận đấu với Iraq tuần vừa rồi để nhìn trận gặp Thái Lan tới đây, các cầu thủ Việt cần hiểu, đó không chỉ là trận đấu để hướng đến chiến thắng mà hãy làm thế nào, để người ngoài thiện cảm và đánh giá cao về tính cách Việt thông qua bóng đá.
Đừng để họ vừa cười cợt, vừa coi thường chúng ta.
Song An