Adidas rút khỏi IAAF vì khủng hoảng doping
Theo BBC, Adidas sẽ chấm dứt hợp đồng với IAAF sớm 4 năm, một động thái như sát muối thêm vào nỗi đau của bộ môn Điền kinh vốn đang gặp nhiều khó khăn. Tuần trước, đại diện của Adidas đã thông báo với IAAF về quyết định này như một hệ quả tất yếu sau những scandal doping trong thời gian qua.
Adidas cho rằng hành động che đậy kết quả kiểm tra doping và tống tiền các VĐV của cựu chủ tịch IAAF Lord Coe đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận giữa hai bên.
Adidas cũng từ chối tuân theo các điều khoản chấm dứt hợp đồng nằm trong thảo thuận 11 năm với IAAF kí kết từ năm 2008. Nếu điều đó xảy ra, Liên đoàn sẽ mất đi nguồn thu lên tới hàng chục triệu bảng trong những năm tới.
Một điều đáng ngạc nhiên là Adidas vẫn tiếp tục tài trợ cho FIFA bất chấp hàng loạt vụ án tham nhũng bị phanh phui ở tổ chức này trong thời gian gần đây. Trong khi đó, sự gian dối của những người đứng đầu Liên đoàn Điền kinh trong công tác kiểm tra doping ở Olympic London 2012 bị coi là không thể tha thứ.
Giám đốc điều hành của Adidas đã viết thư thông báo cho IAAF vài ngày sau khi ban điều tra đặc biệt của Ủy ban chống doping Thế giới công bố bản báo cáo về những cách thức làm giả kết quả kiểm tra chất cấm ở Nga.
Cũng trong bản báo cáo, Coe đã thừa nhận góp phần tạo nên một “tổ chức sai trái”. Cựu chủ tịch IAAF thừa nhận ông đáng ra phải ngăn chặn vấn đề tham nhũng “đã ăn sâu vào gốc rễ” của tổ chức và xin lỗi vì những phản ứng “chậm chạp” trước cuộc khủng hoảng.
Ban điều tra buộc tội Coe “cố tình làm ngơ” trước tình trạng gian lận doping ở Nga và cấu kết với người tiền nhiệm, Lamine Diack, tạo nên một hệ thống điều hành quan liêu và phạm pháp bậc nhất trong lịch sử thể thao. Các công tố viên của Pháp còn thu giữ hàng trăm nghìn bảng tiền nhận hối lộ của các quan chức IAAF và đang tiến hành điều tra thêm vụ việc.
Mặc cho những việc làm sai trái của IAAF và ban lãnh đạo, Coe là người duy nhất hành động để giúp tổ chức thoát khỏi những tai tiếng. Các nhà điều tra ghi nhận IAAF dưới sự điều hành của Coe đã bỏ phiếu cấm Nga tham dự các giải đấu quốc tế, lần đầu tiên trong lịch sử cả một quốc gia bị trừng phạt vì những sai phạm doping ở cấp bang. Và nước Nga đang chạy đua với thời gian để gỡ bỏ lệnh cấm trước khi Olympics 2016 ở Rio diễn ra.
Trong trường hợp Adidas ra đi, Liên đoàn Điền kinh có thể sẽ chuyển qua nhà tài trợ khả dĩ nhất hiện nay là Nike, nhưng đó không phải là một quyết định sáng suốt.
Năm ngoái, Nike bị chỉ trích vì tài trợ cho VĐV từng dính hai án sử dụng chất kích thích Justin Gaitlin. Hãng thể thao Mỹ còn có mối quan hệ mất thiết với thành phố Eugene thuộc bang Oregon, nơi vừa gây tranh cãi khi được trao quyền tổ chức Giải Vô địch Điền kinh Thế giới 2021 mà không thông qua quá trình bỏ phiếu.