Chủ công bóng chuyền Từ Thanh Thuận: Khi “cầu thủ tự do” kêu cứu
Hoàn tất hợp đồng, phục vụ đủ 5 năm
Căn cứ vào luật lao động cùng quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền,người ta hoàn toàn không thấy CLB XSKT Vĩnh Long có bất cứ cơ sở nào để không giải quyết thanh lý hợp đồng với Thanh Thuận, và càng không thể đòi hỏi phí đền bù. Đơn giản vì anh đã hội đủ mọi yếu tố của một cầu thủ tự do, cả theo quy định chung lẫn quy định đặc thù thể thao.
Thứ nhất, hợp đồng ký kết giữa 2 bên đã kết thúc vào 31/12/2015 mà không có bất cứ điều khoản bổ sung hay ràng buộc nào.
Thứ hai, Thuận cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ thi đấu cho đội bóng đào tạo nên mình, theo khoản 2 điều 6 của bản quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền áp dụng từ 2011.
Trường hợp của Thanh Thuận thực sự đã quá rõ ràng. Nó khác hẳn với một số vụ tranh chấp đi/ở trước đó, điển hình Nguyễn Hữu Hà với Đức Long Gia Lai hay Nguyễn Văn Hạnh với Tràng An Ninh Bình. Cả 2 chủ công này đều bị “trói” bởi thời hạn hợp đồng vẫn còn hay các thỏa thuận riêng giữa 2 bên thể hiện trong hợp đồng. Đúng như khẳng định của Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN Lê Trí Trường, Thanh Thuận không còn là đối tượng của quy chế chuyển nhượng.
CLB không hiểu hay phớt lờ quy chế?
Đáng ra CLB XSKT Vĩnh Long có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thanh lý hợp đồng với Thuận theo đúng quy định, sau khi anh không đồng ý gia hạn. Bản thân Thuận đã thực hiện đầy đủ các thủ tục xin thanh lý, thậm chí còn nhiều lần phải viện dẫn cả lý và tình, mong lãnh đạo giải quyết sớm. Tuy nhiên, anh đã bị làm khó đủ điều một cách vô lý và cạn tình. Cực chẳng đã, Thuận phải viết đơn gửi Liên đoàn Bóng chuyền VN “kêu cứu”.
Theo cách giải thích của những người có trách nhiệm ở XSKT Vĩnh Long, có thể thấy hoặc họ đang cố tình không hiểu, hoặc phớt lờ quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền với các điều khoản rõ ràng, cụ thể. Hợp đồng lao động với Thuận đã chấm dứt, anh cũng đã phục vụ đội bóng đủ 5 năm, song CLB vẫn cho rằng đây là việc xin đơn phương ra đi và dứt khoát phải đền bù. CLB còn “hét” giá 1,8 tỷ đồng cho sự tự do của Thuận. Họ còn đẩy cả phần trách nhiệm lên Liên đoàn Bóng chuyền VN khi đề nghị tổ chức này giải thích một số điểm chưa rõ trong quy chế, và đưa ra quan điểm để CLB có hướng giải quyết.
Một trường hợp tưởng như không có gì phải bàn cãi lại trở nên phức tạp với nhiều hệ lụy, khi CLB cố tình không hiểu hay phớt lờ quy chế chuyển nhượng. Gốc rễ của nó xuất phát từ cách tiếp cận sai lệch của nhiều CLB, gắn với tình trạng chuyên nghiệp nửa vời của bóng chuyền Việt Nam, rõ nhất trong việc ký kết và thực thi hợp đồng với các cầu thủ.
Đến một chủ công hàng đầu quốc gia, hội đủ các yếu tố của một cầu thủ tự do như Từ Thanh Thuận còn rơi vào nghịch cảnh, đủ biết vì sao các vụ đi- ở của bóng chuyền Việt Nam lại luôn rơi vào bế tắc kéo dài. Trong đó, suy cho cùng, chính các cầu thủ là những người phải lãnh đủ hậu quả.
"Căn cứ vào hợp đồng của tôi ký với XSKT Vĩnh Long đã hết hạn 5 năm vào ngày 31/12/2015 và quy chế chuyển nhượng cầu thủ của bóng chuyền Việt Nam thì tôi ra đi là hoàn toàn hợp pháp. Tôi tin tưởng điều đó sẽ được Liên đoàn Bóng chuyền VN khẳng định. Tôi cũng đã tính đến phương án sẽ nhờ luật sư can thiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”. Chủ công Từ Thanh Thuận.
"Chúng tôi cần một lời xác nhận của Liên đoàn Bóng chuyền VN rằng Từ Thanh Thuận đã trở thành cầu thủ tự do sẽ vui vẻ giải quyết cho em đi ngay, chứ không giữ làm gì khi em một mực không còn muốn gắn bó”. PGĐ Sở VH-TT&DL Vĩnh Long ông Nguyễn Thanh An.
Mức 1,8 tỷ đồng được “hét” như thế nào
Dù Từ Thanh Thuận không còn là đối tượng của quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền song CLB XSKT Vĩnh Long đã đưa ra mức giá 1,8 tỷ đồng để anh được tự do ra đi, căn cứ vào chính bản quy chế, áp dụng trong trường hợp cầu thủ đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Mức bồi thường chi phí đào tạo cho CLB được tính theo chi phí đào tạo vận động viên và hệ số CLB mà vận động viên hiện đang thi đấu. Đối với cầu thủ là thành viên ĐTQG, mức bồi thường được cộng thêm 30% tổng chi phí đào tạo.
Chi phí đào tạo cầu thủ được tính chung bằng mức chi phí đào tạo trong một năm là 45.000.000đ (Bốn mươi năm triệu đồng) nhân với 5 năm đào tạo. Tổng chi phí đào tạo cầu thủ= 45.000.000đ x 5 năm đào tạo x hệ số câu lạc bộ mà cầu thủ hiện đang thi đấu. Do XSKT Vĩnh Long đang là CLB dự giải VĐQG (hệ số 6) và anh là thành viên của ĐTQG (cộng thêm 30%) nên giá của anh được “hét” 1,8 tỷ đồng.