Chuyện lạ bóng chuyền nữ Việt Nam: 16 năm vật vã không lối chơi
Đội tuyển năm một
Kể từ SEA Games 2001 lần đầu tiên đoạt tấm HCB, ĐTQG bóng chuyền nữ chưa bao giờ biết đến việc tập huấn dài hạn theo một chương trình thống nhất, cũng như có tuyến trẻ kế cận, ví như một lứa U.23. Chính xác, đây là “Đội tuyển năm một”, với kế hoạch và mục tiêu đúng nghĩa năm nào biết năm đấy. Đội hình, lối chơi gắn chặt với từng giải đấu trước mắt, xoay quanh 2 giải đấu: Giải nữ quốc tế VTV Cup và SEA Games.
Với SEA Games, qua 8 kỳ Đại hội, ĐTQG vẫn được coi là số 2 sau bóng đá nam đã tự “đóng khung” mình trong một đích nhắm muôn thuở: Bảo vệ ngôi Á quân.
Họ luôn cam phận đứng sau người Thái trong sự “tự kỷ ám thị” kiểu gì cũng thua. Cũng chính việc các đối thủ cạnh tranh vị trí thứ 2 như Philippines, Indonesia yếu hơn hẳn đã làm hại Việt Nam.
Giới chuyên môn vẫn ví von: Quá khó để đội lật đổ được Thái Lan, song việc tụt xuống thứ 3 thậm chí còn… khó hơn nhiều.
Trong khi đó, VTV Cup vẫn chỉ là một giải mời, với các vị khách thay đổi nhiều qua từng năm, mà mặt bằng trình độ chỉ ở mức vừa phải, đảm bảo chủ nhà có thể lọt vào chung kết, hay chí ít bán kết.
HLV thời vụ
Trong 16 năm, ĐTQG bóng chuyền nữ được dẫn dắt bởi 6 HLV (2 chuyên gia ngoại cùng 4 ông thầy nội). Dù chưa thể sánh với Thái Lan gần như chỉ dùng một ê-kíp song số lượng này có tính ổn định cao so với nhiều môn khác của TTVN. Tuy nhiên, với cách làm ăn đong, việc sử dụng HLV cũng chỉ hoàn toàn mang tính thời vụ.
Ngay cả các HLV kỳ cựu như Nguyễn Mạnh Hùng hay sau này Phạm Văn Long từng đảm trách một thời gian tương đối dài cũng năm nào biết năm ấy. Họ chỉ tập trung để làm sao hoàn thành các nhiệm vụ trong năm, qua các giải cụ thể, rồi sang năm… tính tiếp. Họ gần như không thể nghĩ đến việc xây dựng một đội hình và lối chơi lâu dài vì không ai yêu cầu và chính họ cũng không biết có gắn bó lâu dài với Đội tuyển hay không.
Cách chơi chung của ĐTVN đều nhợt nhạt và không bản sắc, chỉ được bù lại phần nào bằng tinh thần thi đấu, hay vai trò của một vài cá nhân, nổi bật như phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Riêng ở phương diện này, đội còn thua xa cả 2 CLB hàng đầu là Thông tin LienVietPostBank và Bình Điền Long An – 2 nơi cung cấp phần lớn tuyển thủ. Có lẽ, nếu ĐTQG chỉ cần chơi có đường nét rõ rệt như đội bóng ngành Quân đội thì tính hiệu quả và sự hấp dẫn người hâm mộ có lẽ đã rất khác.
Rất đáng buồn vì trên thực tế, một khi những người làm bóng chuyền quyết tâm và bền bỉ, ĐTQG đã tạo nên được một diện mạo tươi sáng hơn nhiều, với một lối chơi riêng ổn định. Bởi thực sự tuyển thủ Việt Nam các lứa đều chứng tỏ được điểm mạnh (dù chỉ đơn lẻ vài cá nhân) về sự thông minh, nhanh nhẹn và sáng tạo.
Trong đó, khả năng đánh nhanh với việc sở hữu rất nhiều phụ công tài năng chính là một điểm nhấn, được đánh giá không hề thua kém người Thái. Riêng bộ đôi Kim Huệ – Ngọc Hoa nhiều năm là cặp phụ công hay nhất ĐNÁ. Chỉ có điều, không ai quan tâm để vừa tận dụng tối đa cặp đôi hoàn hảo này, cũng như từ đó phát triển thành “đặc sản” của lối chơi chung.
Vấn đề của một ĐTQG không lối chơi suốt 16 năm qua không nằm ở các tuyển thủ hay HLV mà suy cho cùng gốc rễ của nó chính là tư duy thời vụ của Bộ môn bóng chuyền (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.
Sỹ Minh
Các nhà quản lý huấn luyện đang phải tính đến phương án hậu Ngọc Hoa khi phụ công tài năng 28 tuổi này bày tỏ ý định xin nghỉ để tập trung cho gia đình. Đây là một bài toán rất khó – nếu không nói là gần như không giải được – với cách làm và mặt bằng chung lực lượng hiện tại ở ĐTQG nữ. Suốt từ năm 2007, bóng chuyền nữ Việt Nam đã luôn phụ thuộc vào ngôi sao từng vô địch ở 2 giải VĐQG, được đánh giá là một nửa sức mạnh và luôn có khả năng tạo nên khác biệt, đặc biệt trong những thời điểm quyết định ở những giải đấu lớn.
Ngay trước thềm SEA Games 28, vì nhiều lý do khác nhau, cả ĐTQG bóng chuyền nam – nữ đã phải thay HLV trưởng. Với môn khác, điều đó có thể rất nghiêm trọng song riêng với bóng chuyền lại không mấy ảnh hường vì cơ bản ai làm cũng vậy, nhất là đội nữ chỉ phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ tấm HCB không khó so với mặt bằng SEA Games. Trên thực tế, đội nữ đã chơi trầy trật trên đất Singapore song vẫn lần thứ 8 liên tiếp giành HCB khi đối thủ chính Indonesia dù rất tiến bộ vẫn chưa thể bằng. Rất bi hài vì SEA Games vừa kết thúc, HLV Nguyễn Mạnh Hùng đã xin rút sau khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “giải cứu”. Tới đây sau VTV Cup, đến lượt HLV đội nữ Thái Thanh Tùng cũng nói lời chia tay.