Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao Việt Nam: Bao giờ "tỉnh giấc"?
Chiều qua 21-12 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề: "Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic".
Với nhiều nhà quản lý, người làm công tác quản lý chuyên môn thể thao trên khắp đất nước, đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm kể từ Hội nghị khoa học quốc tế "Phát triển TDTT Việt Nam - Tầm nhìn Olympic" diễn ra cuối năm 2012, mới lại đúng nghĩa có một hội nghị "đậm chất thể thao" để những nhà quản lý, người làm công tác chuyên môn bày tỏ ý kiến, quan điểm cũng như đóng góp những ý tưởng với hy vọng giúp ích cho sự phát triển của thể thao nước nhà, đặc biệt là thể thao thành tích cao.
Trong hơn 3 tiếng diễn ra Hội nghị lần này, với 5 ý kiến được trình bày trực tiếp từ các chuyên gia, nhà quản lý đã phần nào phản ánh thực trạng của Thể thao thành tích cao hiện tại, cũng như mang đến những quan điểm, ý kiến đóng góp, xây dựng, với mong muốn giúp cho thể thao nước nhà bứt phá trong giai đoạn mới.
Trong bản tài liệu cung cấp cho Hội nghị đã đưa ra số liệu thể hiện thực trạng kinh phí dành cho Thể thao thành tích cao (TTTTC) trong 2 năm qua. Cụ thể, năm 2022 con số ngân sách dành cho TTTTC là 686,4 tỷ đồng và năm nay 2023 là 710,6 tỷ.
Hiện tại, theo tổng hợp số liệu từ 4 Trung tâm tập huấn thể thao quốc gia thì đang có hơn 2.200 VĐV, trong đó có 1.260 VĐV cấp độ đội tuyển và 960 VĐV thuộc đội tuyển trẻ đang được tập trung.
Dù vậy, theo báo cáo, nguồn lực về tài năng VĐV trẻ chưa nhiều, đặc biệt ở một số môn mũi nhọn còn hạn chế. Tất nhiên, điều này ảnh hưởng rõ rệt tới số lượng VĐV cấp độ ĐTQG được đánh giá là "trọng điểm đầu tư" cho các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic. Không chỉ thiếu và yếu từ nguồn VĐV, nguồn HLV nội đạt trình độ đẳng cấp khu vực châu lục chứ chưa nói tới Olympic cũng đang rất hạn chế.
Bên cạnh đó, việc thuê chuyên gia ngoại, tính toán được cho là "chấp nhận được" với số lượng từ 20-25 chuyên gia hằng năm cho các đội tuyển với mức lương tương xứng trình độ đẳng cấp vào khoảng 8-10 nghìn hoặc thậm chí 15 nghìn đô la/tháng. Tuy nhiên, thực tế hiện tại mức lương trung bình của hầu hết các chuyên gia ngoại đang làm việc ở nhiều ĐTQG chỉ vào 3-4 nghìn đô la/tháng. Đương nhiên, câu chuyện "tiền nào của ấy" là khó tránh khỏi.
Và việc tập huấn dài hạn ở nước ngoài cũng như thi đấu nhiều nhất có thể các giải đấu khu vực, châu lục và quốc tế cũng còn rất nhiều hạn chế. Ngay như ở môn Bắn súng, bộ môn mới giành HCV ASIAD và đến thời điểm này là môn Olympic có đủ bộ huy chương cao quý nhất thì chi phí cho tập huấn và thi đấu quốc tế hằng năm cũng chỉ là khoảng hơn 3,3 tỷ đồng (hơn 150 nghìn đô la), trong khi con số được tính toán là cần thiết vào khoảng gấp... 4 lần như thế.
Những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong đường lối chính sách và thực tế triển khai là điều dễ nhận thấy, nhưng cũng ở Hội nghị lần này "điểm sáng" đó là Bộ VHTTDL và đặc biệt là Cục TDTT đã phần nào quy hoạch rõ mục tiêu tôn chỉ nhắm tới đó là tập trung cho đấu trường ASIAD và Olympic đúng như khẩu hiệu.
Cụ thể, mục tiêu trước mắt của TTVN đó là: Giành 12-15 suất tham dự chính thức Olympic Paris 2024 ( thực tế, hiện mới có bắn súng, xe đạp, bơi mỗi bộ môn có 1 VĐV có vé). Với ASIAD 2026 ở Nhật Bản, đích nhắm sẽ là giành từ 5-6 HCV.
Còn với đầu trường SEA Games trong 3 kỳ đại hội tới, các năm 2025 - 2027- 2029, mục tiêu của TTVN là top 3 tổng sắp huy chương, nhưng chắc chắn chúng ta phải đứng trong top 2 nhóm môn Olympic và coi sân chơi này như bàn đạp để các VĐV trong nhóm trọng điểm, ưu tú, tranh chấp huy chương ASIAD hay Olympic thể hiện xuyên suốt thành tích thi đấu như chỉ tiêu đề ra
Rõ ràng, việc chuyển hướng tập trung trọng điểm sang đấu trường ASIAD hay Olympic không phải câu chuyện mới. Nhưng giờ là lúc TTVN phải cụ thể hóa nhiệm vụ đó bằng hành động.
Chiến lược "Đi tắt đón đầu" từng giúp TTVN hội nhập và vươn lên dẫn đầu SEA Games thì hiện tại, theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn TTVN ở nhiều đại hội lớn từ khu vực ra thế giới, "cần phải mạnh dạn thay đổi để từ đó tính toán chiến lược căn cơ, hiện đại, phù hợp với các mục tiêu mới mà cụ thể là đấu trường châu lục, thế giới và đỉnh cao là Olympic".
Được biết, tại Hội nghị lần này, cùng với khẩu hiệu "Nâng tầm ASIAD, khát vọng Olympic", 9 môn thi đấu với một số nội dung trọng điểm kỳ vọng tranh chấp HCV Á vận hội và huy chương Olympic được chỉ ra đó là: Cử tạ, bắn súng, điền kinh, bơi, TDDC, xe đạp, đua thuyền, bắn cung và cầu lông. Bên cạnh đó là một số hạng cân nhỏ ở các môn võ như taekwondo, boxing, karate, vật...
Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho TTTTC giai đoạn 2024-2026 sẽ là từ 800-850 tỷ đồng, tức cao gấp 1,5 lần mức chi cho năm nay. Và đến giai đoạn 2027-2030 chi phí sẽ là 850-900 tỷ đồng. Nguồn kinh phí trên sẽ huy động từ các nguồn trung ương, địa phương và đặc biệt là xã hội hóa.
Vươn cao hơn nữa ở đấu trường ASIAD và hiện thực hóa giấc mơ giành thêm những tấm huy chương Olympic, điều này không thể đầu tư dàn trải ở nhiều môn mà sẽ chỉ dồn nguồn lực ở một số môn trọng điểm, thậm chí trong từng môn trọng điểm phải lưa ra các nội dung trọng tâm, VĐV ưu tú nhất để đầu tư.
Đó là bài toán rộng và sâu, đòi hỏi những nhà quản lý cấp cao nhất, những người làm chuyên môn thể thao phải tính toán chi tiết, hiệu quả không chỉ cho mục tiêu trước mắt mà là cả chu trình 5-10 hay 20 năm hoặc lâu hơn thế. Nhưng ít nhất, ngay từ bây giờ, nếu xác định rõ "quy hoạch định hướng" cho TTVN là đấu trường ASIAD và Olympic, ít nhất những người làm công tác chuyên môn cũng thấy rõ con đường đi phía trước, dù chắc chắn rất khó khăn.