Jamaica không chỉ có điền kinh và Usain Bolt
Số 7 của Anh
Reiss Beckford đúng là một trong những người kém may mắn. Tập thể dục dụng cụ từ khi lên 6 tuổi, anh đã lớn lên cùng với ước mơ Olympic. Giống như người bạn và đồng đội nổi tiếng tại CLB thể dục dụng cụ South Essex là Max Whitlock, Beckford đã dành hết những năm tháng của tuổi teen để theo đuổi mục tiêu được thi đấu ở London 2012. Đó là quãng thời gian anh tập luyện không biết mệt nghỉ trong phòng gym, treo mình trên vòng treo cho đến khi bàn tay chai lại và giã xà cho tới lúc bắp tay đen lại vì thâm tím.
Thế nhưng, đời đúng là trớ trêu. Giấc mơ của Beckford không biến thành sự thật. London 2012 đến và trong khi Whitlock có mặt ở đó, anh có cũng như không. Anh chỉ có tên trong danh sách dự bị, hay số 7, và hệt như những giải vô địch trước đó.
Beckford phải ngồi xem Olympic 2012 từ trên khán đài và chẳng còn gì thất vọng hơn cho anh khi chứng kiến các đồng đội trở thành những người hùng -Vương quốc Anh giành 4 huy chương - còn cơ hội có một không hai trong đời của mình biến mất cùng với đám bụi phấn dành để xoa tay.
"Mọi chuyện ổn rồi," Beckford nói với vẻ cứng cỏi. "Thể thao là vậy. Tôi ngồi trong nhà thi đấu cổ vũ họ hàng ngày, xem họ biểu diễn không chỉ vì họ là đồng đội mà còn là bạn của tôi. Tôi tự hào về họ và hạnh phúc khi thấy họ làm rất tốt. Điều đó cũng giúp tôi có thêm chút động lực".
Thực tế thì chút động lực đó ngày càng cháy bỏng hơn bao giờ hết khi Beckford chuẩn bị tham dự giải vô địch thế giới 2015 trong tuần này. Tuy nhiên, thay vì thi đấu bên cạnh Whitlock trong bộ đồng phục Vương quốc Anh, anh sẽ là đối thủ của người bạn thân và trong bộ đồng phục vàng, xanh lục thường chỉ thấy ở các VĐV điền kinh Jamaica.
Đổi sắc áo, màu cờ
Câu chuyện không tưởng của Beckford bắt đầu sau một cuộc gặp không hẹn trước hồi năm ngoái. "Một phụ nữ tên là Marlene đã gặp tôi. Bà ấy là HLV của đội tuyển thể dục dụng cụ Jamaica và hỏi tôi có thi đấu cho Jamaica không", Beckford giải thích. Và cơ hội cho anh là ông bà bên đằng nhà nội đều là người Jamaica và họ nhập cư vào Anh trong những năm 1950.
Vào thời điểm bà Marlene gặp Beckford, sự nghiệp của anh đang ở ngã ba đường. Mặc dù có được thành công ở Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung năm 2010 khi anh 18 tuổi, với 3 HCB, Beckford có lẽ cũng cảm nhận rằng, rất khó để anh chen chân vào đội tuyển Vương quốc Anh chừng nào vẫn còn Whitlock và Louis Smith.
Tuy vậy, sau khi đã đứng trên bục trao huy chương, anh không muốn mình chỉ đóng vai trò dự bị nữa.
"Lúc đầu, tôi không nghĩ nhiều về đề nghị đó", Beckford thừa nhận. "Khi tôi còn trẻ, ông tôi luôn trêu đùa về việc tôi thi đấu cho Jamaica nhưng vào thời điểm đấy là không thể. Còn bây giờ, tôi biết được rằng họ đã thành lập liên đoàn thể dục dụng cụ. Tôi thấy mình có cơ hội thi đấu cho Jamaica và tham dự Olympic Rio, vì thế tôi đã nhận lời".
Đúng là một câu chuyện không tưởng. Đành rằng Jamaica nổi tiếng nhờ những VĐV chạy nước rút và họ cũng đã có VĐV cầu lông hay bobsleigh tham dự Olympic nhưng một VĐV thể dục dụng cụ thì chưa bao giờ. Và Beckford muốn thay đổi nhận thức này.
"Điền kinh thực sự nổi tiếng ở Jamaica nhưng sẽ thật tuyệt vời nếu cho bọn trẻ thấy rằng vẫn có những môn thể thao khác dành cho chúng", Beckford nói.
Đường gian nan
Vậy nhưng, đường đến Rio 2016 không bằng phẳng như Beckford suy nghĩ. Tại giải vô địch thế giới 2015, Jamaica không có đội tuyển thể dục dụng cụ nam và cũng rất khó để anh giành huy chương ở các nội dung cá nhân. Điều này cũng đồng nghĩa Beckford phải trông chờ vào các giải kiểm tra, vòng loại khu vực hay thậm chí là vé mời nếu muốn có mặt tại Olympic.
Bên cạnh đó, để biến ước mơ Olympic thành hiện thực, anh cũng cần phải từ bỏ mọi quyền lợi về tài chính mà anh từng có khi còn khoác áo Vương quốc Anh. Nghĩa là sẽ không có ngân sách hỗ trợ và anh sẽ tự chịu chi phí di chuyển, thuê khách sạn. “Mọi chuyện giờ vất vả hơn”, Beckford thừa nhận. “Khi anh ở nước như Anh, những gì anh phải làm là tập trung vào luyện tập và thi đấu. Còn bây giờ, đến những việc nhỏ nhất anh cũng cần đụng tay vào như tìm khách sạn và đặt vé máy bay".
Nhìn chung, cuộc sống của một VĐV không tài trợ ở bất cứ môn thể thao nào cũng khó khăn và Beckford chẳng còn lựa chọn nào khác là tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ mạng xã hội với hy vọng trở thành VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên của Jamaica tham dự Olympic. Kế hoạch ban đầu của anh là cần khoảng 5.000 bảng và con số này sẽ giúp anh trang trải chi phí di chuyển, thuê khách sạn trong những giải sắp tới.
Trước mắt, Beckford sẽ tham dự cả 6 nội dung ở Glasgow như xà đơn, xà kép, xà lệch, cầu thăng bằng, nhảy cầu, nhảy ngựa, vòng treo… Và sau nỗi thất vọng ở London 2012, anh tin rằng hành trình đã bắt đầu với sự giúp đỡ của gốc gác gia đình có thể kết thúc bằng ước mơ mà anh theo đuổi bao lâu nay: Một suất tham dự Olympic tại Rio.
"Đó sẽ là một điều tuyệt vời", Beckford nói. "Tôi đã mơ ước được thi đấu ở Olympic từ khi tôi mới 6 tuổi. Tôi đoán Usain Bolt sẽ là người cầm cờ cho Jamaica và được đi sau anh ấy ở lễ khai mạc không còn gì hạnh phúc hơn thế. Tôi muốn cho tất cả thấy rõ khả năng của tôi và tôi không còn là một số 7 nữa".
Trên tất cả, khi Beckford xoa phấn vào tay và bước ra sàn gỗ, anh không chỉ nỗ lực hoàn thành ước mơ của mình, anh còn phải trở thành nguồn cảm hứng mới cho thể thao Jamaica.
"Ông bà tôi không còn nữa", Beckford nói. "Nhưng nếu họ có ở đây, tôi nghĩ họ sẽ rất tự hào".
Ngoài Reiss Beckford, thể dục dụng cụ còn hai VĐV nữ là Danusia Francis và Toni-Ann Williams. Francis cũng là VĐV dự bị của Anh, trước khi cô đổi quốc tịch vào đầu năm nay. Trong khi đó, Williams mang hai quốc tịch Mỹ và Jamaica. Trang GoFundMe đã được lập ra để quyên tiền ủng hộ Beckford, Francis và Williams, với số tiền ước tính là 20.000 USD, nhưng xem ra mục tiêu này là không dễ thực hiện.