Quang Liêm, Trường Sơn thông minh cỡ nào?
Siêu kỳ thủ Quang Liêm từng ngớ người ra khi được nhiều bạn trẻ hỏi về chỉ số thông minh (IQ) của mình. Dù mọi người luôn cho rằng, dân Cờ thuộc diện thông minh nhất, song những người trong cuộc lại không mấy quan tâm về việc này.
“Mù tịt” về IQ của bản thân
Hai năm sau khi được đặt câu hỏi và đề nghị kiểm tra để làm mẫu tham khảo, đến giờ nhà VĐTG Cờ chớp Quang Liêm vẫn chưa biết chỉ số IQ của mình là bao nhiêu. Một phần do điều kiện, song chủ yếu bởi anh thấy nó không cần thiết. Cũng giống Quang Liêm, tất cả các tuyển thủ hàng đầu ở môn thể thao trí tuệ này cũng “mù tịt” về IQ của bản thân. Chính xác hơn, họ không quá quan tâm đến chuyện mình thông minh hay không, ở mức nào, chứ chưa nói đến chỉ số.
Điều này rất khác với quốc tế khi không chỉ chính các kỳ thủ mà các nhà quản lý huấn luyện cũng nắm bắt rất kỹ lưỡng để áp dụng vào việc tuyển chọn, đào tạo, thậm chí xây dựng lối chơi cho phù hợp. Tất nhiên, IQ cũng chỉ là một phần nhỏ đối với sự phát triển của các kỳ thủ vốn siêu đặc thù, song rõ ràng nó có tác dụng. Không phải ngẫu nhiên, trên thế giới có rất nhiều công trình nghiên cứu về “bộ óc” của các huyền thoại cờ đương đại như Garry Kasparov, Anatoly Karpov hay Magnus Carlsen.
Các Đại KTQT Việt Nam đều…không quá đặc biệt
Như cảm nhận từ Quang Liêm, chỉ số IQ của anh có thể cũng vào loại khá song chắc chắn không vượt trội so mặt bằng chung của giới trẻ Việt Nam cùng trang lứa. Nếu có đặc điểm coi như đòi hỏi tiên quyết để thành công trong nghiệp Cờ, với anh, là việc phải sở hữu trí nhớ cực tốt. Tuy nhiên, theo Quang Liêm, bí quyết quan trọng nhất vẫn luôn nằm ở khát vọng lớn, ý chí cao và khả năng khổ luyện tới cùng.
Và xét trên các thuộc tính của IQ, các Đại KTQT của cờ Vua Việt Nam; từ Thiên Hải, Anh Dũng, Quang Liêm (nam) đến Thanh An, Bảo Trâm, Thanh Trang (nữ) đều không có gì quá đặc biệt. Bí quyết mà Quang Liêm đúc kết cũng gần công thức cho tất cả.
Tuy nhiên, trong số này có Trường Sơn tương đối khác biệt, với sự thông minh “vốn sẵn tính trời” được phát lộ sớm và rõ ràng. Cách ví von anh là một “thần đồng” xuất phát từ các chuyên gia quốc tế khi chứng kiến VĐV nhí này có những nước cờ xuất thần, gắn với khả năng ứng phó vô cùng sáng tạo, linh hoạt tại giải trẻ thế giới năm 2000 – cuộc đấu Trường Sơn giành HCV lứa tuổi U.10. Hơn chục năm sau, làng Cờ mới chứng kiến một VĐV nhí có được bước xuất phát ngoạn mục như Trường Sơn. Đó là Anh Khôi – gương mặt 2 lần đăng quang trẻ thế giới ở 2 lứa tuổi khác nhau.
Rất đáng tiếc vì Trường Sơn đã không có đủ các điều kiện cần thiết khác để phát huy tối đa, cũng như kiểm chứng “tố chất” của mình. Trên thực tế, sức vươn của Trường Sơn sau đó thua hẳn hầu hết các đối thủ anh từng đánh bại thuyết phục ở các lứa tuổi trẻ. Trường Sơn trầy trật ở nhóm trên dưới 100 kỳ thủ hàng đầu thế giới. Còn hiện tại, Trường Sơn cũng tụt lại hẳn so với người đồng đội Quang Liêm – người mà dù không nổi trội về tố chất vẫn vươn tới thế giới.
Quang Liêm, Trường Sơn đều không biết và quan tâm gì đến IQ song đông đảo bạn trẻ lại luôn rất muốn biết về chỉ số mang tính quốc tế này của các hảo thủ cờ Vua Việt Nam. Chắc hẳn sẽ có hàng loạt điều thú vị có giá trị tham khảo không chỉ ở lĩnh vực thể thao, khi chỉ số IQ của họ được kiểm tra và công bố.
Hà Thảo