Khó tin: SEA Games có cả môn “đánh nhau đường phố”
Những môn thể thao độc và lạ
Tại SEA Games 2011, nước chủ nhà Indonesia còn tổ chức cả môn đánh bài bridge, dụng cụ thi đấu là bộ bài Tây với 9 nội dung thi đấu. Đó mới chỉ là một trong số hàng chục môn thi đấu lạ mà các nước đăng cai đưa vào SEA Games từ võ gậy, lặn, đá cầu… Thế nên nhiều người đã nói vui là đến khi SEA Games trở lại Việt Nam rất có thể những môn như tá lả, tổ tôm … cũng trở thành môn thể thao và được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games.
Trong danh sách các môn thi của SEA Games thậm chí từng có cả môn “đánh nhau đường phố”. Môn có tên rất lạ vốn được ông Haji Achmad Drajat, người Indonesia phát triển từ kinh nghiệm đánh nhau ngoài đường của mình tại Bandung nên được gọi vui là môn “đánh nhau đường phố”. Môn kick-box của Indonesia này có sự phát triển khá hạn chế, chưa phải là môn võ lâu đời, thường chỉ được dùng tập luyện trong quân đội nhưng đến SEA Games trên đất Indonesia cũng được đem ra thi thố cùng bạn bè khu vực.
“Nuôi để… thịt”
Cứ trước mỗi kỳ SEA Games, lại thấy hàng chục môn mới xuất hiện và nước chủ nhà lại phải nhọc công tốn tiền để hỗ trợ các nước. Đây chính là một kiểu “nuôi để… thịt” chỉ có ở “hội làng” SEA Games.
Thực tế Việt Nam đã phải nhiều lần đối mặt với bài toán “đi tắt đón đầu” đối với những môn thể thao lạ đời, quá độc như thế. Đơn cử Việt Nam từng tập luyện cấp tốc môn võ gậy (Philippines), muay (Thái Lan) và ngay lập tức đã giành được HCV. Nhưng hầu hết những môn mới này đều là những môn có tính phổ biến rất thấp và có thể chỉ xuất hiện ở một kỳ SEA Games rồi lại biến mất nên khi cân nhắc bài toán đầu tư, ngành đã chấp nhận bỏ qua.
Sự lựa chọn duy nhất
Một số người có trách nhiệm của ngành thể thao cho rằng đã không có sự công bằng khi mà nhiều người lấy những mục tiêu tầm cao, cụ thể là ASIAD hay Olympic, để triệt tiêu SEA Games, trong khi giữa những đấu trường này có mối quan hệ tương hỗ và liên tục.
Điều cần phải khẳng định ngay ở đây là không ai có ý định triệt tiêu SEA Games mà chỉ đòi hỏi TTVN phải có sự điều chỉnh lại về cách tiếp cận lại đấu trường này cho phù hợp, hiệu quả giống như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã và đang thực hiện mạnh mẽ. Việc dự tranh SEA Games vẫn cần thiết với mục tiêu hội nhập sâu rộng hơn vào ĐNÁ nhưng không thể mãi coi đó là tiêu chí, thước đo tối thượng để rồi đặt cả nền thể thao đầy tiềm năng và khả năng phát triển vào "hội làng" vui là chính như vậy.
Vui là một chuyện nhưng đằng sau đó là sự nhìn nhận và đầu tư ngày càng tăng cho thể thao của nhà nước, sự chờ đợi và đòi hỏi tăng nhanh của người dân. Đã đến lúc không thể đưa SEA Games ra để so sánh mà TTVN sẽ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: Phát triển thực chất. Như thế, đương nhiên phải lấy mục tiêu và trình độ châu Á, các môn cơ bản- đại chúng làm đích cao nhất để phấn đấu.
Mặt khác sự vươn lên tầm châu lục, tấn công vào Olympic, cũng không thể hiểu một cách máy móc là phải hy sinh hay bỏ qua SEA Games.
"Cũng không ở đâu mà chuyện tùy tiện thay đổi Điều lệ, xử ép rồi cả hiện tượng dàn xếp, cân đối huy chương đã xảy ra “như cơm bữa” giống như ở SEA Games. Thậm chí, tiêu cực lộ liễu với chứng cứ rõ ràng chứ không chỉ là nghi vấn hay những phản ứng. Đến như "đại gia" Thái Lan tại kỳ SEA Games 24 trên đất mình còn có trường hợp chủ động và ngang nhiên đề nghị vật Việt Nam nhường lại cho một tấm HCV ở hạng 74kg nam. Khi không được đồng ý, họ đã quyết tâm "cướp" ngay trên thảm đấu mà sau đó ông Tổng trọng tài đã phải xin lỗi đoàn TTVN cùng đô vật Lê Duy Hợi với phân trần "không thể làm khác, vì Thái Lan đã quyết như thế".
Trong nhiều lần dự tranh SEA Games, chính nhiều quan chức của ngành thể thao nước nhà đã than thở về chuyện "SEA Games như một giải đấu cấp quận, huyện" rồi "luật SEA Games đã được sử dụng tùy tiện, sau mỗi lần lại thay đổi, rốt cuộc tốt thành xấu, đúng thành sai".