Tiếp bài “Thực trạng bi đát của bóng rổ Việt Nam”: Những “cái nôi” bị bức tử

thứ năm 1-10-2015 14:56:30 +07:00 0 bình luận
Chỉ 6 năm gần đây, có tới hàng chục đội bóng từng dự giải VĐQG bị giải tán, trong đó có cả những “cái nôi” ngự trị trên đỉnh cao như Hà Nội hay Yên Bái.

7 lần VĐQG cũng ra đi

Việc giải VĐQG 2015 có đúng 7 đội nam và 5 đội nữ dự tranh đủ khiến nhiều người sốc. Thế nhưng, đây cũng đã là một số lượng khá hơn rất nhiều so với “truyền thống” 4-5 đội nam, 3-4 đội nữ, và liên tục thay đổi của nhiều mùa trước.

Chỉ tính từ năm 2009, có tới hàng chục đội từng dự cuộc đấu quốc nội này bị giải tán, bắt đầu từ nữ Hà Nội và gần đây nhất là nam Joton TP.HCM. Càng bi kịch bởi nó còn xảy ra với cả những “cái nôi” hàng đầu như Hà Nội hay Yên Bái theo cách đúng nghĩa bị… bức tử.

Đội nữ Hà Nội, mang tên Hàng không Việt Nam, từng nổi lên như một mẫu hình xã hội hóa thành công đặc biệt, với kỳ tích 7 lần vô địch quốc gia (VĐQG). Có một thời, giới chuyên môn luôn phải đặt ra câu hỏi bao giờ mới có một đối thủ đủ sức chơi ngang ngửa với đội bóng Thủ đô.


Giải VĐQG nhiều năm nay thiếu vắng 2 “cái nôi” của làng bóng rổ nữ: Hà Nội và Yên Bái.

Tuy nhiên, từ năm 2006, nhà Quán quân tuyệt đối bỗng dưng biến mất tại các giải đấu. Họ bị nhà tài trợ trả về cho ngành thể thao, và đơn vị chủ quản cũ cũng bỏ mặc. Sau một vài năm, BHL cố gắng duy trì trong cảnh không tập huấn thi đấu chẳng đào tạo, “cái nôi” đầu tiên đã chính thức bị khai tử vào năm 2009.

Đến năm 2011, làng bóng rổ lại phải nhận tin dữ khi nữ Yên Bái – một “cái nôi” khác, cũng 7 lần đoạt ngôi đầu – lặng lẽ rút lui khỏi các giải đấu. Đội bóng thành lập từ năm 1989, niềm tự hào cho khả năng vượt khó của thể thao của một tỉnh miền núi này, đã bị đánh đổi không thương tiếc. Một phần vì bài toán kinh phí, một phần bởi phải nhường sự ưu tiên cho… bóng ném. Sau đó, BHL và một số cầu thủ trụ cột phải chuyển sang môn bóng ném của tỉnh nhà.

Cái sân bê tông & Cảnh sống vật vờ

Theo tính toán, để đảm bảo hoạt động bình thường cho một đội bóng rổ trong điều kiện tối thiểu theo chuẩn Việt Nam phải đảm bảo cỡ 1 tỷ đồng/năm. Dù vậy, ngoại trừ nam Saigon Heat và 2 đội nam/nữ của TP.HCM, các đội khác đều chưa đạt một nửa mức này, thậm chí một số đội chỉ huy động được 200-300 triệu đồng.

Nhiều CLB dự giải VĐQG đang tồn tại vật vờ, điển hình như đội nữ Quảng Ninh. Đây thực sự là đội bóng nghèo và khổ nhất của bóng rổ Việt Nam khi mỗi năm chỉ có khoảng 200 triệu đồng từ nguồn bao cấp nhỏ giọt, không có tài trợ và đội hình gần như chỉ có tuyến 1. Nếu giải VĐQG tổ chức ở các địa phương phía Bắc có thể đỡ phần nào còn nếu phải đi xa, thầy trò đội bóng đất Mỏ lãnh đủ.

Chưa kể, bao năm nay đội không hề có sân riêng, phải thường xuyên tập luyện ở sân bê tông ngoài trời. Mùa hè trời nóng như đổ lửa, trong khi mùa đông sân lại quá cứng khiến các cầu thủ luôn phải đối mặt với nguy cơ chấn thương. Biết rõ thảm cảnh của mình song các thành viên vẫn phải tự bảo nhau “cắn răng” tập luyện, thi đấu bởi đội có thể bị giải tán bất cứ lúc nào để nhường chỗ cho các môn cá nhân cần ít tiền đầu tư hơn song lại dễ gặt hái thành tích hơn.

Chính sự thiếu quan tâm đầu tư với một định hướng rõ ràng từ ngành thể thao, cùng khả năng cầm trịch yếu kém của Bộ môn (thuộc Tổng cục TDTT) và Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam trong một thời gian dài đã khiến các địa phương ngày càng chán và nản với môn Olympic này.

Đúng là khó có địa phương nào có thể quyết tâm đầu tư cho một môn thể thao mà ĐTQG 11 năm không tập trung, một giải VĐQG èo uột và không có khán giả (!).

Sỹ Minh

Khác với bóng đá và bóng chuyền, giải VĐQG bóng rổ từ lâu đã không có đội phải xuống hạng vì có quá ít đội tham dự, và liên tục có đội bị giải tán. Bóng rổ Việt Nam từng bi đát tới mức phải mời cả một đội trình độ nghiệp dư vào đấu giải VĐQG mà không tính điểm. Chuyện bi hài này xảy ra năm 2009 khi vào giờ chót chỉ còn 3 đội nữ (TP.HCM, Yên Bái, Sóc Trăng). BTC đã phải tha thiết mời Phú Thọ – đội bóng mới được gây dựng vừa đấu Hội khỏe Phù Đổng 2008 – dự giải, đồng thời năn nỉ 3 đội còn lại chấp nhận. Kỳ lạ hơn, Phú Thọ vẫn đấu như thường nhưng không được tính thành tích. Khi đó, ngay cả những người trong cuộc cũng phải ngao ngán vì việc làm này không khác gì đưa một học sinh chưa tốt nghiệp PTTH vào thẳng Đại học, và biến giải đấu quốc nội thành một “cái chợ”.

Hiện tại, chỉ duy nhất TP.HCM đang có sự nhìn nhận, đầu tư thích đáng cho môn bóng rổ khi có cả 2 đội bóng nam/nữ với đầy đủ 3 tuyến (tuyến 1, tuyến trẻ và tuyến năng khiếu). Trong làng bóng rổ Việt, nhiều năm qua chỉ có các cầu thủ Sài thành được xuất ngoại tập huấn, thi đấu. Thậm chí, TP.HCM còn sẵn sàng chi tiền để đại diện cho Việt Nam dự tranh SEA Games. Nhờ thế, TP.HCM đang độc chiếm ngôi VĐQG cả nam và nữ. Đây cũng là địa phương duy nhất có Liên đoàn bóng rổ và tổ chức giải đấu cấp tỉnh/thành.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội