UFC (Kỳ cuối): Võ Trung Hoa không xuất ra cao thủ!

thứ bảy 21-11-2015 22:05:42 +07:00 0 bình luận
“Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm” chỉ là một trong những bằng chứng khẳng định ảnh hưởng lớn lao của võ thuật Trung Hoa, nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà tới nay, nhà lồng UFC vẫn thiếu vắng các cao thủ Trung Quốc.

Nhật và Hàn đang bứt qua Trung Quốc

Phải thừa nhận rằng võ Trung Hoa không chỉ tồn tại trong tiểu thuyết của Kim Dung, phim hài của Thành Long, phim võ thuật của Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt hoặc phim cổ trang của Chân Tử Đan. Bởi với hơn 5.000 năm lịch sử cùng hàng tỷ người Hoa di dân khắp thế giới, võ thuật Trung Hoa đã tạo dấu ấn nhất định trong lịch sử phát triển võ thuật, đặc biệt là những nước láng giềng hoặc trong khu vực Đông Á. Nhưng trong lịch sử cận đại, võ thuật Trung Hoa xem ra đang đánh mất tầm ảnh hưởng vốn có trước xu thế toàn cầu hóa.

Bằng chứng là ngay từ thập niên 60 của thế kỷ trước, làng võ Nhật đã mở cửa chào đón những trường phái khác ở phương Tây như vật cổ điển Hy Lạp để cải tiến năng lực thực chiến của Judo và Jiu Jitsu. Song song đó, Karate phát triển với hệ phái Kyokushin có cách đánh tương tự kickboxing thường được dùng trên võ đài tự do của UFC. Hàn Quốc cũng không chịu kém khi Taekwondo “cập nhật” đòn tay của Karate và Judo trong thời gian bị Nhật chiếm đóng. Thậm chí, Mas Oyama – người sáng lập hệ phái Kyokushin Karate thực chiến nổi tiếng chính là một người Hàn từng đi khắp nước Nhật để khiêu chiến với mọi cao thủ Karate nhằm hoàn thiện các đòn thế.

Không chỉ phát triển đòn thế, các cao thủ Nhật như Mitsuyo Maeda còn đem Judo tới Brazil để truyền cho Gastao Gracie, Carlos Gracie và Helio Gracie. Sau đó, gia đình Gracie đã phát triển thành nhánh riêng nay gọi là Jiu Jitsu Brazil. Ngoài ra cũng cần nhắc tới Viktor Spiridonov và Vasili Oshchepkov, những người Nga từng sang Nhật học Judo rồi hồi hương kết hợp với vật tạo ra Sambo được xem như một trong những chiến pháp hiệu quả nhất ở UFC với đại diện tiêu biểu là Fedor Emelianenko.

Chính nhờ sớm tiếp cận, học hỏi và truyền bá võ thuật thời hiện đại, Hàn và Nhật hiện đã có những võ sĩ tên tuổi trên sàn UFC như Dong Hyun Kim, Chan Sung Jung, Hyun Gyu Lim, Yui Chul Nam (đều của Hàn Quốc) và Takanori Gomi,Takeya Mizugaki, Hatsu Hioki, Kyoji Horiguchi, Tatsuya Kawajiri (đều của Nhật). Ngược lại, Trung Quốc hầu như không có đại diện nào đáng chú ý do Wushu thực chất chỉ là các động tác võ thuật truyền thống được thể thao hóa nên mất hẳn tính thực chiến. Tán thủ (Sanshou) có vẻ hiệu quả hơn đôi chút do hình thành dựa trên 4 yếu tố: đá, cầm nã, quật, vật.

Tuy nhiên, Tán thủ không thể xem là tinh hoa của cổ võ Trung Quốc do kết hợp các đòn ném của vật và Judo, nên chưa thể xem như ví dụ tiêu biểu để phản ánh chính xác võ thuật Trung Hoa, chưa kể võ sĩ vận dụng Tán thủ tốt nhất tại UFC hiện nay cũng chẳng phải người Trung Quốc.

Những hạn chế khách quan và chủ quan

Với hình ảnh tạo dựng được trong lòng NHM khắp thế giới, tinh túy của võ thuật Trung Hoa không được thể hiện rõ trong các trận đấu thực chiến của UFC thật sự là một tiếc nuối, đặc biệt với những ai muốn xác định công phu của người Hoa có thật sự đáng gờm như trong truyền thuyết hay không. Điều đáng quan tâm là muốn thay đổi thực trạng này thật chẳng dễ. Trước hết là do quan niệm của người Hoa: Võ thuật là bảo vật gia truyền, không thể tùy tiện truyền cho kẻ khác, đặc biệt là người nước ngoài. Ngặt nỗi, chẳng phải lúc nào thầy cũng tìm được trò giỏi, nên những đòn thế tâm đắc và kiến thức thực chiến rơi rụng rất nhiều theo dòng chảy của thời gian. Hậu quả là ngày nay, võ Trung Hoa không còn nhiều đại diện như Vịnh Xuân, Thái Lý Phật, Thái Cực, Bát Quái, Hồng Gia, Hình Ý và Thiếu Lâm.

Đòn thế của Vịnh Xuân được Lý Tiểu Long thể hiện trên màn bạc thích hợp để đánh nhà lồng của UFC.

Biết võ Trung Hoa vẫn còn những đại diện như thế là một chuyện, còn muốn cao thủ của các trường phái này thể hiện lại là chuyện khác. Nguyên nhân rất đơn giản: người Hoa coi võ thuật là tự vệ, chẳng phải thể thao. Đấy là lý do mà ngoài Vịnh Xuân, hầu hết đòn thế của các phái khác thường chủ động phòng thủ, tránh né hơn là tấn công như Karate, Taekwondo hoặc Judo.

Với tinh thần chủ đạo như vậy, các cao thủ Trung Quốc đua nhau vào nhà lồng của UFC mới là điều lạ. Khả năng các cao thủ Trung Quốc mọc lên như nấm ở UFC càng khó do quan điểm của võ thuật Trung Hoa là “thủ” trước, nên trong các phim ta thường thấy những người hùng của họ thường từ chối thách đấu của đối phương và chỉ ra tay khi không còn chọn lựa nào khác.

Bên cạnh đó, võ Trung Hoa thường đề cao nội công hơn ngoại công, nên thời gian tập luyện rất dài và thành tài rất khó. Hiệu quả thấp như vậy, lại thêm nhiều kinh nghiệm và đòn thế mai một theo thời gian cùng những biến cố lịch sử, võ Trung Hoa rất khó đào tạo ra cao thủ, cho dù qua các bộ phim của Lý Tiểu Long, không khó nhận thấy cách ra đòn của ông rất phù hợp với UFC. Thế nhưng, ngay cả khi quan điểm cởi mở hơn truyền thống, Lý Tiểu Long chắc chắn sẽ không nhận lời đấu nhà lồng, tương tự Chân Tử Đan hoặc Lý Liên Kiệt. Đến đây, vấn đề lại thuộc về UFC: những quy định nhằm hạn chế tổn thương cho các võ sĩ.

Đây cũng là lý do tại sao UFC thiếu vắng cao thủ Trung Quốc, thậm chí là châu Á: luật không cho ngắt, véo, nghĩa là triệt tiêu mọi đòn “cầm nã” nổi tiếng sát thủ của võ thuật Trung Hoa. Luật không cho chọc vào mắt, đánh vào chỗ hiểm, đánh gãy xương, đánh chỏ… rõ ràng chỉ làm lợi cho các cao thủ vật, Judo và gây bất lợi cho Karate cùng Muay Thái chứ chưa bàn tới những môn phái khác của võ Trung Hoa như Hình Ý.

Hơn nữa, với những quy định như vậy, UFC thực chất vẫn chỉ quanh quẩn ở ranh giới của thể thao – võ thuật, chứ chưa phải là nơi nhằm xác định võ công đệ nhất thiên hạ như tham vọng. Có lẽ chỉ ở những võ đài “đen” chấp nhận “sinh tử trạng”, các đại biểu ưu tú của võ thuật Trung Hoa mới thể hiện được hết khả năng, còn trong nhà lồng của UFC chắc đành bó gối. 

Chân Tử Đan (ảnh chính) thể hiện hiểu biết về Thái Cực Đạo, quyền Anh, kickboxing, Hiệp Khí đạo, taekwondo, Muay Thái, vật, Jiu-Jitsu Brazil, Judo, Tinh Võ và Wushu nhưng sẽ không được đánh nhà lồng do các quy định của UFC.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội