Hai chân chạy Việt Nam thống trị giải siêu địa hình 116km ở Indonesia
Mantra Summit Challenge là một trong số những giải thuộc hệ thống thi đấu tính điểm của tổ chức Asia Trail Master Championship, chùm giải chạy siêu địa hình trải khắp các nước châu Á.
Sau 3 năm bị gián đoạn do dịch COVID-19 (lần cuối năm 2019), giải được tổ chức tại Malang, đông Java (Indonesia) với các cự ly khủng nhất là 116km và 75km. Những người giành chức vô địch hai cự ly này đều được nhận 500 điểm vào bảng xếp hạng.
Đoàn Việt Nam sang dự giải này có 6 VĐV, trong đó có Quang Trần, nhà vô địch nhiều năm của cự ly 100km Vietnam Mountain Marathon, Nguyễn Sĩ Hiếu, chân chạy siêu địa hình cũng đã có tiếng trong cộng đồng, Đỗ Trọng Nhơn, chàng đại sứ của giải chạy Bà Đen Mountain Marathon hay ca sĩ Đức Tuấn, người thử sức ở cự ly 75km.
Cuộc đua xuất phát lúc sáng sớm 2/7 và kết thúc hôm sau (3/7/2022). Ở cự ly dài nhất 116km, các VĐV phải chạy trên những cung đường có tổng độ cao lên tới hơn 8000m. Sự xuất hiện của các VĐV Việt Nam tại giải lần này đã được chuyên trang Asia Trail Master Championship viết hẳn một bài giới thiệu.
Sự khắc nghiệt của Mantra Summit Challenge đã được chứng thực trong các cuộc thi lần trước. Trong năm 2019, nhà vô địch Milton Amat về nhất sau 23 giờ 23 phút, hơn á quân Hisashi Kitamura tới tận… gần 4 giờ đồng hồ. Thông số trên được các chuyên gia nhận định là thường có ở các cuộc thi 200km. Nhưng với Mantra Summit Challenge thì chỉ 116km cũng đã khiến các VĐV phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành.
Kết quả, hai VĐV của Việt Nam là Quang Trần và Sĩ Hiếu đã lần lượt về nhất, nhì cự ly 116km, trước thời gian quy định là 35 giờ. “Như tên gọi của nó, Mantra Summit Challenge là một thử thách hơn là một cuộc tranh đua. Chúng mình muốn chia sẻ những khoảnh khắc vượt qua những khó khăn trên đường và niềm vui cùng nhau tại vạch đích. Thật ấn tượng với con người và phong cảnh hùng vĩ nơi này. Một kỉ niệm thật đáng nhớ” - Quang Trần chia sẻ sau cuộc đua.
Ở nội dung 75km, Đỗ Trọng Nhơn không hoàn thành và dừng cuộc đua ở km46 sau 9 giờ chạy. “Tôi đã hai lần ngồi khựng lại một hồi lâu để suy nghĩ về quyết định này. Tôi đã xuất phát từ độ cao 500m và leo rất thoải mái theo hai bạn Indo vì mình biết họ là những người có kinh nghiệm. Nhưng khi đến đỉnh Arijuno 3300m sau gần 3 giờ leo, tôi bắt đầu thấy chóng mặt và có dấu hiệu không ổn.
Tôi là một đứa hay say tàu xe và việc di chuyển từ nơi thấp lên nơi có độ cao lớn trong thời gian ngắn như vậy khiến cơ thể lập tức phản ứng. Khi dẫn đầu được 4 phút với nhóm sau và đổ dốc trước thì cũng là lúc tôi như mất nhận thức nhẹ, cứ lao theo trớn vì đường rất dốc, thậm chí đồng hồ báo hiệu sai đường tôi cũng không phân biệt được đâu là tiếng km đâu là off route.
Khi kịp nhận ra thì tôi đã lạc 3km và quay đầu lại 3km với hơn 400m leo liên tục. Tôi bắt lại được nhóm và giảm từ vị trí từ 1 xuống vị trí thứ 10. Từ km15 - km35, tôi lại tăng tốc và quay lại vị trí thứ 4. Nhưng đoạn đổ dốc này cũng là đoạn kinh hoàng nhất. Tôi chạy trong trạng thái đầu vẫn còn xoay vòng và té liên tục mà không thể kiểm soát. Cặp gậy zenone mới lấy từ CP cũng gãy ngang khi mình lăn. Mông và vai va đập nhiều lần làm toàn bộ cơ thể mình bầm dập.
Tôi có tiếc vì đã bỏ cả tháng lương di chuyển qua đây và buồn vì đã tập luyện và chuẩn bị rất kĩ, nhưng khi cảm nhận sức khỏe không ổn để tiếp tục nên tôi quyết định dừng lại…” - Nhơn Trọng chia sẻ về lần chạy khắc nghiệt tại Indonesia này.
Trong khi đó, ca sĩ Đức Tuấn đã hoàn thành cự ly 75km. Anh chia sẻ: “Có thể nói Mantra Summits Challenge không phải là một cuộc đua, đó là một thử thách đúng tên gọi của nó. Một thử thách kinh khủng nhất mà Tuấn từng biết từ trước đến nay.
Có 75 VĐV xuất phát vào 6 giờ sáng ngày 2/7 vậy mà chỉ có 17 người về được tới đích trước 6 giờ sáng ngày hôm sau. Điều này nói lên độ khốc liệt của giải đấu: 75km mà leo hơn 6000m chỉ được thực hiện trong 24 tiếng. Tuấn đã hoàn thành trong 23 giờ 42 phút. Cuối cùng, tôi là người đầu tiên của đội có mặt ở vạch đích. Một cuộc đua quá thành công cho cả đội”.