Hai người qua đời tại các giải chạy chỉ trong 3 tuần, hành động hay… kệ?
2 sự cố đáng tiếc ở giải chạy chỉ trong 3 tuần
Tính từ 23/3 đến 14/4/2024, tức chỉ trong vòng 3 tuần, hai giải chạy tổ chức ở khu vực phía Bắc đã ghi nhận hai VĐV qua đời. Tin buồn đến liên tiếp khiến cộng đồng chạy bộ tại Việt Nam không khỏi xáo trộn.
Ngày 23/3/2024, tại giải chạy siêu địa hình mùa đầu tiên Vietnam Ultra Marathon 2024 tại Hòa Bình, một nam VĐV chạy cự ly 50km gặp vấn đề về sức khỏe. Một đội cứu hộ gồm 14 thành viên bao gồm đội ngũ y tế và thành viên BTC đã tham gia thực hiện công tác y tế khẩn cấp và vận chuyển vận động viên đến bệnh viện.
Tuy nhiên, rất tiếc sau khi được các y, bác sĩ cấp cứu, vận động viên đã không qua khỏi và từ trần tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vào sáng sớm ngày 24/3/2024.
Đúng 3 tuần sau, giải chạy bán marathon quanh Hồ Tây với cự ly dài nhất 21km cũng đã xảy ra một sự cố đau lòng với một nam VĐV. Sáng 14/4/2024, VĐV này gục ngã khi cách đích khoảng 100m. Đội ngũ y tế đã sơ cứu và chuyển VĐV này đến bệnh viên Bạch Mai cấp cứu.
VĐV được xác định ngưng tim, ngừng tuần hoàn và tiên lượng xấu ngay trong ngày chạy. Và sau 3 ngày điều trị tại viện, VĐV này đã không qua khỏi. BTC giải Tay Ho Half Marathon cũng đã chính thức đăng tải tin buồn về VĐV này trong ngày 17/4/2024.
Cần thiết có đội y bác sĩ xử lý, cấp cứu ngừng tim
Sự cố sức khỏe xảy đến với các VĐV tại những giải chạy gần đây đều là những tình huống không ai biết trước. Mặc dù trước khi tham gia giải chạy, các VĐV đều phải ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm, nhưng mỗi khi giải chạy có VĐV chấn thương nặng hoặc qua đời, BTC các giải chạy cũng không đứng ngoài cuộc.
Ngoài chuyện mất mát cho chính VĐV, gia đình của họ và cộng đồng chạy bộ… trách nhiệm của BTC các giải chạy cũng vì thế mà tăng lên mỗi ngày.
Y tế là một khâu vô cùng quan trọng ở các sự kiện thể thao. Trung bình tại mỗi giải chạy, những trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe cần đến sự hỗ trợ về y tế có thể lên đến hàng chục người. Với những chấn thương cơ bản như chuột rút, đau cơ, nôn khan, kiệt sức… thì với sự trợ giúp thông thường của các nhân viên y tế ngay tại hiện trường có thể giải quyết vấn đề.
Nhưng với những trường hợp nặng như đột quỵ, ngừng tim, ngừng tuần hoàn… thì việc sơ cứu kịp thời tại hiện trường rất quan trọng, có thể cứu mạng sống của VĐV đó.
Theo bác sĩ Đinh Linh, Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là một VĐV chạy đường dài có thành tích cá nhân tốt, thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR), thì đã đến lúc các giải chạy cần có bộ phận y tế chuyên nghiệp chuyên xử lý các sự cố cấp cứu ngừng tim.
Theo bác sĩ Đinh Linh, khi phát hiện nạn nhân ngừng tim, dù nguyên nhân là thế nào, phác đồ xử trí trong những phút đầu tiên không thay đổi: cần phải ép tim sớm, tiến hành sốc điện khử rung nếu cần, dùng các thuốc cấp cứu, và thông khí nhân tạo (đặt ống nội khí quản). Đây là quy trình chuẩn mực mà Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra, Bộ Y tế và Hội Tim mạch học Việt Nam cũng đã áp dụng và đưa vào khuyến cáo chính thức.
Đối với bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện, trong các bước xử trí, thì việc ép tim đúng cách và sốc điện sớm giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy, nếu kịp thời xử lý trong 5 phút đầu, có thể tăng tỷ lệ sống sót của nạn nhân từ 0% lên 30%. Chính vì thế, đội y tế của Ban tổ chức bắt buộc phải thành thạo kỹ năng ép tim (CPR) và có chứng chỉ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản.
Cơ quan có thẩm quyền cần làm gì?
Đối với các trường hợp VĐV tham dự giải chạy và gặp vấn đề sức khỏe rồi qua đời thời gian qua, phía Cục trưởng Cục Thể dục thể thao đã nắm rõ và sẽ có hành động quyết liệt. Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cho biết Cục đã họp với các bộ phận chuyên môn để tăng cường đảm bảo an toàn ở các môn thể thao quần chúng, bao gồm các giải đấu của môn bơi, xe đạp và chạy bộ…
Trả lời báo giới, ông Đặng Hà Việt cho biết: “Đối với các giải thể thao quần chúng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phân cấp quản lý cho các địa phương. Trong thông tư số 09/2012 của Bộ VH-TT&DL cũng đã quy định rõ điều này và yêu cầu các giải đấu phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết về mặt chuyên môn khi tổ chức.
Tuy nhiên trước các trường hợp nhiều giải thể thao quần chúng chưa đảm bảo an toàn như giải chạy Tây Hồ vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo Liên đoàn Điền kinh xây dựng các tiêu chuẩn an toàn cho các giải chạy để tăng cường hơn nữa việc đảm bảo sức khỏe cho các vận động viên”.
Hiện tại, những giải đấu được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chứng nhận và đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia không nhiều. Trong đó có thể kể đến Giải Bán Marathon Quốc tế Việt Nam (Vietnam International Half Marathon), giải chạy việt dã leo núi Bà Rá ở Bình Phước, giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong…
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng gần 60 giải chạy lớn nhỏ được tổ chức mỗi năm. Với phong trào chạy bộ phát triển như hiện nay, mỗi địa phương đều có ít nhất một giải chạy, do nhiều đơn vị vận hành khác nhau đứng ra tổ chức…
Và để các giải chạy diễn ra an toàn, lan tỏa tinh thần thể thao vì cuộc sống tốt đẹp hơn thì đã đến lúc tất cả cùng chung tay vì sự nghiệp thể thao quần chúng ở Việt Nam.