HCĐ SEA Games 30 Hồng Lệ mách nước chạy marathon an toàn
Tháng 7 là thời điểm có tới 3 giải chạy lớn được tổ chức “dồn” do ảnh hưởng lịch trình bởi dịch COVID-19. Đầu tháng, các VĐV đã được trải nghiệm đường chạy đầy thử thách tại đảo Lý Sơn trong khuôn khổ Giải Vô địch Quốc gia Marathon và các cự ly dài báo Tiền Phong. Giữa tháng, các VĐV lại quy tụ tại Hà Nội để tham dự giải chạy quanh Hồ Tây lần đầu được tổ chức hôm 12/7 vừa qua. Cuối tháng này, tại Quy Nhơn, giải chạy VNExpress Marathon cũng diễn ra với sự tham dự của hàng nghìn VĐV.
Là đương kim vô địch, lại chạy trên quê nhà, Phạm Thị Hồng Lệ có mục tiêu rõ ràng là phải bảo vệ được chức vô địch tại Quy Nhơn hôm 26/7 tới đây. Bài học đắt giá tại Lý Sơn vừa qua đã cho Hồng Lệ những trải nghiệm mà cô gái bé nhỏ này không muốn mắc phải tại giải chạy ở quê hương. Tại Lý Sơn, Hồng Lệ bị chuột rút, phải đi bộ gần chục km và tụt từ hạng nhất xuống hạng 3 chung cuộc nội dung marathon nữ tuyển.
Để chuẩn bị cho VNExpress Marathon 2020, giải chạy mà Hồng Lệ vô địch cũng như giành chuẩn dự Boston Marathon (năm nay bị hủy vì COVID-19, cô gái sinh năm 1998 này đưa ra những lời khuyên hữu ích sau:
Bình Định vốn là quê của Lệ nên mình xin chia sẻ một số đặc điểm thời tiết mùa này tại Quy Nhơn và một số kinh nghiệm cá nhân để giúp mọi người có sự chuẩn bị tốt nhất nhé.
1. Lưu ý về thời tiết và đường chạy
Vào tháng 7, Quy Nhơn rất ít khi mưa, trời lại nhanh sáng nên gần như chắc chắn mọi người sẽ trải nghiệm việc chạy dưới nền nhiệt cao (trừ các anh/chị elite có lẽ sẽ về sớm trước khi nắng lên). Địa hình thì nhiều dốc, đặc biệt là cự ly 42km. Vậy nên, việc tập luyện “heat training” (tập luyện dưới điều kiện nhiệt độ cao) và chạy dốc rất cần thiết.
Lời khuyên của Lệ là dù BTC đã cho xuất phát rất sớm nhưng thời tiết chắc chắn càng lúc càng nóng lên, mọi người sẽ cần một chiến lược pace phù hợp. Theo Lệ, lúc mới xuất phát, mọi người nên chạy đều, giữ sức. Suốt thời gian đầu hãy hết sức tập trung hít thở sâu để sức khỏe trong trạng thái ổn định nhất, chuẩn bị cho đoạn cuối khó khăn nhất.
Khi trời nắng nóng cơ thể đang mệt mỏi sẽ dễ bị say nắng hoặc bị choáng, biểu hiện là sẽ bị hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt. Khi đấy mọi người hãy thường xuyên lấy nước mát hoặc mút mát dội lên đầu, mặt và vai gáy để cơ thể tỉnh lại tránh rơi vào tình trạng bị quáng và mất kiểm soát cơ thể.
Hãy tỉnh táo đánh giá tình hình và nên dừng lại nếu cơ thể đã đến giới hạn.
2. Chuẩn bị trang phục và bổ sung dinh dưỡng
Thực hiện giai đoạn taper thế nào thì đã có nhiều anh/chị chia sẻ. Lệ chỉ lưu ý là mọi người hãy chọn một đôi giày bám đường, thoát nước tốt và trang phục thoáng mát nhất có thể, như áo ba lỗ hoặc áo bra, quần đùi. Tốt nhất là trang phục chuyên về chạy. Mọi người nên chạy dài với bộ đồ đó ít nhất một lần trước khi vào đua để lường hết các rủi ro về khả năng thoát nước, trầy xước,…
Mũ và kính cũng là phụ kiện quan trọng để tránh bị hoa mắt khi nắng lên cao.
Về dinh dưỡng, mọi người cần chuẩn bị thêm gel năng lượng và đặc biệt là muối. Với nền nhiệt càng cao, mọi người sẽ càng bị mất muối và dễ dẫn đến chuột rút. Lệ thường phân chia lượng muối sử dụng như sau: cự ly 10km có thể dùng 1-2 viên, 21km thì sẽ là 2-3 viên và 42km thì sẽ 4-5 viên tùy vào thời gian mình hoàn thành cự ly, khoảng 40-45 phút dùng 1 viên.
3. Cách xử lý khi bị chuột rút:
Mọi người hãy thuộc lòng sẵn một số động tác căng giãn cơ tại những nhóm cơ dễ bị rút như bắp chân sau, đùi sau, đùi trước,… kết hợp với xoa bóp sẽ giúp thoát khỏi chuột rút nhanh chóng. Nhưng nếu đã bị thì cả đoạn còn sẽ dễ bị chuột rút lần nữa nên hãy thủ sẵn vài cách chuyển nhóm cơ khi chạy. Ví dụ nếu bạn đã bị chuột rút ở bắp chân thì hãy dùng cơ đùi nhiều hơn để đẩy người chạy.
Mọi người hãy cố gắng đến trạm y tế của BTC để được xử lý kỹ hơn.
Chúc mọi người chuẩn bị thật kỹ và đua vui vẻ nhé.