Những câu chuyện bên lề thú vị ở giải marathon vượt rừng VJM 2017
Giải chạy việt dã Vietnam Jungle Marathon mùa đầu tiên để lại ấn tượng sâu đậm đối với các VĐV bởi vẻ đẹp núi rừng Pù Luông, độ thử thách cao và sự thân thiện của người dân bản địa phương.
Quán quân 70km Cao Ngọc Hà đi xe máy xuyên đêm trước khi chạy
Một lần nữa, Cao Ngọc Hà lại khiến cộng đồng chạy bộ và cả những người “ngoại đạo” với chạy bộ cảm thấy ngạc nhiên về khả năng phi thường của anh. Trong khi các VĐV đều có phương án đến Bản Hang (địa điểm đích) hoặc Phố Đoan (địa điểm xuất phát) sớm để ngủ, nghỉ giữ sức khỏe thì nhà vô địch đi xe máy từ Hà Nội lúc 21h30 tối thứ 6 và có mặt ở một nhà sàn homestay gần điểm xuất phát lúc 2 giờ sáng thứ Bảy. Mặc dù chỉ chợp mắt được 1 tiếng nhưng Cao Ngọc Hà vẫn thi đấu hết sức tỉnh táo và về đích sớm nhất sau 8 giờ 22 phút bất chấp việc anh bị Trần Duy Quang đeo bám rất quyết liệt từ đầu đến cuối.
Đây không phải là lần đầu tiên Cao Ngọc Hà đi xuyên đêm trước khi thi đấu. Cuối tháng 3, anh đã từng làm điều tương tự ở giải Việt dã báo Tiền Phong 2017 tại Ninh Bình. Tại đó, Cao Ngọc Hà thậm chí chạy dẫn trước các VĐV hàng đầu quốc gia trong 10km đầu tiên và là VĐV phong trào xuất sắc nhất giải.
Xem video nhà vô địch 70km Cao Ngọc Hà về đích, cùng thời điểm 2 VĐV 42km chạy với sandal:
VĐV chạy marathon đường rừng bằng...sandal
Martin Miklas, Ivana Miklas, đôi VĐV người Slovakia khiến những ai có mặt ở vạch đích phải mắt tròn mặt dẹt với đôi giày chạy đặc biệt. Hai VĐV hoàn thành cự ly 42km sau 7 giờ 7 phút bằng đôi sandal mỏng. Nhiều người liên tưởng đến bộ tộc người Tarahumara (Mexico) vốn có khả năng chạy đường dài bằng sandal hoặc chân đất. Hai người hiện đang làm việc tại ĐSQ Slovakia này nằm trong Top 20 VĐV có thành tích tốt nhất.
Ác mộng vắt
Trước giải Vietnam Jungle Marathon, vắt Pù Luông là nỗi lo thường trực của nhiều người bởi môi trường nóng ẩm trong rừng là điều kiện xúc tác để vắt hoành hành, hút máu các runner chạy qua đây. Trên nhóm Hội những người thích chạy đường dài (LDR), các thành viên còn chia sẻ cách phòng, chống vắt, cách xử lý làm sao nếu như bị vắt cắn... Nhưng thực tế, đường chạy Pù Luông gần như vắng bóng vắt, tương tự đường chạy ở Vietnam Mountain Marathon (Sa Pa).
Giải chạy tốn nước nhất
Cái nóng lên tới hơn 35 độ C khiến 300 VĐV ở các cự ly đều mệt bở hơi tai. Chính vì vậy, BTC bố trí rất nhiều điểm có vòi nước để các VĐV có thể làm mát cơ thể. Hầu như tất cả các VĐV khi đi qua vòi dẫn nước tự nhiên từ trên núi chảy xuống hay qua suối đều dừng lại để được vùi mình trong làn nước mát trong lành.
"Đại dịch" chuột rút
Ở cả 3 cự ly 25km, 42km và 70km, các VĐV đều phải vượt qua những ngọn núi dựng đứng và khó. Đa số các VĐV đều có hiện tượng chuột rút. Ngay cả ĐKVĐ Cao Ngọc Hà cũng không thoát. Anh cho biết: “Tôi bị 3,4 lần chuột rút nhẹ. Tôi thường gặp khi leo dốc nhanh. Rõ rệt nhất là khi chạy lên mấy cái dốc ngắn 5-10m ở 6km cuối cùng”. "Bông hồng thép" Tiểu Phương, nữ VĐV giành hạng Nhì, thậm chí bị chuột rút từ rất sớm.
Trẻ em và người dân thân thiện
Ngoài cảnh sắc đẹp của núi rừng Pù Luông, của thác bản Hiêu hay thung lũng Kho Mường, các VĐV còn ấn tượng bởi sự thân thiện của người dân nơi đây. Trẻ em ở bất kỳ nơi đâu cũng nhoẻn miệng cười dễ thương, ngỏ lời “Hello” trước để chào đón bạn (có thể do đoàn VĐV có nhiều người nước ngoài). Những người nông dân chất phác dù còn bận gặt lúa nhưng cũng sẽ dừng lại hỏi han xem bạn chạy từ đâu đến đâu và có mệt không.
Xem vẻ đẹp của đường chạy giải việt dã vượt rừng Pù Luông và sự thân thiện, cởi mở của người địa phương:
Đường đua xanh
Trước khi giải diễn ra, BTC tiết lộ VJM có những cung đường mà không ai biết là đâu cả, ít có người đặt chân đến. Chính vì vậy, đường chạy VJM rất sạch, hầu như không có rác. Để bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, BTC cũng đưa ra qui định các VĐV tham gia sẽ bị loại nếu vứt rác trên đường.
Cúp con trâu gỗ độc nhất vô nhị
Chiếc cúp hình con trâu gỗ là một trong những biểu tượng đặc trưng ở các giải chạy do Topas Travel tổ chức. Thay vì nhận cúp mạ vàng na ná nhau như ở các giải khác, các VĐV Top 3 ở các nội dung sẽ nhận được một con trâu gỗ, hình ảnh quen thuộc đối với những người tham gia chạy đường mòn.
Khi được Webthethao hỏi vì sao không làm cổng đích to đẹp, hoành tráng, đồng hồ điện tử cỡ lớn, đèn thắp ánh sáng lung linh, giám đốc giải David Lloyd cho biết: “Chúng tôi muốn giải chạy của mình giữ được những nét tự nhiên nhất có thể, vì thế bạn có thể thấy cổng đích chúng tôi dựng lên bằng tre, nứa thay vì bê tông cốt thép hay những giàn giáo bằng sắt”.