“Nữ hoàng marathon chân đất” Phạm Thị Bình - Kỳ tích vàng mười trên đường chạy dài
3 tháng sau khi sinh cậu con trai thứ hai, Phạm Thị Bình nhìn thật khác so với 6 năm trước, ngày chị vẫn còn theo đuổi nghiệp chạy đường dài. Cô gái vàng của làng điền kinh Việt Nam một thời, người từng chinh phục đỉnh cao Đông Nam Á marathon nữ có nhiều thứ để nhớ về những ngày chạy vì đam mê.
“Tinh hoa” của điền kinh Quảng Ngãi
Phạm Thị Bình được xếp vào danh sách một trong những người có công làm rạng danh đất Quảng Ngãi. Theo đuổi nghiệp thể thao đã không chỉ mang đến cho chị vinh quang cá nhân, mà còn đem về quê hương danh tiếng “mảnh đất của nữ hoàng chạy chân đất”.
Phạm Thị Bình sinh năm 1989 tại xã Bình Thuận, Bình Sơn (Quảng Ngãi), trong một gia đình có 7 anh chị em. Vất vả từ nhỏ để phụ đỡ gia đình, Phạm Thị Bình sở hữu vóc dáng rắn rỏi của một cô gái chuyên làm việc chân tay.
Năm 14 tuổi, Phạm Thị Bình được chiêu mộ vào đội tuyển điền kinh Bình Sơn và giành huy chương đồng Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2003. Sự nghiệp điền kinh của chị cũng trải qua nhiều thăng trầm chứ không hề trải thảm đỏ như mọi người vẫn nghĩ. Phạm Thị Bình mắc bệnh tim bẩm sinh, căn bệnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ước mơ chạy nhảy của mình. Nhưng với nỗ lực bản thân và cái duyên khó bỏ với điền kinh, Phạm Thị Bình còn trở thành một ngôi sao chạy đường dài tài năng.
Hơn một thập kỷ theo đuổi điền kinh, Phạm Thị Bình có trong tay khoảng tám chục danh hiệu lớn nhỏ, trong số đó có đến 50 huy chương vàng. Chị không chỉ được thể thao Quảng Ngãi ghi nhận công sức, mà còn được bạn bè trong và ngoài nước nhớ đến với một danh hiệu đặc biệt.
Nữ hoàng marathon chân đất
Người ta đến nhớ đến Phạm Thị Bình bởi hình ảnh một cô VĐV chuyên nghiệp chạy 42,195km nhưng toàn với đôi chân trần. Lý do rất đỗi đơn giản với Phạm Thị Bình là “Tôi quen đi chân đất thi đấu là vì gan bàn chân mỏng, nếu đi giày sẽ bị bỏng nước ngay. Ngoài ra, nếu đi giày, tôi sẽ không đi lên được dốc. Vì thế ở các giải đấu, tôi luôn chọn cách đi chân đất".
Năm 2011, giới chuyên môn quốc tế được dịp chú ý đến một cô gái nhỏ bé đến từ Việt Nam tham dự Giải Vô địch Marathon châu Á ở Thái Lan. Chạy chân đất trong khi các đối thủ được trang bị quần áo, giàu chuyên dụng chuyên nghiệp, Phạm Thị Bình càng khiến người ta nể hơn khi cán đích với thời gian 2 giờ 53 phút, giành tấm huy chương đồng danh giá.
Tiếp nối thành công đó, Phạm Thị Bình lại đại diện Việt Nam tham dự nội dung marathon nữ SEA Games 2011 ở Indonesia. Xuất sắc đánh bại cả nhà đương kim vô địch lúc ấy là Jho Ann Banayag (Philipines), Phạm Thị Bình về thứ ba với thành tích 2:48:43, chỉ sau Triyaningsih (Indonesia - 2:45:35) và Ni Lar San (Myanmar - 2:46:37).
Tới SEA Games 2013 trên đất Myanmar, Phạm Thị Bình còn làm được nhiều hơn thế. Xuất sắc đánh bại hai VĐV chủ nhà là Myint Myint Aye (2:46:07) và Pa Pa (2:49:01), cô gái đi chân đất quê Quảng Ngãi về đích đầu tiên với thời gian 2:45:34, xác lập kỷ lục cá nhân lẫn kỷ lục quốc gia marathon nữ tồn tại đến tận bây giờ.
Ngày đó, ông Dương Đức Thủy, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Điền kinh Việt Nam, hiện là Trưởng bộ môn Điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao, đã phải thốt lên rằng: “Thực sự chúng tôi rất bất ngờ về thành tích của Phạm Thị Bình, vì mục tiêu ban đầu của chúng tôi chỉ là đổi màu huy chương, từ Huy chương đồng sang Huy chương bạc, nhưng Bình đã làm được nhiều hơn thế."
Trở về với thiên chức một người phụ nữ
Giành nhiều thành tích ấn tượng như vậy, nhưng ít ai biết rằng Phạm Thị Bình mới trải qua một cuộc phẫu thuật tim năm 2010. 3 năm để hồi phục, tập luyện và vươn tới phong độ đỉnh cao sau lần mổ tim quan trọng đó, Phạm Thị Bình đã khiến nhiều người phải nể phục. Tấm huy chương vàng marathon nữ của chị dường như là “mức xà đặt quá cao” để các VĐV điền kinh Việt Nam sau này có thể nhảy qua.
Đáng tiếc thay, sau khi giành thêm huy chương vàng tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Phạm Thị Bình quyết định giải nghệ vì vấn đề sức khỏe, và cũng để lo cho cuộc sống cá nhân. Tháng 4/2015, Phạm Thị Bình kết hôn, chị được tạo điều kiện trở thành HLV cho đội điền kinh trẻ tại Trung tâm TDTT Quảng Ngãi. Tiếp tục gắn bó với nghiệp điền kinh, Phạm Thị Bình dốc sức đào tạo lứa VĐV tiềm năng cho tỉnh nhà và bận rộn với công việc của một người mẹ.
Sinh con gái đầu lòng năm 2017, Phạm Thị Bình nhận ra nhiều điều sau hơn chục năm đeo đuổi nghiệp điền kinh đầy vất vả. Mới đây nhất vào tháng 5/2020, chị lại lên chức lần hai khi sinh một cậu con trai.
“Từ ngày có bạn Sóc cho tới giờ có em Ken. Tự bao giờ mẹ lại quên đi cái quyền được chăm sóc bản thân, cứ đi làm rồi về lo cho con, mua cái gì cho bản thân cũng tiếc, đắn đo suy nghĩ. Còn con thì không tiếc một cái gì. Thế mới nói, có con rồi mới biết thương cha thương mẹ đến chừng nào. Bởi khi có con bạn sẽ dành những gì tốt nhất cho con. Thanh xuân của mẹ đã dành cho đường chạy và giờ là 2 con…” - Phạm Thị Bình tâm sự.
“Nữ hoàng marathon chân đất” không hối tiếc vì những gì đã hy sinh cho điền kinh, bởi điền kinh đã mang đến cho chị nhiều thứ. Những tháng ngày vất vả, kìm nén, hy sinh những kế hoạch cá nhân cho mục tiêu đạt thành tích cao… giờ phải xếp lại cho ưu tiên lớn hơn là gia đình.
“Từ bây giờ, mẹ sẽ thay đổi và không hy sinh cho người khác nữa. Giờ ngoài 2 con ra, mẹ sẽ chăm sóc và yêu thương bản thân mẹ nhiều hơn. Để sau mẹ sẽ không phải hối tiếc vì sao mình không yêu bản thân mình thật nhiều vào…” - là những điều Phạm Thị Bình trăn trở khi rời xa đường đua, trở lại là một người phụ nữ bình thường trong cuộc sống vốn đầy rẫy những khó khăn, trắc trở…