VĐV Thành Ngưng kể chuyện làm "quân xanh" trên đường chinh phục Olympic
Con đường đến Olympic không chỉ có hoa hồng. Ngoài ý chí, nghị lực của bản thân mỗi VĐV thì người đồng hành trong các buổi luyện tập rất quan trọng. VĐV đi bộ Nguyễn Thành Ngưng, người giành vé Olympic 2016 đã viết "tâm thư" chia sẻ câu chuyện về nghề, về bộ môn "nhàm chán" trên facebook. Anh đã nhận được sự đồng cảm lớn từ những người yêu chạy bộ nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Năm 2012, tôi đã chứng kiến hình ảnh 5 người đàn ông chỉ phục vụ mỗi một cô gái nhỏ bé người Hàn (HLV, bác sĩ và 3 đồng đội nam chuyên kéo dẫn VĐV chủ chốt trên đường tập mà trong giới thể thao gọi là "quân xanh") trong một lần được đi tập huấn cùng Tổ cự li trung bình tại Côn Minh (Trung Quốc).
Tôi thấy rất ngạc nhiên vì điều đó. Ông HLV ra quét đường chạy cho khô bớt để cô VĐV kia chạy trong khi 3 VĐV còn lại chẳng thấy mệt mỏi gì mà vẫn cứ tập bằng hoặc hơn cô ấy một chút xíu. Trong khi đó, ông bác sĩ buổi tập nào cũng vác vali đồ đạc lỉnh kỉnh ra sân.
Tò mò, tôi bèn tới lân la hỏi chuyện thì mới biết ba anh chàng VĐV kia chấp nhận một mức lương kha khá chỉ để làm nhiệm vụ kéo dẫn cô VĐV tập. Tất cả vì mục tiêu giúp cô đạt chuẩn Olympic mà thôi. Lúc ấy tôi mới ngẫm lại, bên mình làm gì có chuyện như thế.
Quay lại chuyện cá nhân, bản thân tôi không ít thì nhiều đã đóng vai trò là quân xanh cho chị Phúc (VĐV Nguyễn Thanh Phúc - PV) từ trước năm 2012.
Đối với một VĐV điền kinh chạy cự li ngắn từ 100 đến 1000m, thứ quan trọng nhất có lẽ họ phải đối mặt là: tốc độ, tốc độ và tốc độ. Với các VĐV điền kinh cự li dài, cự li ấy trở nên gấp 10 lần, 20 lần (so với 1000m), có bao giờ bạn hỏi họ phải đối mặt với những gì?
Quãng đường tập luyện dài dằng dặc được lặp đi lặp lại có khi 2 lần mỗi ngày. Ngoài thể lực và ý chí sắt đá của mỗi VĐV, sự có mặt của những đồng đội tập cùng rất quan trọng. Tại sao như vậy? Điều này cũng dễ hiểu. Bởi bản chất của mỗi VĐV khi đã theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp, sự cạnh tranh đã thấm vào trong máu họ rồi.
Do đó, việc tập luyện chung cùng đồng đội vô hình sẽ kích hoạt tính cạnh tranh trong từng bước chân. Sự mệt mỏi cũng sẽ giảm bớt đi phần nào nếu đồng đội đi nhanh hơn bạn, bạn sẽ cố đi theo cho bằng được. Thi thoảng, bạn vừa đi nhanh vừa nói một điều gì đó với đồng đội của mình. Nhờ vậy, đoạn đường dài dằng dặc kia như được rút ngắn lại.
Với chị Thanh Phúc, điều không may là các VĐV nữ cùng môn với chị lại không có ai. Do đó, tôi đã cố gắng bỏ nhiều thời gian để đồng hành cùng chị. Tôi tin mình đã góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển tốt của chị trước đây. Bản thân chị Phúc cũng rất đáng gờm khi hầu như không có nam VĐV nào có thể vượt mặt được chị. Cho đến năm 2014, bộ môn này mới chỉ có được Võ Xuân Vĩnh và Nguyễn Văn Tư (Nghệ An) có thành tích vượt chị.
Nhưng kể từ sau khi chị Thanh Phúc đoạt được vé Olympic lịch sử cho điền kinh Việt Nam tham dự Olympic London 2012, tôi không còn nhiều thời gian làm quân xanh cho chị ấy nữa do tôi cũng nhận thấy được một chút hi vọng từ cự li của mình. Có lẽ, tôi đã ích kỷ hơn, lo tập cho bản thân mình hơn. Từ đó, năm nào tôi cũng rút ngắn thành tích của mình xuống từ 1:27:57 đến 1:27:30 rồi 1:26:53 và nay là 1:23:29.
Nói đi phải nói lại, ngay cả thành tích đạt chuẩn Olympic của tôi vừa qua cũng có không ít công sức của đồng đội Võ Xuân Vĩnh với các bài tập đuổi bắt nhau hay lặp lại.
Chính vì thế, tôi chỉ muốn gửi gắm một điều rằng, trong sự thành công cá nhân ở giải đấu nào đó có bóng dáng của những người đồng hành cùng với mình. Bạn nên nhớ rằng, bạn đã từng làm quân xanh cho đồng đội, hoặc đồng đội đã làm quân xanh cho bạn, miệt mài trong những tháng ngày tập luyện tưởng chừng như nhàm chán và bất tận.
Nếu Việt Nam mình có đội quân xanh, tôi xin đăng kí đầu tiên...
Tại giải vô địch đi bộ 20km châu Á (Nhật Bản), VĐV đi bộ Nguyễn Thành Ngưng giành tấm vé tham dự Olympic Rio 2016 (Brazil) với thành tích đạt được sau khi hoàn thành chặng đường 20km là 1 giờ 23 phút 29 giây, vượt chuẩn Olympic 1'24”.
Lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam, 2 chị em ruột cùng được dự tranh Olympic.