Tiền thưởng giải marathon quốc gia trở thành chủ đề nóng
Sáng 14/3/2023, trên trang mạng xã hội cá nhân, ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên phó chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), người gần đây tham gia nhiều giải chạy marathon trong và ngoài nước, đã đăng tải một bài viết liên quan đến chuyện tiền thưởng và nhắc đến giải Tiền Phong Marathon.
Nội dung bài viết “DỰ GIẢI 500 NĂM” của ông Đoàn Ngọc Hải như sau: “Đây là thành tích và tiền thưởng cự ly chạy bộ 42,195 km của nữ tại nước Nhật, không phải của chúng ta. Nhìn thành tích và số tiền thưởng này (gần 6 tỉ đồng cho chức vô địch nữ ), đó luôn là giấc mơ của 10 vận động viên nam, nữ hàng đầu của chúng ta hiện nay.
Để có số tiền gần 6 tỉ đồng thì các vận động viên hàng đầu của chúng ta phải dự 500 giải vô địch quốc gia Marathon báo Tiền Phong (500 năm) trong khi vận động viên chạy bộ tuổi thọ trung bình là 70 tuổi.
Marathon chuyên nghiệp ở các nước phát triển thì việc chạy chậm ở các giải là nỗi hổ thẹn. Người dân và doanh nghiệp của họ không thể ngồi xem và tài trợ khi vận động viên chạy chậm. Ở nước ta cũng vậy, chẳng ai muốn xem và tài trợ khi vận động viên chạy chậm.
TẠI SAO NAM VẬN ĐỘNG VIÊN CỦA CHÚNG TA VẪN MÃI CHẠY CHẬM SO VỚI NỮ THẾ GIỚI? Đó là trách nhiệm hàng đầu của LÃNH ĐẠO ngành thể thao chúng ta!”.
Kèm với bài viết, ông Hải đăng bức ảnh chụp nhà vô địch nữ Ruth Chepngetich (Kenya) cầm tấm biển ghi giải thưởng 250.000 USD cho vị trí số một giải marathon toàn nữ Nagoya Marathon diễn ra tại Nhật Bản ngày 12/3/2023.
Đây không phải lần đầu tiên ông Hải nhắc đến chuyện tiền thưởng tại giải marathon vô địch quốc gia. Cụ thể, suốt 3 mùa qua, VĐV phong trào 54 tuổi này hay có những bài viết so sánh về tiền thưởng của giải vô địch quốc gia với quan điểm cá nhân rất mạnh mẽ.
Tại Tiền Phong Marathon 2023 diễn ra ở Lai Châu ngày 26/3/2023 tới, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, đồng Trưởng BTC giải cho biết: năm nay, BTC sẽ trao 96 giải thưởng, trong đó 26 giải cá nhân chuyên nghiệp, 54 giải cá nhân phong trào và 16 giải đồng đội. Giải thưởng được chia làm hai hệ chuyên nghiệp và phong trào, với tổng giá trị lên tới gần 500 triệu đồng.
Ở nội dung marathon (chạy 42,195km), VĐV nam và nữ vô địch nhận giải thưởng 12 triệu đồng. Các VĐV vị trí nhì và ba nhận lần lượt 8 triệu đồng và 6 triệu đồng. Còn ở cự ly bán marathon (21,0975km), 3 VĐV đứng bục sẽ nhận lần lượt 10 triệu đồng, 6 triệu đồng, 4 triệu đồng.
Ngoài ra, BTC còn có giải thưởng cho cự ly 10km và 5km dành cho nam, nữ tuyển với cơ cấu giải thưởng lần lượt là 5 triệu đồng, 4 triệu đồng và 3 triệu đồng. Còn cự ly 10km và 5km dành cho nam, nữ trẻ có mức giải thưởng lần lượt 4 triệu, 3 triệu và 2 triệu đồng.
Ở hệ phong trào, BTC có hệ thống giải thưởng khác so với chuyên nghiệp. BTC sẽ trao thưởng cho VĐV marathon, bán marathon ở 3 nhóm tuổi: từ 16-34, từ 35-44 và trên 45 tuổi, giúp các VĐV phong trào có nhiều cơ hội cạnh tranh để “đứng bục”.
Ngoài giá trị giải thưởng bằng tiền, BTC còn cho biết sẽ có thêm quà tặng hiện vật từ các nhà tài trợ.
Trong những năm tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT, phó chủ tịch Hiệp hội Điền kinh Đông Nam Á, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, luôn nhấn mạnh, Tiền Phong Marathon tiền thân là giải việt dã toàn quốc, là giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia. Giải đã có tuổi đời 66 năm, và năm nay bước vào mùa tổ chức thứ 64 tại Lai Châu (giải có một số năm bị gián đoạn do vấn đề bất khả kháng).
Việc xét trao giải thưởng cho VĐV chuyên nghiệp tại Tiền Phong Marathon được áp dụng theo quy định của Nhà nước. Sau nhiều năm chỉ tổ chức cho VĐV chuyên nghiệp, từ năm 2017 khi giải tổ chức ở Ninh Bình, BTC mới mở rộng thêm hạng mục cho các VĐV phong trào.
Việc có thêm VĐV phong trào cũng giúp quy mô giải tăng lên, có nhiều nhà tài trợ hơn, từ đó, VĐV chuyên nghiệp có thêm quyền lợi là được thi đấu với hệ thống tính điểm chiptime hiện đại (so với trước kia chỉ chấm thủ công bằng trọng tài). Ngoài ra, giá trị giải thưởng cũng đã tăng lên, nhưng vẫn nằm trong khung khen thưởng theo đúng quy định.