Nâng cao kỳ nghệ với Webthethao - Bài 2: Khai cuộc căn bản (phần 1)
Xin bắt đầu đi vào bàn luận về giai đoạn đầu tiên của ván cờ: Khai cuộc (hay "Khai cục"), bao gồm những nước đi đầu tiên mang tính "mở cờ" và bố trí binh lực, nhưng cũng hàm chứa vai trò quyết định dẫn dắt cục diện của ván đấu.
Khai cuộc mãn ý sẽ giúp những nước đi tiếp theo ở Trung cuộc bớt phần "nặng nề"; và ngược lại, Khai cuộc bị kém thế sẽ tạo áp lực rất lớn để người chơi phải nỗ lực "sửa chữa", thậm chí không còn cơ hội sửa chữa nữa khi gặp phải đối thủ "rắn mặt"...
Ngưỡng cửa của cuộc cờ
Cuộc cờ cũng giống như cuộc đời, nếu được cầm quân đi trước (bên Tiên), bạn sẽ chẳng khác nào một thanh niên chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông, chọn lựa Khai cuộc nào cũng tựa như... chọn trường Đại học.
Vào Pháo đầu ư? Đối phương có thể sẽ đáp trả bằng cách tương tự: cũng vào Pháo đầu (Thuận pháo, hoặc Nghịch pháo), cũng có nghĩa, bạn phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho một cuộc đối công quyệt liệt ngay sau đó! Nhưng cũng có thể, đối thủ của bạn nhẹ nhàng lên Mã, khi ấy, diễn biến tiếp theo có thể là bạn sẽ phải đối đầu với một trong thế trận cơ bản như "Bình phong Mã", "Phản cung Mã" hay "Đơn đề Mã". Trường hợp đối thủ ưa thích lối xuất quân "Lãnh môn khai cục" thì thậm chí bạn còn phải sẵn sàng đấu với "Uyên ương Pháo" (tên gọi khác là "Tây Tạng Quyền")...
Lên Mã, hoặc Tiến tốt (Tiên nhân chỉ lộ) ư? Đồng nghĩa với việc bạn chủ động chọn giải pháp thăm dò. Dù chọn nước đầu tiên là lên Mã hay tiến Tốt (thường là Tốt 3 hoặc Tốt 7) rồi cũng có thể đóng Pháo đầu (nếu muốn tấn công), hoặc tiếp tục phát triển các quân mạnh nếu chọn lối khai cuộc chắc chắn bên "sân nhà".
Lại Lý Huynh (phải) là kỳ thủ khai cuộc tốt nhất Việt Nam hiện nay
Ngược lại, nếu bạn phải đi hậu, thì tình hình còn khó lường hơn, vì bạn thậm chí còn chưa biết đối thủ sẽ chọn Khai cuộc nào để mà có cách đối phó tương ứng. Khi ấy, tùy vào nước đi đầu tiên của đối phương để bạn lựa chọn một hướng đáp trả phù hợp, theo một Khai cuộc nào đó mà bạn am hiểu và tự tin nhất. Ví dụ đối phương chơi Phi tượng, nếu muốn phát triển quân một cách bình ổn, bạn có thể chọn "Quá cung pháo" (Pháo 2 bình 6 hoặc Pháo 8 bình 4), hay "Sĩ giác pháo" (Pháo 2 bình 4 hoặc Pháo 8 bình 6) vốn là các cách ứng phó hiệu quả cao đã được giới chuyên môn tổng kết. Ngược lại, nếu bạn muốn chủ động tổ chức phản công và tự tin vào khả năng phát triển binh lực của mình (dù phải đi sau) thì có thể chọn đóng Pháo đầu (Pháo 2 bình 5 hoặc Pháo 8 bình 5).
Kiến thức về các loại hình Khai cuộc trên thực tế rất mênh mông (có rất nhiều loại Khai cuộc; mỗi loại Khai cuộc lại có vô số các phương án, mỗi phương án lại nhiều "biến", tựa như rễ cây tỏa ra chi chít), rộng đến nỗi chẳng ai có thể khẳng định đã "thuộc làu" tất cả. Vả chăng, học về Khai cuộc cần lưu ý trước hết là hiểu cách biến hóa của chúng để tiện bề ứng phó, hơn là thuộc làu những biến chính, nhưng khi đối phương bất ngờ đi nước mình không "thuộc" thì lại rơi vào sự lúng túng.
Những yếu lĩnh căn bản trong Khai cuộc
Một ván cờ thường chia làm 3 giai đoạn: Khai, Trung và Tàn cuộc. Nhưng ván cờ có thể chẳng có giai đoạn Tàn cuộc nếu ngay từ Trung cuộc đã phân thắng – bại hay đôi bên cùng cảm thấy bằng lòng với kết quả hòa. Thậm chí ván cờ còn chẳng có cả... Trung cuộc, nếu sau Khai cuộc, 2 kỳ thủ sớm vui vẻ... chia điểm; hoặc có 1 bên phạm phải những sai lầm quá nặng ngay từ Khai cuộc, để sớm mất quân hoặc kém thế nặng nề, đến mức đành buông cờ chịu thua từ rất sớm.
Một thế trong Khai cuộc Pháo đầu Bình 3 đối Bình phong Mã cổ điển
Bởi vậy, sẽ là rất sai lầm nếu bạn nghĩ rằng Khai cuộc chỉ là giai đoạn bố trí binh lực căn bản, mình cứ đi sao cho "thuận tay, vừa mắt" là được, rồi hơn – thua chủ yếu trông vào sức tính ở Trung – Tàn. Nôm na, nói như mấy anh mê chưởng là lối đánh "vô chiêu thắng hữu chiêu". Sai lầm, bởi ngay trong lý thuyết về võ học đỉnh cao, "vô chiêu" ở đây thực ra là đỉnh cao của sự am tường về "chiêu pháp". Để tung ra những chiêu khó lường, trước hết cao thủ võ thuật phải vô cùng am hiểu về những chiêu thức căn bản, và ngược lại. Trong cờ tướng cũng vậy, các cao thủ chỉ đi những nước kiểu "xé sách" (nhằm dẫn dụ, mê hoặc những đối thủ quá lệ thuộc vào "Khai cuộc sách vở") khi họ đã cực kỳ thông hiểu những biến hóa sau mỗi nước đi. Nên dù họ có xuất quân có phần không theo lý thuyết thông thường thì một khi nhận thấy những diễn biến bất ổn là lập tức lại có thể sớm "nắn, chỉnh" cho vào hình cờ ổn thỏa được ngay!
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng, giá trị của Khai cuộc chiếm khoảng 40% trong 3 giai đoạn của ván cờ, còn mỗi giai đoạn Trung và Tàn cuộc chiếm 30% còn lại.
Mục tiêu căn bản nhất của Khai cuộc chính là phát triển quân theo hướng chiếm được khoảng không tối ưu trên bàn cờ (ít nhất là trên "phần sân" của mình). Nếu có thể, người tranh thủ chiếm được thực lợi nhỏ, ví như ăn được 1-2 quân Tốt của đối phương mà vẫn không làm ảnh hưởng xấu đến độ liên kết các quân và khả năng phát triển của hình cờ.
Bạn hãy cố gắng tập cách đánh giá về HÌNH CỜ sau mỗi nước đi, nếu cảm thấy dễ đi hơn so với đối thủ thì lý thuyết gọi là "giữ nước tiên" hay "nắm tiên thủ"; ngược lại, đối phương chủ động hơn thì nghĩa là bên ta đã bị "mất tiên" hay đối thủ đã "phản tiên".
(Còn tiếp)