Vụ chuyển nhượng Paul Pogba: Kỷ lục tồn tại bao lâu?
Vụ chuyển nhượng với phí 110 triệu euro của Paul Pogba về Man Utd coi như xong tới 99%. Giờ câu hỏi đặt ra là liệu kỷ lục thế giới mới này sẽ tồn tại bao lâu?
Kể từ vụ chuyển nhượng với phí kỷ lục 15 triệu bảng Anh (tương đương 26 triệu bảng tính theo thời giá hiện tại) của Alan Shearer, từ Blackburn đến Newcastle vào cuối tháng 7/1996, trong 2 thập kỷ trở lại đây đã có chẵn 10 kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá thế giới lần lượt được thiết lập và bị xô đổ, tính cả thương vụ Paul Pogba gần như đã hoàn tất.
Như thế, nếu chia trung bình thì cứ 2 năm lại có một kỷ lục chuyển nhượng mới được thiết lập. Tuy vậy, thực tế quãng thời gian không đều như thế.
Ví dụ, Hè 2000 đã chứng kiến liền 2 kỷ lục mới liên tiếp xuất hiện. Sau khi Hernan Crespo rời Parma đến Lazio với phí 55 triệu euro thì sau đó không lâu vụ chuyển nhượng Luis Figo từ Barcelona tới kình địch Real Madrid đã lập kỷ lục mới với mức phí 62 triệu euro.
Với bản hợp đồng bom tấn ấy, có thể coi như Real Madrid đã mở màn thực thi chính sách Galaticos và thực tế trong 16 năm qua Real chính là CLB ôm bom tấn chuyển nhượng về nhà nhiều nhất, 4 lần cả thảy, sau Figo đến Zidane, Ronaldo rồi Gareth Bale.
Chính xác thì giai đoạn từ 1996 đến 2001 chứng kiến sự bùng nổ các kỷ lục chuyển nhượng. Đó là thời kỳ đánh dấu cho khái niệm mà các đội bóng, NHM quen dần với thực tế là một ngôi sao giờ có giá chuyển nhượng lên tới đôi ba chục triệu đô la và thậm chí lên tới năm sáu bảy mươi triệu euro, sau khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào lưu hành chính trong thị trường chuyển nhượng.
Và phải bẵng đi tới 8 năm, kể từ vụ chuyển nhượng ầm ĩ của Zidane từ Juventus đến Real, Hè 2009 khi Cris Ronaldo rời Man Utd tới Real, kỷ lục mới lại xuất hiện và con 94 triệu euro phí chuyển nhượng như muốn nhắc nhở một điều rằng, việc một ngôi sao được giao dịch với giá không tưởng 100 triệu euro hoặc nhiều hơn thế chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn.
Thực tế thì sau vụ chuyển nhượng của Ronaldo, 7 năm qua chỉ có thêm 2 lần kỷ lục xuất hiện, với trường hợp của Gareth Bale Hè 2013 và giờ là thương vụ Paul Pogba chỉ còn thiếu mỗi chứ ký trong bản hợp đồng đã được Man Utd cùng Juve chốt lại.
Với trường hợp Paul Pogba, đây rõ ràng là thời điểm chín muồi để Juventus bán tiền vệ người Pháp nhằm gặt về tối đa lợi nhuận. Và có nhiều yếu tố để lý giải cho con số 110 triệu euro - một kỷ lục mới của TTCN.
Từ góc độ chủ quan, sự trưởng thành nhanh như thổi của Pogba trong 4 năm qua tại Juve và việc tay đại diện lắm chiêu trò Mino Raiola tham gia “đạo diễn” là những nhân tố đẩy giá chuyển nhượng Pogba lên con số kỷ lục.
Còn từ khía cạnh khách quan, thực tế là trong 7 năm trở lại đây, trước khi Man Utd mua Pogba chỉ có Ronaldo và Bale là 2 kỷ lục chuyển nhượng thì các CLB đã liên tục đẩy giá sàn mua các ngôi sao hàng đầu lên mức cao ngất ngưởng.
Chắc chắn, nhiều người chưa thể quên Luis Suarez, James Rodriguez, Neymar có giá chuyển nhượng quanh mốc 80 triệu euro. Kevin de Bruyne hay Angel di Maria được bán đắt ngang Zidane ngày nào, 75 triệu. Kaka, Ibrahimovic, Sterling, Cavani được giao dịch vượt ngưỡng 60 triệu euro/cầu thủ.
Và chẳng nói đâu xa, trước khi bán Pogba với giá kỷ lục, chính Juventus cũng mua về bản hợp đồng kỷ lục trong lịch sử Serie A: Gonzalo Higuain, 90 triệu euro từ Napoli.
Một lý do quan trọng khác giải thích cho sự xuất hiện của hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục Pogba đó là giá trị gói bản quyền truyền hình Premier League giai đoạn 2016-19, bắt đầu từ mùa này.
Con số kỷ lục 8,3 tỷ bảng mang về cho BTC Premier League giúp họ phân chia tiền tham dự, thưởng… cho các đội dự giải cực kỳ hào phóng. Nếu 2 mùa gần nhất những nhà VĐ Anh như Chelsea, Leicester nhận xấp xỉ 100 triệu bảng/mùa từ BTC giải thì mùa này con số đó chỉ để dành cho… đội xuống hạng.
Nói thế để thấy vì sao các ông lớn ở Premier League có bạo tay vung tiền mua sắm, kể cả là chi một số tiền khổng lồ để rước về một tiền vệ trẻ như Paul Pogba mà sự tương xứng về giá trị vẫn đặt ra những dấu hỏi.
Và cũng bởi sự bạo chi của người Anh, những đại gia khác tại TBN hay Italia, Pháp chắc chắn sẽ gồng mình chạy theo ganh đua. Nên nhớ, trong 17 năm qua Premier League mới chỉ dính dáng đến 3 vụ chuyển nhượng kỷ lục (bán 2, mua 1), trong khi với Serie A là 4 và La Liga là 5 vụ.
Bởi thế, không cần đợi tới 3 năm nữa, khi gói BQTH giải Ngoại hạng giai đoạn 2019-2022 được ký kết với số tiền kỷ lục mới và nó giúp các ông lớn Premier League sẵn sàng trả 150 hay 200 triệu euro cho một ngôi sao, khi phiên chợ Hè này còn chưa đóng cửa, không ai dám chắc kỷ lục của Pogba sẽ đứng vững.
Đừng quên, Real Madrid đã nhăm nhe nhảy vào tranh giành Pogba ở phút chót và tính đến lúc này của kỳ chuyển nhượng Hè 2016 đội bóng Hoàng gia vẫn chưa thực hiện bản hợp đồng bom tấn nào, điều đã trở thành thói quen với họ.