Chuyện xạ thủ bắn vượt kỷ lục thế giới Trần Oanh: Nghiệp đấu huy hoàng, phận bạc & sự lãng quên
Ông là tuyển thủ Việt đầu tiên đạt thành tích vượt kỷ lục thế giới, tại giải bắn súng quân đội các nước XHCN năm 1962. Ông từng được Ủy ban Olympic công nhận là VĐV Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20. Tên ông được đặt cho một con đường, một trường bắn thể thao tại Thanh Hóa. Thế nhưng, phía sau hào quang ấy là cái kết buồn, của sự thua thiệt cùng lãng quên mà Trần Oanh và gia đình ông phải gánh chịu.
Tháng 7 năm 1962, giải bắn súng quân đội các nước XHCN đã diễn ra tại Plezen (Tiệp Khắc cũ), với sự góp mặt của hàng trăm tay súng đỉnh cao đến từ 15-16 nước trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở loạt bắn thứ 10 của môn súng ngắn ổ quay, tình thế cực kỳ gay cấn khi các xạ thủ của Liên Xô cũ, CHDC Đức bắn được 585 điểm, đến lượt xạ thủ Tiệp Khắc vượt qua với 586 điểm - san bằng kỷ lục thế giới tại thời điểm đó.
Và chính thời điểm đặc biệt đó, một kỳ tích gây chấn động đã được xuất hiện, với một màn trình diễn xuất thần của một “gương mặt lạ” đến từ Việt Nam: Trần Oanh. Xạ thủ chân đất miền biển xứ Thanh đã bước vào cuộc đấu cân não với sự tự tin cao độ và bình thản kỳ lạ.
Năm viên đạn cuối của ông đều găm trúng vòng 10, để hoàn tất loạt bắn 30 viên đều đi trúng vòng 10, ghi 587 điểm, vượt kỷ lục thế giới do xạ thủ McKlein của Mỹ lập tại giải VĐTG vài năm trước. Với thành quả trên đỉnh thế giới ấy, khi về nước, Trần Oanh được thưởng hẳn... 3 ngày phép, mượn xe đạp từ Sơn Tây về Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thăm gia đình.
Năm 1966, Trần Oanh lại tạo nên một cột mốc mới cho nghiệp đấu của mình, cũng như bắn súng Việt Nam khi giành tấm HCV nội dung súng ngắn bắn chậm tại Đại hội Thể thao Các nước mới trỗi dậy lần thứ nhất (Ganefo) 1966. Ngay sau khi trở về từ Indonesia, Trần Oanh cùng một số đồng đội được gặp Bác Hồ, và ông là một trong bốn người được Bác tự tay gắn tấm huy hiệu mang tên Người.
Năm 1973, xạ thủ Trần Oanh về hưu, ông về sống với gia đình tại vùng biển xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, một miền quê nghèo khó quanh năm chỉ biết sống nhờ vào đánh cá. Rời xa đấu trường, bệ bắn, những tấm huy chương, xạ thủ lẫy lừng một thời làm bạn với chiếc thuyền, mảnh lưới.
Trần Oanh có 6 người con, 5 con đầu đặt tên Đức - Việt - Tiệp - Hoa - Ba, tên những quốc gia Đức, Việt Nam, Tiệp Khắc, Trung Hoa, Cu Ba gắn với những thành công vang dội của ông môn bắn súng. Cô con gái út sau cùng được đặt tên là Yến, nhớ về vùng quê nơi ông đã sinh ra và trở lại sống phần đời còn lại.
Cuộc đời của ông và vợ, một nông dân ở Tĩnh Gia cơ cực, gian truân, lo cho 6 con miếng ăn, tấm áo mà không nổi. Hàng trăm tấm huy chương trong nước và quốc tế được người lính già đưa về cho trẻ con chơi.
Mến tài ông, phó trưởng Ty Thể thao Thanh Hóa Cao Đình Tiếp về tận quê mời ông lên huấn luyện cho đội tuyển bắn súng tỉnh với tiền bồi dưỡng tương đương 6kg gạo/ngày, giúp gia cảnh khốn khó của xạ thủ kỳ cựu vơi bớt phần nào.Cả làng bắn súng Việt Nam hãy còn nhớ mãi hình ảnh cựu binh Trần Oanh trong bộ quân phục cũ kỹ, đi dép râu, như một lão nông miền biển tại các giải đấu quốc gia.
Đúng ngày rằm tháng 7 năm 1986, xạ thủ Trần Oanh trút hơi thở cuối cùng, sau cơn bạo bệnh từ những lần Trần Oanh vất vả sớm hôm đánh lưới. Suốt bảy năm trời, ngôi mộ của ông nằm thui thủi ở một gò hoang trên bãi biển xã Hải Yến.
Mãi năm 1992, trong một chuyến công tác về Thanh Hóa, nghe kể về gia cảnh và mộ phần của nhà vô địch Trần Oanh, cục trưởng Cục TDTT Dương Nghiệp Chí đã họp với lãnh đạo Sở TDTT và hỗ trợ thêm được 4,5 triệu đồng di dời phần mộ ông về chân núi Chuột. Trên bia mộ ghi rõ Danh thủ thể thao Trần Oanh.
Hiện tại mộ phần của cố xạ thủ Trần Oanh đã được di dời về nghĩa trang Cồn Choàn, xã Hải Yến, và dự định sẽ được di dời thêm lần nữa về nghĩa trang mới của xã.
Năm 2000, ông được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là VĐV Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20. Tại Thanh Hóa, tên ông đã được đặt cho một trường bắn súng thể thao, cho một con đường.
Kỳ tích bắn vượt kỷ lục thế giới cách đây 54 năm, nghiệp đấu lẫy lừng của VĐV số 1 Việt Nam thế kỷ 20 sẽ còn mãi, đã đi vào sử sách.
Chỉ có điều, phía sau ấy không chỉ là cái kết buồn mà Trần Oanh phải gánh chịu khi còn sống, mà còn là sự lãng quên và những thua thiệt khó tin đối với ông và gia đình cho đến tận bây giờ.
Giờ đây người vợ già yếu cùng các con của Trần Oanh chỉ mong ngành thể thao sẽ có sự quan tâm, những hình thức tôn vinh xứng đáng đúng với tầm vóc, vị thế của tuyển thủ Việt Nam đầu tiên đạt thành tích vượt kỷ lục thế giới, VĐV Việt Nam được IOC công nhận xuất sắc nhất thế kỷ 20.