HLV rowing Lê Văn Quang: 20 năm nghiệp “phu thuyền” và những kỳ tích trên đỉnh châu lục
Gắn bó ngay từ khi môn thể thao hiện đại này được du nhập vào Việt Nam cách đây 20 năm, ông thầy có dáng vẻ chân chất và khắc khổ này đã góp công lớn đưa rowing lên tầm châu lục. Trong đó, ông đã trực tiếp đào luyện lên hàng chục học trò giành quyền dự tranh Olympic, đoạt huy chương châu Á.
Sinh năm 1969, từng là một kình ngư xuất sắc của Hà Nội song Lê Văn Quang lại không làm HLV bơi mà lại rẽ sang làm “máy cái” ở một môn hoàn toàn mới là rowing. Qua 1 năm tu nghiệp tại Nga, năm 1997, ông bắt đầu nhận nhiệm vụ gây dựng lực lượng cho môn rowing từ con số 0, với vài chiếc thuyền cũ, tại nhà tập tạm giữa mênh mông sóng nước Hồ Tây.
Cùng với hai đồng nghiệp, ông đã phải lặn lội khắp nơi để tuyển quân một cách đầy gian nan vì thời điểm ấy chẳng ai biết cái món lạ rowing. Đây lại là môn siêu khó nên ông đã phải dày công chỉ dạy cho các học trò từng li từng tí, từ ngồi trên thuyền, cầm mái chèo, trước khi tập kỹ thuật. Chuyện ăn ở của các VĐV cũng do ông thầy lo, và suốt một thời gian dài là cảnh ở trọ cơm bụi.
Chính nhờ tâm huyết và vốn kiến thức bài bản của HLV Quang, lứa VĐV đầu tiên của Hà Nội đã tiến bộ không ngừng. Họ không chỉ đủ sức làm nòng cốt cho ĐTQG cho đích nhắm SEA Games 23 trên sân nhà, mà còn sớm vươn ra quốc tế.
Ngay 2002, học trò cưng của ông, Vũ Đăng Tuấn đã gây chấn động làng thể thao khi đoạt ngay một tấm HCV giải vô địch châu Á 2002, cũng là chiến tích đỉnh cao châu lục đầu tiên của TTVN ở một môn Olympic. Đến SEA Games 2003, đội quân của ông lại lập kỳ tích với 5 HCV, riêng Vũ Đăng Tuấn đóng góp 2 chiếc.
Cũng chỉ sau đó một năm, bất chấp việc ngôi sao Đăng Tuấn phải giải nghệ vì gặp vấn đề tim mạch, quân thầy Quang lại gây ngạc nhiên lớn với một suất Olympic lịch sử, do ông của tay chèo nữ Phạm Thị Thi.
Đến giờ, qua 20 năm gắn bó trọn vẹn, ông đã góp công lớn đưa môn của những “phu hồ trên sóng nước” không những luôn giữ vững, nâng cao vị thế hàng đầu khu vực mà còn đạt tới trình độ châu Á, nhất là các nội dung của nữ.
Kể từ 2004, rowing Việt Nam luôn có đại diện giành quyền tham dự Olympic.Đặc biệt, ở đấu trường ASIAD, kỳ Đại hội nào, ĐTQG cũng đoạt được một số HCB, HCĐ, điều mà các đối thủ chính trong khu vực như Indonesia, Thái Lan chưa thể làm được. Cùng đó là hơn 20 HCV tại các giải đấu châu Á. Trong đó, ngoài dấu ấn và đóng góp chung, số học trò do ông trực tiếp phát hiện, đào tạo lên tới cả chục.
Vui mừng, tự hào trước sự lớn mạnh của rowing Việt Nam, nhưng HLV Lê Văn Quang hãy còn rất trăn trở bởi môn này còn gặp những rào càn rất cơ bản về điều kiện. Mức đầu tư so với ngay các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hãy còn kém xa. Dù ngày càng được quan tâm nhưng xét về trang thiết bị dụng cụ thi đấu, số chuyến tập huấn thi đấu còn rất hạn chế.
Thế nên, ông Quang đã vui hơn ai hết khi ĐTQG có một địa điểm tập luyện mới tốt hơn hẳn tại Trung tâm đua thuyền sông Giá (Hải Phòng) thay vì ở CLB đua thuyền Hồ Tây (Hà Nội). Từ 2014, ông đã bắt đầu phải xa nhà biền biệt để theo các học trò xuống Hải Phòng.
Với người khác, đây có thể là một sự hi sinh, thua thiệt còn ông Quang không nề hà gì, bởi với ông rowing là nghiệp đời, là niềm đam mê lớn nhất. Giấc mơ lớn nhất của ông thầy có dáng vẻ chân chất, khắc khổ này là có một ngày rowing Việt Nam sẽ có huy chương Olympic.
HLV Lê Văn Quang là một trong những ứng viên của hạng mục "Huấn luyện viên của năm" Cúp Chiến thắng 2016. Để bình chọn cho HLV Lê Văn Quang, soạn tin nhắn với cú pháp BC 18 gửi 8579.