Nữ VĐV phá kỷ lục thế giới trẻ chạy 400m bị nghi “nam tính hóa”
Tại cuộc thi điền kinh ở Bydgoszcz (Ba Lan) ngày 30/6/2021, VĐV Christine Mboma quốc tịch Namibia đã xác lập thông số chạy 400m nữ cực kỳ ấn tượng: 48 giây 54 (48.54), phá kỷ lục thế giới nữ trẻ tồn tại 30 năm qua, đồng thời lập kỷ lục châu Phi mới. Cô gái sinh năm 2003 này cũng được coi là nữ VĐV chạy 400m nhanh nhất thế giới mùa giải 2021 tính đến hết tháng 6.
Đồng đội của Mboma là Beatrice Masilingi cũng có thông số rất ấn tượng tại cuộc thi trên là 49.53, thành tích cá nhân tốt nhất trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, niềm vui này chưa được bao lâu thì Liên đoàn Điền kinh Namibia mới đây đã công bố sẽ rút tên hai nữ VĐV này khỏi danh sách tham dự nội dung 400m nữ Olympic Tokyo 2020 vì có dấu hiệu bất thường về lượng nội tiết tố.
Theo đó, tổ chức này cho biết hai VĐV này được lấy mẫu thử trong đợt tập huấn tại Italia gần đây và kết quả cho thấy cả hai đều có lượng testosterone cao bất thường so với lượng cho phép của nữ giới. Điều này cũng tương tự một số nữ VĐV nhưng có lượng hooc môn giới tính cao bất thường, thậm chí ngang ngửa nam giới như: Caster Semenya (Nam Phi), Francine Niyonsaba (Burundi) hay Margaret Wambui (Kenya), những nữ VĐV gây tranh cãi khi từng thi đấu và giành nhiều huy chương ở nội dung 800m.
Để đảm bảo tính công bằng, Christine Mboma và Beatrice Masilingi sẽ không được tham dự nội dung chạy 400m Olympic Tokyo 2020. Nhưng cả hai vẫn có khả năng thi đấu nội dung 200m bởi “lượng testosterone chỉ cao quá quy định ở cự ly 400m).
Giới chuyên môn e ngại rằng việc Christine Mboma có lượng testosterone “nhiều hơn nữ giới” đã giúp cho cô gái 18 tuổi này liên tiếp lập nhiều thông số đáng kinh ngạc trong năm 2021. 48.54 là thông số tốt hơn kỷ lục thế giới trẻ cũ 49.42 của VĐV Grit Breuer (Đức) thiết lập từ năm 1991. Trước đó, Mboma cũng lần lượt tạo ra các thông số chạy 400m đáng nể như: 49.24, 49.22 khiến những nghi vấn về “sự chuẩn nữ” của cô gái này.
Theo Wikipedia, testosterone là một hoóc môn steroid từ nhóm androgen và được tìm thấy trong động vật có vú, bò sát, chim và các động vật có xương sống. Ở động vật có vú, testosterone được tiết ra chủ yếu trong tinh hoàn của con đực và buồng trứng của con cái, mặc dù một lượng nhỏ cũng được tiết ra bởi tuyến thượng thận. Đây là hoóc môn tình dục chính của con đực và đồng thời cũng là một steroid đồng hóa.