Chưa một lần bước lên bục huy chương giải VĐQG khi làm VĐV, từng bị chê là gàn dở lúc làm HLV, thế nhưng, ông thầy siêu “dị” Nguyễn Thuận lại làm được những điều không tưởng để sản sinh ra nhà vô địch SEA Games và đưa điền kinh Hà Tĩnh bước ra ánh sáng.

Ở tuổi 42, người đàn ông đô cao, vạm vỡ với nước da rám nắng trông “già” so với độ tuổi. Thế nhưng, sâu trong tâm khẳm là một Nguyễn Thuận đầy can trường, bản lĩnh và cháy hết mình với nghiệp điền kinh.

Nguyễn Thuận có xuất phát điểm bình thường, thậm chí là không có gì. Ông đến điền kinh qua thể thao học đường, bắt đầu tập luyện chuyên nghiệp năm 1996. Ấy thế, chỉ 4 năm sau, chàng trai tuổi đôi mươi quyết định giã từ đường chạy. Anh không có thứ hạng nào ở giải VĐQG và cũng chỉ lác đác một vài thành tích ở giải trẻ. “Tôi giải nghệ vì thấy hướng đi không đúng”, Thuận nói. 

Một VĐV đang tuổi sung sức bỗng nghỉ ngang với quyết định đầy quả quyết. Nó đúng như tính cách của người đàn ông này. Cương nghị, bản lĩnh và luôn tin vào quyết định của bản thân. Rời xa đường chạy, Thuận chọn đèn sách. Sau 4 năm miệt mài, anh tốt nghiệp đại học.

Ra trường, Thuận được nhận vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Tĩnh. Thời điểm đó, Thuận bị sốc bởi thực trạng của điền kinh Hà Tĩnh. Không có kinh phí, thiếu cả thầy lẫn trò, cơ sở vật chất nghèo nàn, gần như một mình anh xắn tay áo, làm lại từ đầu.

Với một vùng đất “trắng” điền kinh như Hà Tĩnh, các nội dung chạy luôn trong suy nghĩ, tiềm thức của mỗi người. Thế nhưng, Thuận lại khiến cho mọi người một phen hú vía, choáng váng. Ngoài chạy, anh còn xây dựng các nội dung ném lao, chạy vượt rào,…

Tôi bị gán là hâm. Nhiều người góp ý chuyên môn bảo là kẻ gàn dở, đi làm những thứ chưa ai làm bao giờ. Nhưng tôi luôn có đam mê làm những thứ không bình thường. Họ bảo mình bị hâm, đường không đi lại đi vào bụi rậm; tức là cứ phải chạy nhưng tôi bảo, thành công hay thất bại, phần lớn do HLV. HLV cần có kiến thức chuyên môn, cơ sở lý luận, từ đó áp dụng đúng đối tượng VĐV”, Thuận nhớ lại. 

Để chứng minh cho độ hâm, anh lần mò từ những cái nhỏ nhặt nhất. Ngoài chạy, Thuận còn làm cả nội dung siêu khó là 8 môn thể thao phối hợp, đòi hỏi sự toàn năng và điều kiện trang thiết bị tốt. Nhưng với Hà Tĩnh, đụng đâu thiếu đó. Thuận cùng các học trò tự mình nghĩ ra cách khắc phục.

Với cây lao, anh cùng các học trò đi vào tận trong nhà dân, chặt từng ngọn tre, rồi quấn dây chun. “Chỉ là để các em biết đầu, đuôi và hình dung ra cây lao thế nào chứ nó không đúng tiêu chuẩn rồi”, Thuận bảo.

Rồi đến rào, anh đi góp nhặt từng viên gạch, tự xây lên rồi canh chỉnh cho đúng chiều cao. Sau này, anh còn tự mình chế ra rào ở nội dung vượt chướng ngại vật bằng gỗ. Cứ thế, thầy và trò tự mình khắc phục.

Tập tành như thế chán lắm nhưng vì môn mới mà, khi chưa có thành tích, làm sao đề xuất lãnh đạo trang bị trang thiết bị tập luyện được”, HLV Nguyễn Thuận nói.

Nhưng với Thuận, “hồi bắt đầu, tôi có niềm tin nghĩ sẽ làm được chứ không ai dám khẳng định. Tôi tin vào tri thức ham học hỏi của bản thân, đặc biệt ở trường lớp, các HLV, VĐV, chuyên gia kỳ cựu”. Thế là, Thuận học hỏi không ngừng; đặc biệt, khi chuyên gia ngoại sang giảng dạy, lớp học nào, Thuận đều không bỏ sót.

Ham học hỏi, luôn có niềm tin phía trước, Thuận dần tạo nền móng cho điền kinh Hà Tĩnh. Các học trò thay nhau tạo nên các thành tích ở giải trẻ rồi giải VĐQG. Thậm chí, nội dung 8 môn phối hợp ở giải trẻ, điền kinh Hà Tĩnh giữ kỷ lục trong suốt gần 10 năm với 3 thế hệ VĐV. 

Lúc mình làm được rồi, mọi người mới thừa nhận công sức, thành quả và còn bảo thằng này không bị hâm”, HLV Nguyễn Thuận vui mừng nhớ lại.

Từ những điều kiện chẳng khác nào “trồng cây trên đất sỏi đá”, chàng trai trẻ năm nào Nguyễn Thuận đã gây dựng tiếng tăm. Quả ngọt đầu tiên đến từ Nguyễn Văn Lý. Tài năng từng bị cho hết thời bùng nổ dưới bàn tay nhào nặn của ông Thuận.

Lý trở thành VĐV đầu tiên của Hà Tĩnh đoạt huy chương ở nội dung cá nhân tại kỳ SEA Games. Năm 2009, Lý đoạt HCĐ tại Lào. Sau đó, Lý giành tấm HCV quý giá cho điền kinh Hà Tĩnh ở Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Đây là lần đầu tiên điền kinh Hà Tĩnh có HCV từ ngày tách tỉnh. Nó giải “cơn khát” kéo dài gần 20 năm.

Tấm HCV đó càng quý giá khi chỉ được xác định bằng cách cắt lớp phần nghìn giây. Ông Thuận nhớ lại đến bồi hồi về khoảnh khắc đó: “Ở nội dung 3.000m chướng ngại vật nhưng chênh nhau phần nghìn giây, tức phải chụp cắt lớp mới xác định vị trí. Một điều không tưởng và đó là cột mốc với người làm thầy như tôi”.

Sau thành công của Lý, ông Thuận càng tự tin về con đường ông vạch ra cho điền kinh Hà Tĩnh. Thế rồi, lần lượt những dấu mốc mới ngoài sức tưởng tượng đến với điền kinh Hà Tĩnh nói chung và HLV Nguyễn Thuận nói riêng.

Từ “vùng trắng”, điền kinh Hà Tĩnh chuyển mình mạnh mẽ. Họ đạt thứ hạng cao không chỉ các giải trẻ mà cả giải VĐQG; thậm chí đứng thứ 2 hay 3 chung cuộc. Bất ngờ nhất là lứa Lê Ngọc Phúc, Nguyễn Thị Ngọc, Lê Thị Nhật giúp Hà Tĩnh đứng thứ nhì toàn đoàn ở giải trẻ quốc gia 2021 ở An Giang. 

Họ không có đối thủ. Không chỉ Ngọc và Phúc, các cháu sau cũng tiệm cận, thay thế đàn anh, đàn chị. Niềm vui ngoài sức tưởng tượng, vui vì thành quả hiện tại và vui vì nhìn thấy cả tương lai”, ông Thuận chia sẻ.

Trong số đó, Trần Đình Sơn chính là ngôi sao sáng giá dưới bàn tay của HLV Nguyễn Thuận. Năm 2018, Sơn đã quật ngã Quách Công Lịch, thời điểm đó, Lịch đang “làm mưa, làm gió” ở nội dung 400m. Một năm sau, Trần Đình Sơn cùng đồng đội giành 2 HCV SEA Games 31 ở nội dung tiếp sức 4x400m nam và 4x400m tiếp sức nam nữ.

Đó là những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp huấn luyện của HLV Nguyễn Thuận. Nhưng, đằng sau đó, ông cũng nếm trải khoảnh khắc không biết tỏ cùng ai. “Đó là giải việt dã ở Nha Trang (Khánh Hòa) năm 2011. Đội Hà Tĩnh về số 0 tròn trĩnh dù đặt nhiều sự kỳ vọng lớn. Trần Văn Điệp từng giành hai HCV trẻ Đông Nam Á với thành tích ở nội dung 2.000m chướng ngại vật chỉ 6 phút 08. Một thành tích kinh khủng. 

Mấy chị lớn cũng có cửa tranh huy chương nhưng cuối cùng lại thất bại. Đó là kinh nghiệm lớn khi đến một huy chương không được. Nhưng thể thao là thế, đặc biệt là với môn thể thao Olympic”, ông Thuận chia sẻ.

Thể thao luôn có thành công và thất bại song hành. Và ông Thuận thừa hiểu hơn bất cứ ai hết, nhất là khi bắt đầu từ con số 0. Thế nên, khi điền kinh Hà Tĩnh sản sinh ra lứa VĐV tài năng, ông tâm niệm: “Mục tiêu của tôi vẫn đặt đào tạo trẻ lên hàng đầu, công tác tuyển chọn vẫn quan trọng nhất. Sau đó, tập trung các cháu, làm việc tư tưởng ngay từ ban đầu để truyền đạt đam mê, sự yêu nghề, chịu khó vươn lên nỗ lực. Đó là cốt lõi của điền kinh”.

Một buổi chiều tháng 4, đến mục sở thị buổi tập của các VĐV điền kinh Hà Tĩnh, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là ông Thuận đang răn dạy học trò. Xao nhãng trong tập luyện, chểnh mảng trong học hành, thế là, ông Thuận dành đến 30 phút đầu chỉnh lại cùng lời đanh thép “nếu không tập trung tập luyện thì chỉ mãi là người thất bại”.

Ông vừa sắm vai người thầy, nhà tâm lý và cả bác sĩ với nhiều lứa học trò. Hiện tại, điền kinh Hà Tĩnh có 35 VĐV, trải dài từ các tuyến trẻ, năng khiếu và tuyển. Xây dựng đội quân nề nếp là cả hành trình dài. Và từ đây, ông cũng ít có thời gian cho gia đình.

Các VĐV đi học phải tập 4h30 sáng đến 6h00. Các cháu hết học và tập các môn kỹ thuật, 8 môn phối hợp không thể tập sáng sớm, phải tập 8h00, cộng thêm một buổi tập vào buổi chiều. Một ngày 3 ca xoay vòng với các cháu, gần như không có thời gian rảnh”, ông Thuận thổ lộ.

Thời gian biểu tập luyện cũng khiến ông “không kịp thở” khi 4h00 sáng phải có mặt ở sân, quần quật đến hơn 17h00 mới về nhà. Cứ thế, chu kỳ lặp đi lặp lại từ năm 2004 đến nay. “Hết nội dung này đến nội dung khác, thầy phải theo trò, tiếp nối các em trong đội, gần như sân là nhà. Một ngày gắn bó với sân từ 4h sáng, cả ngày chỉ về nhà ngả lưng với ăn cơm”, ông Thuận trải lòng.

Với ông, quỹ thời gian hai vợ chồng, con cái quây quần với nhau là lúc tối mịt. Vợ làm giáo viên mầm non bán trú cả ngày, sáng 6h30 đã ra khỏi nhà đến tối mới về, hai con đang tuổi ăn tuổi học. “Hễ có thời gian rảnh, tôi đều muốn dành thời gian cho gia đình”, ông Thuận tâm sự.

Cũng vì quỹ thời gian khá eo hẹp, lại gần như một mình cáng đáng điền kinh Hà Tĩnh khi chỉ có đúng 1 trợ lý, ông Thuận đành gác lại hoài bão riêng. “Từ trước đến nay, tôi chưa một lần lên tuyển làm công tác huấn luyện. Bởi tôi không thể đi được vì nếu đi thì ở đây không có ai làm. 

Cả cơ ngơi, hệ thống tầng tầng lớp lớp nếu tôi đi thì sẽ mất ngay. Tôi nghĩ trong đầu, nếu sau này khi có một số HLV, mình giao được việc cũng muốn thử sức mình ở đội tuyển”, ông trải lòng.

Xuất phát điểm từ gian khó, với ông Thuận, ông thích kiểu VĐV ý chí, nghị lực, vươn lên trong khó khăn, đúng kiểu điền kinh Hà Tĩnh vì “xuất thân của mình như thế, hơn ai hết, mình biết trong khả năng thế nào để phát triển. Ai chẳng muốn có điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất thuận lợi nhưng mình không được như thế thì phải khắc phục”.

Bí quyết để đưa ông cùng điền kinh Hà Tĩnh bước ra ánh sáng, cống hiến cho điền kinh nước nhà những niềm hy vọng vàng ở SEA Games 31 như Lê Ngọc Phúc, Lê Tiến Long, Trần Đình Sơn hay Nguyễn Thị Ngọc chính là sự ham học hỏi. 

Ông bảo: “Từ bé, tôi yêu thích bác Bùi Lương, lấy bác làm tấm gương, sau này là thầy Lợi (Nam Định) hay anh Thành (Quân đội). Mỗi người một nét và mình học hỏi như thầy Lương là ý chí, nghị lực, thầy Lợi giỏi về khả năng liệu cơm gắp mắm,…”.

Với ông, trong gần 2 thập niên cầm quân, có VĐV đại diện Việt Nam dự giải vô địch trẻ thế giới và từng lọt vào chung kết, có học trò giành huy chương châu Á, nhiều huy chương Đông Nam Á, giành HCV SEA Games là niềm tự hào lớn với bản thân. 

Ở làng điền kinh Việt Nam, tôi cũng có chút gì đó vui, tự hào vì thành tích các học trò làm được”, ông Thuận không giấu được xúc cảm khi nhắc về hành trình gần 2 thập kỷ qua cùng điền kinh Hà Tĩnh.

 

         Nội dung: Trần Khánh

        Thiết kế: Quỳnh Chi

Bài liên quan

Tuyển điền kinh Việt Nam được thưởng 1 tỷ đồng nếu nhất toàn đoàn SEA Games 31

Đội tuyển Điền kinh Việt Nam sẽ nhận được các mức thưởng lớn nếu đạt thành tích cao tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 trên sân nhà trong tháng 5 này.

Cạnh tranh ngôi đầu SEA Games 31, điền kinh Việt Nam sẽ bị “ngáng đường” thế nào?

Điền kinh SEA Games 31 được dự đoán sẽ rất hấp dẫn khi năm nay có quá nhiều diễn biến mới trong cuộc đua đến vị trí nhất toàn đoàn.

Điền kinh Hà Tĩnh: Những chuyện khó tin của “lò” luyện Vàng từ cây tre, khúc gỗ, viên gạch

Kinh phí hạn hẹp, điều kiện thiếu thốn, hạn chế cả thầy lẫn trò, nhiều VĐV tiềm năng nghỉ ngang vì không tin vào tương lai. Muôn trùng khó khăn xảy đến với điền kinh Hà Tĩnh. Thế nhưng, từ “vùng trắng”, mảnh đất đầy nắng và gió liên tục sản sinh ra những tài năng thuộc diện “của hiếm” cho điền kinh Việt Nam.

Webthethao.vn Bình luận