Các thế hệ VĐV sinh ra ở miền quê Quảng Bình cứ thế nối tiếp nhau, tạo nên những “con sóng” cho bơi lội Việt Nam. Ở đó, vùng đất đầy nắng và gió sản sinh ra hàng loạt tên tuổi như cố kình ngư Trần Xuân Hiền, kỷ lục gia SEA Games Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên,…

Ở SEA Games 31, Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyên, những kình ngư xuất thân từ miền quê Quảng Bình đã mang về 7/9 HCV cá nhân. Ngoài ra, cả hai còn thi đấu xuất sắc để cùng Kim Sơn, Hoàng Quý Phước mang về tấm HCV danh giá nội dung 4x200m tự do, đồng thời phá kỷ lục SEA Games. Số HCV của các VĐV xuất thân từ Quảng Bình chiếm đến 72,7% tổng số HCV của bơi lội Việt Nam. 

Không chỉ Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Quảng Bình còn là cái nôi sản sinh ra những nhân tài kiệt xuất cho bơi lội nước nhà. Điều này thôi thúc chúng tôi tìm về vùng đất đặc biệt này để đi tìm lời giải cho thắc mắc, tại sao một tỉnh ở khúc ruột miền Trung vốn chịu khắc nghiệt về thiên tai như Quảng Bình lại có thể sản sinh ra nhiều nhân tài bơi lội đến thế.

Trước khi Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên xuất hiện và làm dậy sóng đường đua xanh khu vực Đông Nam Á, Quảng Bình được xem là cái nôi của bơi lội Việt Nam. Họ không chỉ đầu quân cho địa phương mà làm rạng danh ở các đơn vị khác.

Xuyên suốt gần nửa thế kỷ qua, Quảng Bình luôn là “địa chỉ đỏ” trên bản đồ bơi lội nước nhà. Những năm 70, 80 hay 90 của thế kỷ trước xuất hiện những kình ngư nức tiếng như Trương Ngọc Thành, Trương Ngư, Hoàng Quang Vàng, Nguyễn Bách Kỷ, Hoàng Quang Minh,… 

Hoàng Quang Minh từng giữ kỷ lục quốc gia suốt gần 10 năm hai cự ly 800m và 1.500m ở giai đoạn cuối những năm 80 đến thập niên 90 của thế kỷ XX. Ông cũng là người thầy phát hiện ra siêu kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. Đến đầu những năm 2000 là một loạt tên tuổi sáng giá như Trần Xuân Hiền, Trương Ngọc Tuấn, Phạm Thị Huệ, Phan Thị Hạnh…

Rồi sau đó với thế hệ 9X, Gen Z có Ngọc Quỳnh, Lê Thị Mỹ Thảo, Hưng Nguyên, Huy Hoàng,… Họ đều xuất thân từ mảnh đất đầy nắng và gió Quảng Bình rồi lan tỏa tài năng khắp nước nhà. Ở đó, dấu ấn đậm nét đầu tiên chính là cố VĐV Trần Xuân Hiền.

Cố kình ngư sinh ra và lớn lên bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng là VĐV đầu tiên mang về tấm huy chương cho bơi lội Việt Nam ở một kỳ SEA Games. Đó là tấm HCB ở nội dung 100m ếch tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 2001. Hai năm sau, Trương Ngọc Tuấn giành HCB ở SEA Games 2003 trên sân nhà. Đây cũng là tấm HCB duy nhất của đoàn bơi lội Việt Nam ở kỳ SEA Games này.

Phan Thị Hạnh từng có suất tham dự Olympic 2004 nhưng bị loại đáng tiếc vì trước đó không tham dự giải vô địch thế giới. Hay Phạm Thị Huệ từng giành HCĐ nội dung 100m ếch ở SEA Games 25 vào năm 2009 tại Lào. Cô là một trong những VĐV nữ đầu tiên của bơi Việt Nam giành huy chương ở SEA Games, trước đó là Võ Thị Thanh Vy và đội bơi 4x100m hỗn hợp nữ giành HCĐ ở SEA Games 2003.

Tuy vậy, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp Phạm Thị Huệ bất ngờ giải nghệ vào năm 2011, lúc đó cô mới 21 tuổi và là niềm hy vọng của bơi nữ Việt Nam. Khi Huệ giải nghệ trước SEA Games 26, HLV trưởng Đặng Anh Tuấn thời điểm đó cho hay: “Huệ rút lui từ đầu năm để lập gia đình. Chúng tôi có muốn níu kéo cũng không được, vì đó là quyết định của bản thân VĐV. 

Có thể, Huệ muốn chọn tương lai khác, thay vì bơi lội. Hiện nay, cự ly bơi ếch nhiều địa phương cũng đầu tư, nhưng đạt đến trình độ như của Phạm Thị Huệ thì chưa có VĐV nào, chưa ai đủ sức vươn đến tầm SEA Games”.

Ngô Thị Ngọc Quỳnh là VĐV nữ hiếm hoi từng đánh bại Ánh Viên vào năm 2015. Ngọc Quỳnh cũng là niềm hy vọng vàng của bơi lội Việt Nam ở SEA Games 2017. Tuy nhiên, kình ngư quê huyện Bố Trạch không tham dự chỉ ít ngày SEA Games khởi tranh vì biến cố gia đình. Từ đó đến nay, Ngọc Quỳnh không trở lại đường đua xanh. Đó là trường hợp đáng tiếc của bơi lội nữ Việt Nam, sau khi đàn chị Phạm Thị Huệ giải nghệ sớm.

Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng cứ thế, “tầng tầng, lớp lớp” nối tiếp nhau tạo ra những VĐV bơi lội tài năng cho thể thao nước nhà.

Ông Hoàng Quang Minh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao kiêm trưởng bộ môn bơi, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT tỉnh Quảng Bình cho hay: “Khi sinh ra, những trẻ nhỏ ở Quảng Bình đã thấm môi trường sông nước. Khí hậu khắc nghiệt, lũ lụt thường xuyên nên từ đó các cháu thích nghi nhanh. Cơ thể của người Quảng Bình nhỏ bé nhưng tố chất về nội tạng như tim mạch,… phù hợp với môi trường nước. Khi có điều kiện tập luyện về chuyên môn, các cháu có khả năng phát triển”.

Ông Minh cho biết thêm, bố mẹ các em thường lao động nhà nông, có sức đề kháng tốt. Các em khi sinh ra cũng thừa hưởng phần nào sức khỏe của bố mẹ. Ngoài ra, con người có ý chí, nghị lực, xác định rõ ràng đó là nghề mưu sinh. Còn về mặt chuyên môn, ông Minh cho hay, VĐV Quảng Bình thường chịu đựng khối lượng, chịu khó. Đó là nền tảng xây chắc cho các cự ly bơi dài. 

Anh Trần Xuân Hậu, em trai cố kình ngư Trần Xuân Hiền, cho biết: “Trước đây, trẻ con thường ít có trò chơi như bây giờ nên bơi là niềm vui”. Anh Hậu từng là VĐV bơi và lặn nhưng do tai nạn, phải giã từ sự nghiệp. Theo anh Hậu, chỉ riêng ở huyện Lệ Thủy, ở lứa cuối 8X của anh, có hơn 10 người từng ăn tập bơi lội chuyên nghiệp.

Ở đây thường xuyên lũ lụt, nếu không biết bơi thì nguy hiểm lắm. Từ lúc còn nhỏ, các cháu thường xuyên tắm sông, tắm hồ, lấy đó làm niềm vui rồi”, ông Nguyễn Văn Vinh, bố của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Đối với Trần Hưng Nguyên, kình ngư ở thành phố Đồng Hới là trường hợp đặc biệt. Ông Trần Chí Lâm, bố của Hưng Nguyên thổ lộ, từ nhỏ, dù chỉ cách sông Nhật Lệ khoảng 4km nhưng Nguyên chưa bao giờ ra tắm sông.

Chỉ khi mấy chị rủ đi theo bơi, nó mới bắt đầu làm quen với môi trường sông nước. Cơ thể của Nguyên có sự dị biệt khi bàn chân to, sải tay dài. Nhưng có lẽ, trong dòng máu của mình, Nguyên có gen di truyền từ nhà ngoại”, ông Lâm nói. Hai chị bên nhà ngoại của Nguyên từng là VĐV bơi chuyên nghiệp, rủ cậu bé theo với nghiệp bơi lội, từ đó bén duyên với môn thể thao này.

Ngoài tố chất, sự tác động từ các điều kiện thời tiết, môi trường, bơi lội Quảng Bình còn có cách làm riêng để tìm kiếm các tài năng. Ông Minh, người phát hiện ra Huy Hoàng, nói: “Chúng tôi phối hợp với các Phòng giáo dục & đào tạo huyện hay các trường ở vùng sông nước, nhờ nhà trường tuyển chọn VĐV lớp 3, 4, 5. Đầu tiên là lấy danh sách các em có thể hình cân đối, xuống nước là biết bơi, biết thở nước. Sau đó, chúng tôi đến tận nơi chọn lọc lại, kiểm tra.

Ở Quảng Bình trước đây cũng như hiện tại chưa có nhiều bể bơi đạt chuẩn nên cho các em xuống sông để bơi. Chúng tôi kiểm tra về thể hình, chiều cao, sải tay, độ dẻo của các nhóm cơ cơ bản. Xuống nước sẽ kiểm tra bơi, trong quá trình đó đánh giá về độ nổi, độ lướt để đưa vào tập luyện, thẩm định khoảng 20-30 em trong cả tỉnh.

Từ đó, những em có tố chất sẽ lên đơn vị ăn ở tập trung. Chúng tôi thường chọn thời điểm từ 1/6 đến 15/8 hằng năm. Sau thời gian đó, các thầy kiểm tra, đánh giá lại về mọi mặt, kể cả tính cách, sinh hoạt, sự khéo léo còn về chuyên môn kiểm tra các chỉ số ban đầu, chọn lọc lại những VĐV đạt chỉ số đưa vào lớp Năng khiếu chính thức”.

Từ cách làm căn cơ đó, bơi Quảng Bình luôn có tính kế thừa cao.

Tuy vậy, sau Huy Hoàng, bơi lội Quảng Bình gặp khó trong việc tìm kiếm tài năng. “Chúng tôi bị hỏng một lứa”, ông Minh trăn trở. So với trước đây, cuộc sống đặc thù sông nước ở Quảng Bình ít dần. “Sông bị ô nhiễm, trẻ nhỏ có nhiều thú vui khác nên cũng ít thấy trẻ em tắm sông”, anh Hậu giãi bày.

Anh Hậu có hai người con, đều có tố chất bơi lội nhưng anh hướng các con theo học văn hóa. “Sông Gianh hiện tại khá sâu và thay đổi dòng chảy của nước rất nhiều vì khai thác cát sạn. Nó ẩn chứa nhiều hiểm họa. Do đó, các gia đình ít cho trẻ con tắm sông lắm”, ông Vinh chia sẻ.

Là người trực tiếp đi khắp tỉnh tìm kiếm, ông Minh cũng trăn trở với những băn khoăn của anh Hậu, ông Vinh. “Bây giờ, các cặp vợ chồng trẻ đã có nhận thức khác hẳn. Dù ở miền xa cũng không muốn con theo nghiệp thể thao, chủ yếu cho con học văn hóa. Trước đây, nhà chưa có nước máy để tắm, sinh hoạt nên các em xuống sông tắm. 

Hiện tại, các con sông cũng không còn sạch nữa. Các xã có xu hướng làm bể bơi thông minh, bể bơi tư nhân mọc ra khắp nơi, các gia đình cũng cho con đi học để biết bơi mà thôi”, ông Minh tâm sự.

Ông cùng các HLV trong Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT Quảng Bình vẫn theo nếp cũ tìm kiếm VĐV. Đã khó trong việc tìm người, ngặt nỗi, khi tìm ra “viên ngọc thô”, cũng là cái khó thuyết phục gia đình khi bố mẹ không đồng ý.

Chúng tôi lấy cái bóng của những anh lớn như Huy Hoàng song vẫn gặp nhiều trở ngại. Trước đây, phụ huynh có xin cho con theo học, họ đến tuyển sinh còn giờ, chúng tôi phải năn nỉ phụ huynh.

Có nhiều trường hợp khi đến xem con tập luyện là xin về. Gia đình có việc gì lớn hay nhỏ cũng xin về. Mà không cho về thì không được còn cho về thì lại không lên nữa. Chúng tôi nhận thấy có ai tiềm năng thì gửi gắm đi tập huấn xa, dù nhớ nhà nhưng ở xa, một thời gian sẽ quên”, ông Minh trăn trở.

Từ những trở ngại đó, bơi Quảng Bình thay đổi chiến lược, từ số lượng nhiều kèm theo chất lượng sang số lượng ít và hy vọng tìm ra 1, 2 VĐV trong mỗi lứa VĐV.  

Thời thế thay đổi khiến bơi Quảng Bình mất tính kế thừa trong những năm gần đây nhưng ông Minh chắc bẫm: “Kiểu gì cũng phải đãi cho ra 1, 2 VĐV tài năng mỗi lứa cho bơi lội nước nhà”.

Bài liên quan

Thần đồng bơi lội Trần Hưng Nguyên: Đằng sau vẻ thanh tú là chàng trai siêu “dị”

Lãng tử, tài năng và từng khiến cả Đông Nam Á dậy sóng khi giành 2 HCV SEA Games 30 khi chỉ mới 16 tuổi. Ẩn đằng sau đó, thần đồng bơi lội Trần Hưng Nguyên là chàng trai khá dị biệt, nội tâm và đầy bản lĩnh.

Những thống kê khó tin về kỳ SEA Games đại thắng của bơi lội Việt Nam

Bơi lội Việt Nam kết thúc SEA Games 31 đại thắng với những thông số từ trước đến nay chưa từng có. Ở đó, hình bóng của Ánh Viên đã được lấp đầy.

“Cậu bé vớt rong” Huy Hoàng vượt lũ dữ thành kình ngư số 1 Việt Nam

Những cơn lũ dữ ở sông Gianh chỉ tiếp thêm nghị lực để Nguyễn Huy Hoàng bơi ra biển lớn và kình ngư này vừa trở thành “VĐV tiêu biểu số 1 thể thao Việt Nam năm 2021”.

Webthethao.vn Bình luận