Esports: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thể thao

thứ bảy 18-6-2022 13:14:56 +07:00 0 bình luận
Với sự phát triển của truyền thông số, Esports đã chuyển mình từ một bộ môn thuộc tiểu văn hoá (subculture) sang một nền văn hoá đại chúng (mainstream culture).

Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các nền tảng truyền thông đem đến nhiều thay đổi trong hành vi tiêu dùng tạo ra những biến đổi lớn trong lĩnh vực thể thao. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng đã mang đến những tác động nhiều chiều cho thể thao, đặc biệt là nhu cầu và quá trình thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình thể thao gắn với môi trường số.

Esports phát triển mạnh bất chấp đại dịch COVID-19

Lĩnh vực thể thao ngày càng mang tính toàn cầu, chuyên nghiệp và cạnh tranh lớn hơn cả về qui mô và hình thức. Có thể thấy thế giới thể thao đang chuyển dịch với không ít thách thức đi kèm cơ hội trong giai đoạn từ nay đến Olympic Paris 2024.

Vai trò của truyền thông số

"Phát sóng trực tiếp – Live streaming" sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thương mại của hầu hết các môn thể thao trong những năm tới, đặc biệt là ở các thị trường mới. Tuy nhiên, cách khán giả tiêu thụ và trải nghiệm thể thao đang có những thay đổi lớn. Mặc dù tỷ lệ người xem truyền thống đang giảm mạnh, nó không có nghĩa là khán giả đang quay lưng với thể thao. Ngược lại, họ chỉ đang theo dõi thể thao dưới những hình thức và nền tảng khác, trong đó gần như chắc chắn sử dụng nhiều hơn các kênh OTT (ứng dụng hình ảnh và âm thanh được cung cấp thông qua Internet), kỹ thuật số và mạng xã hội.

Tiềm năng phát triển esport từ sở thích xem livestream là rất lớn

Với trên 7 tỷ người trên toàn cầu dự đoán sẽ tiếp cận internet tốc độ cao, đây là cơ hội để những nhà hoạch định chính sách, quản lý và kinh doanh thể thao… tận dụng để quảng bá và kiếm lợi nhuận từ thể thao. Ngoài ra, họ còn có thể thu thập các dữ liệu giá trị thông qua tương tác trực tiếp với khán giả. Mối quan hệ trực tiếp và vững mạnh giữa cộng đồng khán giả với môn thể thao cũng sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của các thương hiệu, nhà tài trợ và các thực thể thương mại khác.

Esports dần chiếm ưu thế tại các sự kiện thể thao lớn

Trong 40 môn thể thao tại SEA Games 31, thể thao điện tử (Esports) là môn thể thao nhận được sự quan tâm chú ý rất lớn của cộng đồng khán giả và các nhà hoạch địch chính sách, không chỉ ở các nước Đông Nam Á. Esports đang ngày càng trở thành một ngành công nghiệp quan trọng. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi cộng đồng người chơi game cũng như tỷ lệ sử dụng mạng xã hội và livestream (truyền hình trực tiếp trên Internet) – tăng trung bình 15% mỗi năm. Newzoo dự đoán, giá trị của nền kinh tế Esports đạt mốc trên 1 tỷ USD vào năm 2021.

Esports đã phát triển trở thành nền công nghiệp tỷ đô

Hiện nay, tại một số nước có thể dễ dàng nhận thấy thể thao truyền thống đang phải “học hỏi chéo” từ Esports, đặc biệt trong việc thu hút khán giả trẻ. Một trong những nguy cơ lớn nhất cho tất cả các môn thể thao là khán giả của họ già đi trong khi không có nguồn khán giả mới.

Liên quan đến khả năng Esports trở thành môn thể thao thi đấu chính thức của Olympics, câu hỏi đặt ra là: Esports cần được Olympics công nhận để có thể tiếp cận khán giả đại chúng hay Olympics phải có Esports mới thu hút được nhiều khán giả trẻ hơn?

Sự thành công của Esports tại các sự kiện Olympic như SEA Games là điều kiện tiền đề quan trọng đồng thời là trải nghiệm rất rõ ràng để tất cả các bên liên quan xác lập sự đồng bộ và thừa nhận vai trò của thể thao số trong định hướng phát triển thể thao thế giới như một chuyển dịch tất yếu.

Xây dựng thương hiệu VĐV, CLB Esports trong quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong thể thao không chỉ là quá trình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào các môn thi đấu mà còn là quá trình chuyển đổi về “môi trường tương tác” từ truyền thống lên môi trường số. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển các hoạt động nghiệp vụ và thương mại diễn ra sôi động và đa dạng hơn. Đây chính là các yếu tố giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về qui mô, doanh thu và lợi nhuận của ngành thể thao, tạo đà cho những đóng góp thiết thực vào tổng thể phát triển nền kinh tế quốc gia. Nói cách khác, chuyển đổi số trong thể thao tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế thể thao, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.

Top 10 tổ chức Esports có giá trị lớn nhất thế giới, tính tới hết tháng 4 năm 2022

Tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ đã công bố top 10 tổ chức Esports có giá trị lớn nhất thế giới, tính tới hết tháng 4 năm 2022. Theo tính toán từ Forbes, giá trị trung bình của top 10 Esports lớn hiện rơi vào khoảng 353 triệu USD. Con số này đã tăng 46% so với năm 2020 và cho thấy Esports đã "sống khỏe" ra sao dù phải đối đầu với dịch bệnh.

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, các sự kiện lớn đều phải hủy bỏ do việc di chuyển và sự kiện đông người không được phép tổ chức. Tuy nhiên, Esports là bộ môn có thể thi đấu trực tuyến (online) và đã nhanh chóng sản xuất những sân khấu ảo, studio ảo để phục vụ khán giả và người hâm mộ cũng đang tìm kiếm những nội dung để giải trí khi họ không thể ra ngoài. Việc đa dạng trong mô hình trực tuyến và ngoại tuyến là một yếu tố mấu chốt giúp cho Esports giữ được sự gắn kết và theo dõi của giải đấu và người xem, người theo dõi, khiến cho giá trị về kinh tế và độ phủ rộng gia tăng không ngừng.

Bằng cách tăng giá trị của giải đấu với mức tiền thưởng khổng lồ, lượng người xem và theo dõi lớn, các giải đấu Esports với cách tiếp cận phù hợp và đa nền tảng đã thu hút sự đầu tư tới từ các tổ chức, nhãn hàng lớn để quảng bá, từ đó gia tăng giá trị thương hiệu. Không chỉ nâng cao sự nhận thức về nhãn hàng, tổ chức tài trợ, mà còn nâng tầm giá trị thương hiệu của tuyển thủ, đội tuyển tham dự thông qua truyền thông, thông qua việc người hâm mộ sẵn sàng chi tiền để ủng hộ, cổ vũ và tìm kiếm cơ hội được tiếp xúc với thần tượng hay đội tuyển họ yêu thích.

Năm 2020, Bản quyền của LPL -–một giải đấu Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp của Trung Quốc đã lên tới 118 triệu USD. Tiếp đến, năm 2021, truyền thông quốc tế một lần nữa đưa tin về việc Huya Live và Tengjing Sports chính thức đạt thỏa thuận mua lại quyền phát sóng độc quyền hệ thống giải đấu LMHT chuyên nghiệp Trung Quốc, bao gồm LPL, LDL và All-star LPL. Thời hạn 5 năm cho gói bản quyền phát sóng có tổng trị giá lên tới 310 triệu USD (~7,147 tỷ VNĐ), chính thức nắm giữ kỷ lục về giá trị bản quyền phát sóng của một bộ môn Esports. Như vậy, mỗi năm, ban tổ chức LPL sẽ thu về khoảng hơn ~1,400 tỷ VNĐ nhờ việc cung cấp bản quyền phát sóng độc quyền, chưa kể lợi nhuận tăng thêm.

Với lợi nhuận và giá trị tăng không ngừng, chi phí lương thưởng cho những nhân tố trực tiếp thu hút truyền thông là các đội tuyển và tuyển thủ sẽ tăng lên. Để tương xứng và thay đổi nội dung, gia tăng sự theo dõi và tò mò, gắn kết với thần tượng và đội tuyển của người xem, việc làm truyền thông bắt buộc phải đẩy mạnh. Ví dụ như T1 của LMHT, Faker là VĐV có thu nhập tầm triệu phú USD và quan trọng nhất, là người có biệt danh "Quỷ vương", lại mang đến tầm ảnh hưởng rất lớn tới không chỉ cộng đồng LMHT toàn cầu, mà còn ảnh hưởng tới giới trẻ châu Á và người dân Hàn Quốc.

Faker là một trong những game thủ giá trị nhất trong giới Esports

Điều này xuất phát từ thực lực và trình độ, thông qua truyền thông bài bản, vững chắc để trở thành động lực, là câu chuyện truyền tải sự tích cực cho một đại bộ phận giới trẻ đầu tư và nghiêm túc với Esports và năng khiếu của mình với bộ môn này. Nhờ vậy, khi có được sự hưởng ứng, trở thành một phong trào, một xu hướng, Esports được công nhận là một nghề nghiệp và được giáo dục chính quy tại các trường Đại học tại Hàn Quốc, quê hương của Faker. 

Tại Việt Nam, bắt đầu có những sự đầu tư bài bản và đi đúng hướng giúp cho đội tuyển đạt giá trị thương hiệu cao, thu nhập các tuyển thủ ở mức rất cao so với mặt bằng chung: Team Flash (Free Fire, Liên Quân, Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online 4), GAM eSports..vv… đều là những tổ chức Esports không chỉ có bề dày thành tích, mà còn được các nhãn hàng, thương hiệu góp phần đầu tư.

GAM Esports đang đi đúng hướng của một tổ chức Esports chuẩn quốc tế

Dẫu vậy, vào thời hiện hiện tại, có rất ít VĐV xây dựng được thương hiệu cá nhân và chưa được bảo trợ về thương hiệu cũng như rèn luyện những kỹ năng để ứng xử trước công chúng và giới truyền thông. Ở Việt Nam hiện nay, khai thác về giá trị thương hiệu các vận động viên vẫn còn khá mới mẻ, đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho các tổ chức liên quan triển khai những bước đầu tiên trên hành trình xây dựng, tìm kiếm sự bảo trợ thương hiệu cho các vận động viên. Qua đó, tạo được nguồn bảo trợ bền vững từ các doanh nghiệp, lan tỏa rộng hơn hình ảnh, tài năng, những câu chuyện truyền cảm hứng từ những vận động viên, tạo ra giá trị xứng đáng với những nỗ lực mà họ đã cống hiến cho thể thao và mang vinh quang cho Tổ quốc.

Thành Hưng
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội