Những người đại diện cho tuyển thủ Esports - Họ là ai?

chủ nhật 14-11-2021 21:30:00 +07:00 0 bình luận
Thế giới Esports không thiếu những cạm bẫy, các game thủ chuyên nghiệp sẽ cần những người đại diện để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.

Thể thao điện tử, hay còn được biết đến với cái tên khác là Esports đang trên đà trở thành một ngành công nghiệp hàng tỷ đôla. Các game thủ tài năng sẽ có được thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau: Từ giải đấu, từ nhà tải trợ, người hâm mộ hay thậm chí là được trả lương như các môn thể thao chính thống. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với vô vàn những cám dỗ của cuộc sống.

Để bảo vệ các game thủ chuyên nghiệp và những người nổi tiếng trong ngành công nghiệp games, nhiều công ty đại diện đã được thành lập và ngày càng phát triển, đặc biệt là tại khu vực Bắc Mỹ như Evolved Talent, Electronic Sports and Gaming Law, hay Level Up... Thậm chí, họ còn nhận được sự tôn trọng từ những người hâm mộ, tiêu biểu như CAA và UTA, 2 công ty đại diện cho Ninja, Dr Disrespect, Scarra, những streamers hàng đầu thế giới vào thời điểm hiện tại.

Các streamers hàng đầu đều có công ty đại diện

Công việc của một người đại diện

Cũng giống như thế giới bóng đá, những người đại diện sinh ra để chăm lo lợi ích cho các tuyển thủ, đặc biệt là trong các thương vụ chuyển nhượng, hợp đồng, tài chính và đôi khi là đời tư của các tuyển thủ. Những người đại diện sẽ giải quyết những công việc ngoài chuyên môn của tuyển thủ, để những tuyển thủ chỉ cần tập trung vào luyện tập và thi đấu, nhưng vẫn được hưởng lợi ích cao nhất.

Barry Lee - Đồng sáng lập kiêm giám đốc Esports của  Evolved Talent Agency

Stephen Hanna, giám đốc phát triển toàn cầu của Ủy ban Chính trực Esports (ESIC) chia sẻ về tầm quan trọng của người đại diện:

"Những người đại diện tốt sẽ tìm ra những cách hợp lý và hợp pháp nhất để bảo vệ các tuyển thủ trước vô vàn rủi ro mà họ phải đối diện. Giá trị của những người đại diện là vô cùng thực tiễn bởi trong thế giới chuyên nghiệp, các tuyển thủ luôn phải có sự tập trung cao nhất và họ không thể nào nhìn nhận rõ rệt với những mối hiểm họa xung quanh bản thân."

Hành trình tiến đến sự hợp pháp trong thế giới Esports

Năm 2015, một tuyển thủ bày tỏ mong muốn rời đội Meet Your Makers đã nhận lời đe dọa từ quản lý của tổ chức rằng mẹ của cậu sẽ không còn nơi nào để ở nếu cậu ấy không chịu ở lại. Cũng trong năm đó, quản lý của Team Coast đã lấy đi toàn bộ số tiền thưởng của các thành viên từ các giải đấu LAN.

Ở giải đấu Liên Minh Huyền Thoại của VCS, những lùm xùm xoay quanh vụ nợ lương tuyển thủ của Zeros đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực trong hơn 1 năm trời. Bản thân Zeros đã tố cáo GAM nợ 200 triệu tiền lương không trả, hợp đồng mập mờ, đã nhờ Garena can thiệp, tuy nhiên Tinikun, cựu HLV của GAM lại cho biết Zeros mới là người sai bởi anh không đọc kỹ điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký với GAM Esports.

Zeros đã tố cáo GAM nợ 200 triệu tiền lương không trả và hợp đồng mập mờ

"Hồi đó trong hợp đồng của Zeros có điều khoản nếu vô địch thì mỗi tháng sau cộng thêm 20% lương. Levi, Yuna... ai cũng có điều khoản đó. Nhưng sau đó, GAM kêu ký lại hợp đồng, chuyển qua chủ sở hữu mới. Tất cả mọi người đều tái ký.

Lộc ký sau cùng vì ban đầu, Lộc định qua Team Flash hay sang nước ngoài. Nhưng cuối cùng thì nó ký lại hợp đồng. Lúc đó không để ý kỹ, nhưng mọi người đều nghĩ hợp đồng mới ký lại sẽ thanh toán mọi tiền lương, tiền thiếu của Zeros từ trước đó.

Thằng Lộc không có đọc. Phải cách đây một tuần mới đọc lại hợp đồng đó giật ngược lại từ ngày 1/5 là không có phần cộng thêm. Hợp đồng của Zeros không giống Yuna. Nghĩa là sau chức vô địch, lương của mọi người được cộng thêm cho tất cả các tháng sau này. Nhưng còn Lộc là vẫn như cũ, chưa có cộng".

Đó chỉ là 2 trong số hàng loạt câu chuyện cay đắng về những game thủ chuyên nghiệp gặp phải khi bước vào ngành công nghiệp Esports. Theo lời của Danan Flander, quản lý cấp cao của Golden Guardians, một tổ chức Esports của Golden State Warriors, những người đại diện chính hãng đã và đang thay đổi ngành công nghiệp game vượt qua bóng ma từ quá khứ, chấm dứt những nghịch cảnh gây ra bởi một số người đại diện hay tổ chức đã lợi dụng các tuyển thủ hay sử dụng những mánh khóe, kẽ hở trong hợp đồng để mang về lợi ích cho bản thân mình.

Để ngăn ngừa những người đại diện hay tổ chức trục lợi tuyển thủ, Ủy ban Chính trực Esports đang hoàn thiện một chứng chỉ chuyên nghiệp dành riêng cho những đại diện của tuyển thủ Esports. 

Nghệ thuật đàm phán

Một trong những nhiệm vụ bắt buộc đối với người đại diện chính là đàm phán và thương thảo hợp đồng.  Những quan điểm trái chiều trong giao dịch hay quyền lợi của các bên thường dẫn đến các xung đột. Các tuyển thủ Esports thường không có nhiều kiến thức về tài chính cũng như hợp đồng khi luôn phải tập trung vào luyện tập và thi đấu, họ có thể mất hàng ngàn, hay thậm chí là hàng triệu USD nếu không có sự hỗ trợ từ những người đại diện.

Kanavi từng bị Griffin ép ký bản hợp đồng nô lệ với JD Gaming

Trường hợp của Kanavi, người đi rừng của JDG là một ví dụ cụ thể. Theo tiết lộ của HLV cvMax, GRIFFIN ban đầu đã chuyển nhượng Kanavi sang JD Gaming dưới dạng cho mượn, bằng một bản hợp đồng thiếu công bằng. Sau đó, GRIFFIN cố gắng để bán hoàn toàn tuyển thủ này cho chính JD Gaming, bằng một bản hợp đồng có thời hạn dài đến vô lí.. Cựu CEO của GRIFFIN, Cho Gyu-nam, chính là người đã đe doạ sẽ tố cáo Kanavi có hành vi "đi đêm", nếu tuyển thủ này không chịu kí vào bản hợp đồng.

Nói về ưu tiên hàng đầu khi đàm phán hợp đồng với một đội, Barry Lee - Đồng sáng lập kiêm giám đốc Esports của  Evolved Talent Agency cho biết, mức lương, các khoản tiền thưởng và thời hạn hợp đồng là 3 yếu tố thiết yếu nhất. Những điều khoản này có tác động rất lớn tới sự nghiệp của một tuyển thủ.

Lee cũng đặc biệt thận trọng với những điều khoản liên quan đến việc kết thúc hợp đồng, bao gồm cả những trường hợp bất khả kháng dẫn tới sự đổ vỡ nằm ngoài quyền kiểm soát của tổ chức hay tuyển thủ. Ngoài ra, anh cũng cố gắng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hình ảnh của tuyển thủ, bảo đảm các tổ chức sẽ không kiểm soát chúng quá mức thời hạn của hợp đồng như trường hợp của xạ thủ Uzi với tổ chức Royal Never Give Up.

Uzi không thể thi đấu cho một đội khác ở LPL vì vẫn hợp còn hợp đồng với Royal Never Give Up

Dưới góc nhìn của Flander, đàm phán hợp đồng không hề có bất cứ quy chuẩn nào. Sự non nớt về kinh nghiệm và kiến thức sống sẽ đem về thiệt thòi lớn cho các tuyển thủ. Khi LCS bắt đầu áp dụng hình thức nhượng quyền thương mại vào năm 2018, hợp đồng của nhiều thủ đã rơi vào tình trạng này.

Riot đã phải giải quyết vấn đề nghiêm trọng về hợp đồng bằng một mẫu hợp đồng đến từ được cung cấp bởi ESG Law (Electronic Sports and Gaming Law). Sau khi tham khảo, Riot đã chia sẻ mẫu hợp đồng cho một vài đội tuyển trước khi áp dụng cho tất cả các tổ chức. Giờ đây, các đội đều đã có một mẫu hợp đồng thống nhất khi ký kết với các tuyển thủ.

Tuy các bộ môn khác nhau sẽ có một vài điểm khác biệt trong hợp đồng, nhưng theo chia sẻ của Barry Lee, các hợp đồng đều thống nhất nếu xét trên một bức tranh toàn cảnh.

Tương lai của ngành đại diện cho tuyển thủ Esports

Không phải tất cả các VĐV Esports nào cũng có người đại diện. Rất nhiều tuyển thủ lựa chọn gia đình và người thân làm đại diện hoặc thuê luật sư để tham khảo những điều khoản trong hợp đồng. Một số tuyển thủ thiếu hiểu biết thậm chí sẽ tự động ký kết hợp đồng mà không hiểu rõ các điều khoản. 

Các tuyển thủ Esports thường thiếu kiến thức về giá trị và các điều khoảng trong hợp đồng

Travis Mynard, từng là người đứng đầu trong việc quản lý hợp đồng tuyển thủ của Riot Games và hiện đang là người đại diện của United Talent Agency chia sẻ, chỉ có 30-40% các tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại là có người đại diện. Đối với các bộ môn như Call of Duty hay Overwatch, con số này còn thấp hơn rất nhiều.

Hiện tại, vấn đề mà các tuyển thủ Mỹ từng gặp trong quá khứ đã và đang lan rộng ra nhiều khu vực khác. Anthony Hodgson, một cựu HLV và BLV của bộ môn Dota 2 cay đắng chia sẻ, anh và các tuyển thủ đã bị Entity Gaming sa thải mà không có khoản bồi thưởng, tuy nhiên theo hợp đồng đã ký kết thì tổ chức đã hoàn toàn giải quyết đúng luật. 

Bước tiếp theo trong việc bảo vệ quyền lợi của tuyển thủ là một tổ chức giống như công đoàn hoặc một hiệp hội giống như các giải đấu NBA, NFL để hỗ trợ các tuyển thủ. Vai trò của hiệp hội không chỉ đảm bảo các quyền lợi trong hợp đồng mà còn bảo vệ hình ảnh và tên tuổi của cầu thủ.

Năm 2017, Riot đã thành lập Hiệp hội tuyển thủ LCS để các tuyển thủ có tiếng nói hơn, tuy nhiên đây vẫn chỉ là một tổ chức không chính thức thuộc thẩm quyền của Riot không hơn không kém. Barry Lee đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những tổ chức như công đoàn, bởi: "Một hiệp hội Esports sẽ là nơi các tuyển thủ tìm đến khi họ cảm thấy mức lương và thu nhập của mình không chinh xác."

Trước khi một hiệp hội được thành lập, những tuyển thủ trẻ vẫn sẽ cần đến một người đại diện không chỉ để giải quyết những vấn đề xung quanh hợp đồng, mà còn để hướng tới những bước đi tiếp theo trong sự nghiệp, đặc biệt là khi bước qua giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp và sắp sửa giải nghệ.

Thành Hưng
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội