Bóng đá nữ Việt Nam và giấc mơ đổi đời

thứ tư 28-8-2019 10:33:15 +07:00 0 bình luận
“Rất mong sẽ có đông phóng viên ra đón các em, cho các em khỏi tủi thân, các anh chị cứ theo các đội trai, quên các em gái tội nghiệp lắm!”

Tôi đọc đi đọc lại những lời lẽ này trên facebook một cán bộ truyền thông VFF và cảm nhận được một điều gì đó như hờn trách. Bóng đá nữ Việt Nam lại đoạt chức vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á- một thành tích không bình thường chút nào.

Hãy thử tưởng tượng nếu đó là thành tích của đội bóng đá nam. Sẽ có ngay một khung cảnh rợp trời, cờ hoa. Người hâm mộ và quan chức thể thao đứng kín sảnh chờ sân bay. Và sau đó là những cơn mưa- những cơn mưa tiền thưởng đổ xuống như cơn bão Podul ngấp nghé ngoài biển Đông.

Nhưng đây là bóng đá nữ. Đây cũng là lần thứ 3 vô địch Đông Nam Á, dù vẫn kém Thái Lan một chức vô địch nhưng vẫn làm một thành tích mang tính lịch sử.

Hơn 20 năm, kể từ khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được thành lập và mang chuông đi đánh xứ người, chưa bao giờ có sự công bằng và chính những cầu thủ nữ cũng chưa bao giờ đòi hỏi sự công bằng nhưng sự thiệt thòi luôn hiện hữu.

Bóng đá nữ luôn chịu thiệt thòi so với các đồng nghiệp nam. Ảnh: VFF

Tôi nhớ lần đầu tiên tham dự một SEA Games trong vai trò là một phóng viên đưa tin. Đó là năm 2001- SEA Games 21 trên đất Malaysia. Khi được phân công theo dõi và đưa tin về bóng đá nữ (thay vì làm phóng viên đeo bám đội U.23) tôi có đôi chút chạnh lòng. Ấy thế, cuối cùng đó là một điều may mắn. Ở chỗ, đó là giải đấu mà đội quân U.23 của HLV Dido đã phải muối mặt rời giải từ vòng đấu bảng thì đội tuyển nữ của Steven Darby lại có một giải đấu khó tin với thế hệ Ngọc Mai, Thu Hồng, Minh Nguyệt, Thúy Nga…

Và họ đã đoạt HCV- chiếc HCV đầu tiên ở SEA Games. Nhưng may mắn hơn, tôi được quen và hiểu nhiều hơn về những cầu thủ nữ. Mỗi người một số phận, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Sau ánh hào quang lấp lánh trên sân đấu với món tiền thưởng không quá lớn, họ lại trở về đối mặt với cuộc sống thường ngày mà sau đó báo chí phản ánh những tuyển thủ quốc gia, những cô gái vàng, những người hùng phải hùn vốn để mở một xe bán nước sâm, bán bánh mỳ để kiếm sống qua ngày.

Sau này bóng đá nữ tiếp tục thành công nhưng có vẻ sự đãi ngộ cũng không có gì thay đổi nhiều. Và tôi cũng nhớ như in khuôn mặt như sắp khóc của HLV Mai Đức Chung khi kể về những học trò của mình giữa mùa cúm gà- cúm vịt khoe thầy mua trứng vịt về để bồi bổ vì “mùa dịch nên trứng rẻ như cho, bọn con cứ mua về ăn cho bổ vì khi hết dịch trứng đắt lên lại chẳng có tiền mà mua”.

Hay câu chuyện của người hùng Kim Thanh- thủ môn đã thi đấu xuất sắc giúp tuyển nữ Việt Nam vượt qua Thái Lan hôm 27.8 vừa rồi- khiến người ta rớt nước mắt. Thanh nhà nghèo, được cha mẹ cho đi theo nghiệp cầu thủ, vì lý do con gái được nuôi ăn miễn phí và có cơ hội đổi đời.

Các cô gái đã mang chức vô địch thứ ba về cho bóng đá nước nhà. Ảnh: VFF

Vâng chỉ cần “được nuôi ăn miễn phí” và có “cơ hội đổi đời” là những cầu thủ nữa sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân của họ. Đó là thanh xuân không phải như “một tách trà” mà là một quãng đời đầy mồ hơi, nước mắt và cả máu trên sân tập và trên sân cỏ.

Với chiến công xuất sắc, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã được VFF tặng thưởng tổng số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng, trong đó 300 triệu đồng vào bán kết, 400 triệu đồng vào chung kết và 600 triệu đồng vô địch giải đấu. Ông Phạm Thanh Hùng - Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF thưởng riêng cho đội 360 triệu đồng. Mới nhất là thông tin Ủy ban Olympic tặng thêm 500 triệu đồng.

Hơn 2 tỉ đồng cho 30 con người, tính đến thời điểm này không phải là quá lớn so với những gì họ mang lại nhưng lại rất lớn và là số tiền mơ ước của nhiều cầu thủ để thực hiện giấc mơ đổi đời.

Nhưng có lẽ với họ, món quà quý hơn cả là sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng tới đội tuyển nữ. Sự quan tâm ấy được kỳ vọng là sẽ kéo thêm được sự quan tâm của xã hội, của doanh nghiệp vào đầu tư cho bóng đá nữ để mỗi cầu thủ không còn bị đè nặng giấc mơ đổi đời nữa mà là giấc mơ chinh phục những đỉnh cao hơn.


Song An
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội