"Đồng màu, đồng chất" ở V.League
Mùa bóng chuyên nghiệp đầu tiên năm 2001 của Việt Nam, bình luận viên Long Vũ tếu táo với đoạn clip ngắn phát trong chương trình thể thao của VTV. Đó là trích đoạn một trận đấu trên sân Hàng Đẫy với lời bình luận: "Cầu thủ SynMaster đỏ nhận bóng, vượt qua cầu thủ SynMaster trắng xuống sát biên và bị một cầu thủ SynMaster trắng khác truy cản. Anh SynMaster tìm cách vượt qua và tạt bóng để một SynMaster đỏ khác băng vào đánh đầu tung lưới thủ môn SynMaster xanh…".
Đó là chuyện của ngày đầu với giải chuyên nghiệp Việt Nam mang tên V.League khi mà các đội chưa tự thân kiếm tiền được nên nhà tài trợ Strata mới gom các đối tác lại nhận một khoản rồi chia cho mỗi đội vài tỉ để đá giải gọi là giải chuyên nghiệp. Chính vì "một ông chủ", một khoản tiền cào bằng rót ra mà 12 đội chuyên nghiệp khi ấy mang chung một nhãn hàng trước là Highland Coffee và Tiger Beer, còn lưng áo là SynMaster chình ình ngay chỗ thêu tên cầu thủ.
Đó là giải đấu đồng màu, đồng chất bởi đội nào cũng như nhau. Duy nhất đội Cảng Sài Gòn hồi đấy móc thêm được một nhà tài trợ nhưng không biết in vào đâu thế là phải tìm khoảng trống duy nhất dưới số áo cầu thủ mà in vào. Báo hại nhưng cầu thủ nhỏ con như Hồ Văn Lợi mỗi lần vào sân phải bưng bê cái "bảng quảng cáo" nhà tài trợ Cảng Sài Gòn ở… mông.
Từ đó đến nay đã 18 năm tức 18 mùa giải chuyên nghiệp trôi qua và V.League đã thay đổi rất nhiều. Các bình luận viên không còn cơ hội tường thuật vui kiểu SynMaster đỏ vượt qua SynMaster trắng nhưng sang tuổi 18 mà nghĩ lại thời Syn đỏ, Syn trắng đấy lại thấy nó vô tư và trong sáng hơn tuổi 18.
Trao đổi với chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, người có đầy đủ các vị trí với bóng đá Việt Nam từ giảng viên đại học, đến HLV đội vô địch quốc gia (Đồng Tháp) sang đến gõ đầu trẻ, HLV đội U.18 quốc gia, HLV các đội chuyên nghiệp rồi bây giờ lại thích thú với các chương trình bóng đá cộng đồng ở TP.HCM được xem là tiêu biểu của cả nước.
Ông Xương chia sẻ rất thật: "Cứ làm những phép tính cộng và tính nhân lên sẽ thấy mỗi mùa V.League chúng ta đổ cả ngàn tỉ cho cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp nhưng chúng ta được gì? Bóng đá để phục vụ xã hội nhưng có những lúc xã hội lại mệt mỏi với bóng đá V.League nói riêng. Nói bóng đá V.League của ta nuôi một bộ máy để làm giải V.League cũng đúng vì nhiều người làm chức này chức nọ hay công tác ở nhiều nơi cũng chỉ mong có V.League để đi làm và để có thu nhập cao hơn nghề tay phải của họ. Các đội bóng thì chưa đội nào tự nuôi sống mình được nhưng tiêu tiền thì rất kinh và tiền ấy ở đâu ra…".
Tất nhiên khi đặt ra vấn đề trên, ông Xương cũng có giải pháp (theo ý cá nhân ông) nhưng sau đó thì ông Xương kết luận: "Có những giải pháp mang lại lợi ích xã hội vốn là mục đích của bóng đá là phục vụ xã hội lại không mang lại lợi ích của không ít người làm bóng đá nên nó khó được tiến hành".
V.League tuổi 18 đang "đồng màu, đồng chất" nhưng không đồng màu theo cái kiểu "Syn đỏ, Syn trắng" của anh Long Vũ. Sự "đồng màu" đấy bị xem là khó có những nhà lãnh đạo đội bóng thoát ra khỏi cái "chất" mà bóng đá Việt Nam đang đi. Chẳng hạn một lãnh đạo lớn của một CLB cũng là thành viên trong một ban bệ ở VFF mà thẳng tay mắng trọng tài là được đào tạo từ trường Mù thế mà vẫn được cất nhắc làm trưởng đoàn đội trẻ quốc gia.
Hay V.League đang ở giai đoạn quyết liệt nhưng giới chuyên môn đã tính nhẩm hết đường đi nước bước và kháo nhau: Sài Gòn không xuống hạng, TP.HCM không rớt, Cần Thơ xuống hạng Nhất… rồi chỉ vào các vòng đấu cuối những đội bóng trong cùng "gia đình" đá với nhau thế là cả nhà vừa có thành tích vừa trụ hạng.
V.League đang bị châm biếm thành Võ League bởi lối đá bạo lực, những tranh cãi với đầy rẫy hình ảnh xấu trên sân mà vòng đấu nào cũng "thượng đài". Thế thì đặt lại vấn đề là có bao nhiêu người làm bóng đá thực thụ chú tâm vào việc xây dựng một V.League đúng với tinh thần của giải chuyên nghiệp?
Đã là chuyên nghiệp thì không thể "Syn đỏ đá Syn trắng" được nhưng tuổi 18 mà V.League thành Võ League thì thà là cứ đá phong trào treo bảng quảng cáo trên mông có lẽ vui hơn, thích hơn.